Thứ Năm ngày 31 tháng 10 năm 2024

Áo vàng Myanmar

141029-singapore-oppo-phphuoc-005

 

Tôi từng nhiều lần có dịp dự chung những sự kiện quốc tế và khu vực cùng những đồng nghiệp người Myanmar.

Nhiều năm cho tới trước buổi sáng định mệnh 29-10-2014 ở Singapore, trong đôi mắt double-eye của tôi, người Myanmar đó là những người có vẻ hiền lành, pha chút tự ti, có dáng vẻ khép kín. Họ ăn mặc khá là đơn giản, nếu không muốn nói là cũ kỹ. Nó gợi nhớ về Việt Nam từ sau 1975 tới những năm đầu thập niên 1980. Điều ấn tượng nhất là cánh đàn ông Myanmar mặc váy, thường đi dự sự kiện khi nào không thể mặc váy được, họ mới chịu mặc quần dài. Anh Nguyễn Trung Hưng, nhà phân phối sản phẩm Epson ở Việt Nam, có lần nói nhỏ với tôi: “Mấy ổng đi ra nước ngoài dự event chỉ mang theo có một cái quần thôi đó.” Thật ra, gọi là quấn sarong thì chính xác hơn. Bởi chiếc váy tên là “longyi” là một tấm vải dài 2m và rộng 80cm được may thành hình ống để mặc từ ngang lưng dài tới mắt cá chân.

Trong tâm khảm tôi, Myanmar (tên cũ là Miến Điện, Burma) là một đất nước Đông Nam Á khép kín, đầy vẻ bí ẩn, khét tiếng toàn cầu với Tam giác Vàng và “vua á phiện” Khun Sa, nhưng nổi tiếng thế giới với bộ phim Hollywood “The Bridge on the River Kwai” (Cây cầu trên sông Kwai) phát hành năm 1957, dựa trên một câu chuyện có thật vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai khi các tù binh phương Tây bị quân phiệt Nhật xua vào vùng rừng sâu nước độc ở Burma để xây dựng hai cây cầu trên dòng sông Mae Klong (năm 1960 được đổi tên theo phim là Kwai Yai River) phục vụ cho tuyến đường sắt quân sự Miến Điện – Thái Lan (hay còn gọi là tuyến Đường sắt Tử thần – Railway of Death).

Trước đây, việc đi tới Myanmar rất khó khăn, chủ yếu vào thời quân đội cầm quyền ở đây. Sau đó, trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á trong Khối ASEAN đã miễn visa cho công dân Việt Nam, Myanmar vẫn duy trì visa, lệ phí 20 USD. Mãi tới ngày 26-10-2013, Myanmar mới chịu miễn visa cho công dân Việt Nam. Vì thế, những năm trước, dù rất muốn đi Myanmar cho thỏa trí tò mò và đã ngứa cặp giò, tôi vẫn không thực hiện được, do “bực” cái vụ visa hơi bị kỳ đó.

Bởi vậy, với những mảng đen như thế trong cái “đầu đất sét” của tôi, một “ánh vàng” đã làm “ngạc nhiên chưa” không chỉ tôi mà hầu như mọi ông anh khác “cùng nằm chung cái bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ” trong bữa ăn trưa chung giữa hai đoàn Việt Nam và Myanmar tại nhà hàng Seoul Garden ở Singapore ngày 29-10. Ai sao chẳng biết chứ với tôi, cái “ánh vàng” này còn “sốc” hơn cả sắc vàng lấp loáng của ngôi Chùa Vàng Shwedagon Zedi Daw lừng danh tại Yangon với cái mái được dát bằng 60 tấn vàng lá kèm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc.

Đó là một cô gái Myanmar trong trang phục truyền thống gồm chiếc áo cánh aingyi và chiếc váy longyi, cả trên lẫn dưới cùng bó sát người. Khác với truyền thống chuộng những màu “thanh bình”, cô diện màu vàng rực rỡ tới mức có mặt ở đâu, sáng lên chỗ đó (có lẽ còn được phụ thêm bởi những đôi mắt mở to sáng hết cỡ của quý gentleman).

141029-singapore-oppo-phphuoc-007

Ban đầu ai cũng tưởng đó là một người mẫu PG của OPPO Myanmar bởi cô gái quá nổi bật: trẻ trung, xinh đẹp, cao ráo, đúng chuẩn người mẫu. Tới chừng làm quen mới biết đó là một đồng nghiệp. May Thin Ko là xướng ngôn viên của đài truyền hình MRTV-4. Hèn chi mà xinh đẹp đột biến như vầy nè Giàng. Nhìn lên name card của nàng mà phát ngộp với lủ khủ logo của các đơn vị thuộc Forever Group mà MRTV-4 là một thành viên. Có cả những kênh phát thanh FM và truyền hình khác. Myanmar mới mở cửa hội nhập cùng thế giới bên ngoài mà làm dữ quá chừng.

Khi nghe tôi hỏi đâu là họ, đâu là tên, nàng May có vẻ lúng túng rồi nói rằng cứ gọi là May hay Thin hoặc Ko đều trúng. Sau đó “cài gì không biết thì tra Google” mới hay là người Myanmar không theo phụ hệ hay mẫu hệ nên chẳng hề có họ. Thời xưa, tên của họ chỉ có một âm tiết, kèm theo phía trước một âm tiết khác để chỉ vị thế của người đó (như ngài, ông, bà, cô, cậu,…). Bạn chắc có nghe tới tên U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (1961-1971). Tên ông vỏn vẹn là Thant. Còn chữ U đứng trước là cách gọi mang tính kính trọng. Mãi tới giữa thế kỷ 20, nhiều người Myanmar mới đặt tên với 2 âm tiết. Hiện nay, nam giới có thể đặt tên tới 4 âm tiết và nữ giới tới 5 âm tiết. Trong tên của người Myanmar thường có tên cha và mẹ. Thí dụ như May Thin Ko có thể May là tên cha, Thin là tên bà, Ko là tên mẹ. Cho dù là vậy, người Myanmar vẫn không dùng họ hay tên gia đình trong cấu trúc tên cúng cơm của mình.

Bạn Dương Tấn Ba ở báo Saigon Gìai Phóng nói với tôi: “Em là người có 50% máu Ấn nên có thể đoan chắc với anh rằng một cô nàng Myanmar như nàng này là trên cả tuyệt vời đó.” Già Hồ Minh Phúc ở Thế giới Tiếp Thị có lẽ biết thân biết phận nên thở ra: “Thôi bận tâm làm gì cho đêm dài lắm mộng.” Cần gì phải đợi tới đêm dài, giữa trưa ở Singapore mà có cả đống kẻ nhiều mộng rồi kìa!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-11-2014)
141029-singapore-oppo-phphuoc-035

141029-singapore-oppo-phphuoc-037

141029-singapore-oppo-phphuoc-048