Tổng thống Obama kêu gọi dân Mỹ chớ có hoảng loạn vì Ebola
Càng ngày, tôi càng hiểu thêm vì sao truyền thông quốc tế mô tả là người Mỹ đang hoang mang và bất an trước nguy cơ bùng phát dịch Ebola ngay ở nước mình. Từ sau khi xảy ra vụ nữ y tá người Mỹ gốc Việt 26 tuổi Nina Phạm làm việc tại bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở thành phố Dallas (bang Texas) ngày 10-10-2014 được xác định nhiễm virus Ebola, người Mỹ bắt đầu cảm nhận rõ hơn bóng ma Ebola đã có mặt ở Mỹ.
Nina Phạm là người đầu tiên được ghi nhận bị lây nhiễm Ebola ngay trên lãnh thổ Mỹ. Cô đã bị lây nhiễm virus có tỷ lệ tử vong 70-90% này trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan, người Liberia được coi là người nhiễm Ebola đầu tiên được phát hiện ở Mỹ. Ngày 10-10, hai ngày sau khi Duncan chết, khi phát hiện có triệu chứng Ebola, Nina đã nhập viện. Cũng may là cô được phát hiện sớm và được điều trị tích cực. Hiện nay tình trạng của Nina được báo cáo là tốt. Ngày 16-10, cô đã được chuyển từ Texas tới Trung tâm Điều trị của Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) ở Bethesda (bang Maryland).
Ngành y tế Mỹ đã bối rối khi Nina Phạm bị nhiễm virus Ebola trong quá trình chăm sóc cho người bệnh. Họ tự tin là “hàng rào ngăn chặn lây lan Ebola” của mình rất bảo đảm và bài bản. Có những người như bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, đã ám chỉ rằng chính do Nina bất cẩn nên mới bị lây nhiễm (sau đó ông ta đã phải xin lỗi).
Trong khi đó, ngày càng có thêm nhiều bất cập được phát hiện trong quy trình phòng chống Ebola của Mỹ.
Nữ y tá thứ hai bị nhiễm Ebola là Amber Vinson cũng thuộc êkip từng điều trị cho bệnh nhân Duncan tại bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital. Ngày 10-10, tức 2 ngày sau khi Duncan tử vong vì Ebola tại bệnh viện này và đúng vào ngày đồng nghiệp Nina Phạm của cô phải nhập viện vì triệu chứng Ebola, chẳng hiểu sao nàng Amber vẫn có thể tỉnh bơ leo lên máy bay của hãng Frontier Airlines bay từ Dallas tới thành phố Cleveland (bang Ohio). Ba ngày sau, nàng trở lại Dallas trên một chuyến bay cũng của hãng hàng không nội địa này. Do thân nhiệt hơi tăng lên 99,5 độ F (37,5 độ C), Amber đã báo cáo. Nhưng vẫn còn ở dưới nhiệt độ để bị coi là sốt (100,4 độ F hay 38 độ C), nàng đã được phép bay.
Ông chú Lawrence Vinson của Amber kể với hãng truyền hình ABC News (17-10) rằng: Amber đã không gọi điện trực tiếp cho các nhân viên y tế liên bang để xin phép đáp chuyến bay ngày 13-10 mà báo với một nhóm quan chức y tế bang Texas và họ chuyển các triệu chứng của cô cho Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Liên bang (CDC). Sau đó, các quan chức Texas gọi lại cho Amber thông báo rằng: “CDC đã OK. Cô có thể bay.”
Ngay ngày hôm sau (14-10), Amber đã vào bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital do sốt và sáng sớm 15-10 đã được kết luận nhiễm Ebola. Ngay tối đó, cô đã được chuyển tới bộ phận cách ly của bệnh viện Đại học Emory tại thành phố Atlanta (bang Texas).
Theo ABC News, các quan chức Bộ Y tế bang Texas cho biết 75 nhân viên y tế ở Dallas từng tham gia điều trị cho bệnh nhân Duncan đều đang được theo dõi các triệu chứng và bị cấm đi lại. Tất cả những ai từng bước chân vào phòng bệnh của Duncan đều được khuyến cáo không nên tới các nơi công cộng hay đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng suốt 21 ngày – thời gian ủ bệnh của virus Ebola. Thiệt ra thì lệnh cấm đi lại mới được ban hành sau khi xảy ra vụ nàng y tá Amber đáp 2 chuyến bay.
Chuyện của Amber đã gây nên một cơn hốt hoảng cho ngành hàng không Mỹ. Hãng hàng không Frontier Airlines đã phải liên lạc với các hành khách trên 7 chuyến bay (gồm 2 chuyến có Amber đi và 5 chuyến sau đó sử dụng 2 chiếc máy bay vừa chở Amber). Nghe đâu có tới 800 hành khách. Mà chuyện lây nhiễm dịch bệnh giống như mạng lưới tổ ong, từ ô này dính tới những ô khác. Sau 800 hành khách đó là những người đã tiếp xúc với họ, rồi cứ thế mà lan ra…
Nữ y tá Nina Phạm đã được truyền máu lấy từ bác sĩ Kent Brantly, người đã sống sót sau khi bị nhiễm virus Ebola trong thời gian tham gia đoàn bác sĩ thiện nguyện Mỹ chăm sóc các bệnh nhân Ebola ở Liberia (châu Phi). Người ta cho rằng việc truyền máu của người đã vượt qua được cuộc tấn công của virus sẽ có lợi cho người nhiễm virus đó. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như không có ai đó thắc mắc: tại sao bác sĩ da trắng Brantly đã không truyền máu cho bệnh nhân da đen Duncan? Ngày 15-10, bác sĩ Brantly đã trả lời kênh truyền hình ABC News rằng do máu của ông và bệnh nhân Duncan không tương hợp nhau (Brantly có nhóm máu A+, còn Duncan là B+).
Trong khi đó, ngày 18-10, nhà chức trách cảng Cozumel (Mexico) đã không cấp phép cho con tàu du lịch Carnival Magic của Mỹ được cập cảng vì sợ bị lây lan virus Ebola. Con tàu này khởi hành từ Galveston (bang Texas) ngày 12-10 trong một “cruise tour” thường lệ với 4.000 hành khách. Vấn đề xảy ra là trên tàu có một nữ quản lý phòng thí nghiệm của bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital, người vẫn khỏe mạnh nhưng bị cho là có thể đã tiếp xúc với những mẫu vật phẩm xét nghiệm lấy từ bệnh nhân Duncan. Sau khi bị phát hiện, người này đã được cách ly trên tàu. Ban đầu, tàu dự định sẽ cập đảo quốc Belize để các hành khách xuống và đáp máy bay về Mỹ. Tuy nhiên, tối 17-10, bất chấp lời đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Thủ tướng Dean Barrow của Belize, chính phủ đảo quốc này đã từ chối. Sẵn dịp, có lẽ để đỡ ngại với Mỹ, Belize cũng cấm luôn những hành khách tới từ các nước Tây Phi Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria. Họ phân bua mình làm vậy vì lợi ích của các công dân và cư dân ở Belize. Vì thế, ngày 18-10, tàu Carnival Magic sẽ quay trở lại Texas.
Tổng thống Barack Obama ngày 17-10 đã bổ nhiệm Ron Klain, một luật sư từng là chánh văn phòng của hai đời Phó Tổng thống Joe Biden và Al Gore, làm tổng chỉ huy cuộc chiến chống Ebola của Mỹ, thay cho Giám đốc CDC Thomas Frieden, người hỗm rày bị dư lận “xát muối ớt” do xử lý quá tệ vụ Ebola ở Dallas.
Tối 16-10, bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital đã phát đi một thông cáo với những lời lẽ mạnh mẽ khẳng định các nhân viên của mình đã tuân thủ đúng đắn các quy ước an toàn và đã đá quả bóng trách nhiệm lên CDC. Họ nói rằng các hướng dẫn của CDC lâu nay thay đổi xoành xoạch làm rối trí các nhân viên y tế và giới quản lý bệnh viện.
Tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ ngày 16-10, bác sĩ Daniel Varga, giám đốc điều trị của Cơ quan Nguồn Nhân lực Y tế bang Texas (THR), nơi điều hành bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital, đã xin lỗi vì những sai lầm của bệnh viện này trong việc điều trị bệnh nhân Duncan. Ông này bị nhiễm virua tại quê nhà và tới Dallas ngày 20-9-2014. Ba ngày sau đó, ông đã tới bệnh viện này và khai rằng mình vừa từ Tây Phi tới. Nhưng bác sĩ chỉ cho ông một số thuốc kháng sinh và cho về nhà. Hai ngày sau, Duncan phải nhập viện trên xe cứu thương và ngày 28-9 được xác định đã nhiễm virus Ebola. Bệnh nhân này đã tử vong ngày 8-10-2014 sau 10 ngày được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Tổng thống Obama ngày 18-10 đã kêu gọi dân Mỹ chớ nên hoảng loạn và bị kích động vì Ebola. Ông nhấn mạnh là cho tới nay mới có 3 trường hợp nhiễm Ebola được phát hiện ở Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ từ chối ban hành lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với những người đến từ 3 nước Tây Phi Liberia, Sierra Leone và Guinea như một số nghị sĩ đã yêu cầu. Theo ông, điều này sẽ làm tình hình tệ hại thêm.
Theo hãng tin Anh Reuters (18-10-2014), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Senegal, một nước Tây Phi, hiện nay đã được coi là không còn Ebola (Ebola-free), tuy vẫn còn trong tình trạng dễ bị tổn thương.
Trước đó, ngày 25-9-2014, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng thống Goodluck Jonathan của Nigeria đã hân hoan tuyên bố: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng hôm nay Nigeria không còn Ebola”. Theo WHO, kể từ ngày 8-9, Nigeria không báo cáo có bất cứ trường hợp nhiễm Ebola mới nào (Nigeria nói mình không phát hiện trường hợp nhiễm mới nào từ ngày 31-8). Như vậy, theo quy định của WHO, phải tới ngày 20-10-2014, nếu không có thêm trường hợp nhiễm mới nào, Nigeria sẽ chính thức được công nhận là không còn Ebola.
Theo WHO, cho tới nay đã có 9.200 trường hợp bị nhiễm virus Ebola và 4.555 người trong số đó đã tử vong.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 18-10-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Chiều 15-10-2014, nữ y tá Amber Vinson đang được giúp đỡ lên máy bay tại Dallas để chuyển tới bệnh viện Emory University Hospital tại thành phố Atlanta (Texas).
Tối 15-10-2014, nữ y tá Amber Vinson đã được chuyển tới bệnh viện Emory University Hospital tại thành phố Atlanta (Texas).
Thông báo của nhà chức trách thành phố Dallas tại khu dân cư mà nữ y tá Amber sống để yêu cầu mọi người cấp báo khi phát hiện những triệu chứng tình nghi là Ebola.
Nhân viên bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ngày 16-10-2014 đứng đợi đoàn xe chở nữ y tá Nina Phạm để tiễn đồng nghiệp đi Maryland điều trị. Một poster trên tay họ thể hình tình cảm với Amber, nữ y tá thứ hai bị nhiễm Ebola. Cô này tối hôm trước cũng đã được chuyển từ bệnh viện này tới bệnh viện ở thành phố Atlanta (Texas).
Nina Phạm ngày 16-10-2014 trong một video do bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital công bố. Cô được mọi người nhắn gửi lời khuyên: “Đừng khóc.” Video này ghi ngay trước khi cô được chuyển tới bang Maryland để điều trị tiếp.
Nhân viên y tế đang giúp Nina Phạm (mặc bộ đồ bảo hộ màu vàng) rời khỏi xe cứu thương tại sân bay Love Field của Dallas ngày 16-10-2014 để lên máy bay chuyển tới bang Maryland.
Ngày 16-10-2014, một số người dân Maryland đứng đợi ngoài sân bay Frederick Municipal Airport của thành phố Frederick để chúc phúc cho Nina Phạm khi cô vừa được chuyển từ Texas tới Maryland điều trị.
Ngày 16-10-2014, xe chở Nina rời sân bay Frederick Municipal Airport của thành phố Frederick (Maryland) để tới bệnh viện điều trị.
Hướng dẫn của Cơ quan CDC Mỹ về cách cởi bộ trang phục bảo hộ sao cho an toàn.