Có phải Apple đã thay đổi triết lý?
CÂU CHUYỆN CÔNG NGHỆ:
Apple giờ đã thay đổi rồi. Từ sau khi “huyền thoại Apple” Steve Jobs qua đời vì bệnh hồi tháng 10-2011, người ta nói như vậy.
Mà như vậy thì có gì lạ, nó là quy luật đó chứ. Thế giới đã chứng kiến quá nhiều tấm gương tày liếp tiêu vong chỉ vì bảo thủ và không có năng lực thay đổi theo thời đại. Hãng máy ảnh Kodak đó, hay gần đây hơn là hãng smartphone BlackBerry. Họ toàn là những ngôi sao một thời vang bóng. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi một cách tích cực và đem lại kết quả tốt hơn.
Cờ tới tay ai người đó phất, ông bà mình dạy vậy. Người kế nhiệm Jobs làm CEO của Apple là Tim Cook từ tháng 8-2011 tất nhiên có những ý tưởng và cách làm riêng của mình.
Cái khó cho Cook và làm nặng lòng iFan là cái bóng của Jobs vẫn còn phủ trùm quá nặng trên “quả táo mẻ”. Người ta dùng cụm từ “thời của Jobs” để làm cái mốc so sánh. Thực tế thì một phần Cook chưa thể thoát ra được cái bóng của Jobs, phần khác ngay chính nội bộ Apple cũng chẳng có bao người chịu cho ông làm điều đó. Áp lực còn từ phía các “tín đồ Apple giáo” vốn “đệ nhất cuồng tín”. Công bằng mà nói, không thể so sánh Cook với Jobs. Jobs là nhà sáng lập và linh hồn của Apple, chính người đàn ông chỉ sống tới tuổi 56 này đã định hình nên một Apple như ngày nay người ta nhìn thấy. Còn Cook chỉ là một nhà doanh nghiệp, và chỉ giỏi trong chuyện bán hàng.
Nhưng không phải vì thế mà Apple chịu ù lì, bảo thủ. Cái này không phải chỉ là do một mình Cook đâu. Yêu cầu của các iFan và thực tế thị trường buộc những người cầm trịch ở Apple phải trở bộ. Có lẽ nếu con sống, Jobs cũng không thể làm khác, chỉ có điều là với bản lĩnh của mình, ông có thể control tốt hơn.
Không khác sao được khi trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013, Apple đã vung tiền ra mà thâu tóm hàng loạt công ty khác. Tính từ thương vụ mua bán đầu tiên vào năm 1988, tới tháng 9-2014, Apple đã thực hiện 62 vụ thâu tóm doanh nghiệp khác. Trong 22 năm, từ 1988 tới 2010, Apple mua 35 doanh nghiệp. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 2011 (khi Cook lãnh đạo Apple), hãng này thâu tóm tới 27 doanh nghiệp. Số tiền bỏ ra để thâu tóm doanh nghiệp trong 3 năm qua thiệt là khủng khiếp mà kỷ lục của mọi kỷ lục là cái giá 3 tỷ USD cho thương vụ mua lại hãng thiết bị âm thanh và dịch vụ nhạc số Beats hồi tháng 8-2014. Trị giá thương vụ mua bán doanh nghiệp lớn nhất trước kia cũng chỉ tầm 400 triệu USD. Ở đây ta không bàn tới chuyện Apple mua các doanh nghiệp khác để làm gì.
Ngày 9-9-2014 đánh dấu một bước ngoặt đổi mới của Apple. Ngày hôm đó, Apple ra mắt chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên của mình là Apple Watch, chính thức tham gia thị trường thiết bị thông minh có thể đeo được (wearables). Nhưng đỉnh điểm chính là sự ra đời của 2 anh em sinh đôi smartphone iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Đây là 2 sản phẩm đầu tiên của Apple tham gia cuộc đua thiết bị màn hình lớn. Với màn hình 4.7 inch, iPhone 6 đã từ bỏ kích thước nhỏ nhắn 3.5 inch và 4 inch mà họ duy trì suốt từ iPhone 2G đầu tiên năm 2007 tới iPhone 5s/5C năm 2013. Và iPhone 6 Plus (màn hình 5.5 inch) là chiếc phablet (smartphone màn hình trên 5 inch) đầu tiên của Apple.
Sự thay đổi sang màn hình lớn như vậy không đơn giản là chuyện của Apple (về phần cứng, phần mềm), mà còn làm thay đổi hẳn thói quen sử dụng iPhone của các iFan.
Nhưng muốn biết Apple có thay đổi triết lý của mình hay không thì phải hiểu coi triết lý đó là gì? Nói gọn như vầy, triết lý đằng sau các sản phẩm của Apple là có những tiến bộ công nghệ tốt nhất và các tính năng tuyệt vời nhất nằm gọn trong thiết kế thời trang nhất. Với Apple, technology và stylish phải hòa quyện với nhau thành 2 thành tố làm ra một sản phẩm gắn cái logo “quả táo mẻ”. Không làm thì thôi, hễ cho ra dòng sản phẩm nào là nó phải dẫn đầu thế giới. Dựa vào đó mà mọi người suy xét!
Apple xưa nay tự định vị mình ở phân khúc thị trường high-end. Hai anh em iPhone 6 tất nhiên cũng là những “công tử thiếu gia”. Chỉ có điều, cái hình dáng bo tròn các cạnh trở lại thời iPhone 3GS (năm 2009) đổ về trước và cái kích thước lớn của hai chiếc iPhone mới nhất này có lẽ không hạp khẩu vị của giới thượng lưu vốn chuộng những cái nhỏ nhắn và tinh tế.
Chắc chắn Apple sẽ chẳng dại gì thay thế cái triết lý đã làm nên hào quang và sự khác biệt của mình. Nhưng họ sẽ phải tùy chỉnh phần nào cho phù hợp với xu thế thời đại. Và iPhone 6 chỉ là một bước thử nghiệm.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 2-10-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bản in trên báo Người Lao Động ngày 2-10-2014