Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Huawei, điều gì xảy ra?

Huawei-pic2-2

 

Đây là một bài khó viết và khó đọc. Nhưng không thể không viết và không thể không đọc. Trước hết, khi đưa ra những thông tin này, một phần do hãng Huawei chủ động cung cấp cho giới truyền thông, phần khác tham khảo từ nhiều nguồn nước ngoài, tôi chỉ muốn thử tìm hiểu coi Huawei thực chất như thế nào. Liệu có phải hàng trăm ngàn người tiêu dùng Việt đang mua xài các sản phẩm của Huawei vô tình bị coi là “những kẻ không biết xài đồ” hay tệ hơn cả là “những tội đồ”?

Hơn nữa, để cho khách quan và fair play, chúng ta cũng cần để cho chính Huawei có cơ hội tự giới thiệu về mình, thậm chí tự phân bua, thanh minh về những chuyện này, chuyện nọ. Người tiêu dùng ngày nay có trình độ cao, có thể tiếp cận thông tin đa nguồn, đa chiều, đủ bản lĩnh và thông minh để phân biệt và đánh giá đâu là sự thật, đâu là xảo ngôn. Vấn đề duy nhất ắt có và đủ là họ chỉ cần bình tâm, cởi mở, sòng phẳng và không định kiến. Bất luận thế nào, người tiêu dùng vẫn nắm dao đằng chuôi, họ không hề bị cưỡng ép hay để cho bị áp đặt phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm mà mình không khoái. Ở đây, tôi không nói tới trường hợp nhà cung cấp dịch vụ nào đó chỉ cung cấp cho khách hàng thiết bị từ một hãng mà họ có quan hệ. Bởi nếu kinh doanh thông minh và thật tâm, họ phải cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn – nhất là trong thời buổi cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

Ta bắt đầu câu chuyện nhé.

Trước hết, ta hãy xem đại từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia nói gì: Huawei Technologies Co. Ltd. là một tập đoàn thiết bị và dịch vụ mạng và viễn thông đa quốc gia của Trung Quốc.

Cái tên Huawei được phiên từ tiếng Hoa có nghĩa là “thành tựu rực rỡ” hay “hành động vì Trung Quốc”. Tuy nhiên, hiểu rằng cái tên này rất khó đọc nên khó nhận diện đối với người nước ngoài, Huawei đã xây dựng những thương hiệu quốc tế như Honor, Ascend,…

Huawei được thành lập tại Thẩm Quyến năm 1987 bởi kỹ sư Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei), một cựu phó giám đốc của công ty công trình thuộc quân đội Trung Quốc. Vào thời điểm đó, 100% công nghệ viễn thông của Trung Quốc đều phải nhập từ nước ngoài. Thay vì liên doanh với nước ngoài để sử dụng công nghệ của họ, ông Nhiệm quyết định tự nghiên cứu và phát triển các thiết bị chuyển mạch (switch) riêng. Ông ta cũng đề ra nhiệm vụ là xây dựng một công ty viễn thông hoàn toàn sử dụng công nghệ và thiết bị nội địa. Cú đột phá đầu tiên của Huawei diễn ra vào năm 1993 khi hãng đưa ra chương trình C&C08 điều khiển switch điện thoại. Đó là switch mạnh nhất có ở Trung Quốc lúc đó.

Có lẽ với xuất xứ như vậy, Huawei đã giành được một hợp đồng then chốt để xây dựng hệ thống mạng viễn thông quốc gia đầu tiên cho quân đội Trung Quốc. Chuyện kể rằng, năm 1994, kỹ sư Nhiệm có một cuộc hội kiến với nhà lãnh đạo Trung Quốc thời đó là Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Nhà sáng lập Huawei nói với “sếp tối cao” của mình rằng: “công nghệ thiết bị switch có liên quan tới an ninh quốc tế, và một nước không có được thiết bị switch riêng của mình cũng giống như một nước thiếu quân đội riêng”. Nghe nói, ông Giang đã đồng ý với nhận định đó.

Cũng chẳng có gì để phải ngạc nhiên vì mối quan hệ “nhạy cảm” đó và cũng chẳng phải chỉ có mình Huawei trên thế giới này là một doanh nghiệp có dây mơ rễ má với quân đội phục vụ cho quân đội của nước mình.

Lật tới trở lui, nhìn từ góc độ nào cũng thấy Huawei có những lợi thế vô song ở trong nước, nhưng đó cũng chính là những gót chân Achillies khi làm ăn ở nước ngoài. Hai điều nổi cộm nhất: Huawei là của Trung Quốc và nhà sáng lập Huawei xuất thân từ quân đội. Vì thế, không thể trách nước ngoài lăn tăn với nỗi quan ngại Huawei thực chất là cánh tay nối dài của nhà nước và quân đội Trung Quốc. Có những quan chức an ninh Mỹ nói rằng thiết bị viễn thông của Huawei được thiết kế để cho phép nhà chức trách và quân đội Trung Quốc đột nhập vào các hệ thống mạng nước ngoài. Một số nghị sĩ Mỹ nêu nghi vấn về động cơ thật sự của Huawei khi dự định sáp nhập với công ty viễn thông Mỹ 3Com hồi năm 2008 và đấu thầu giành một hợp đồng của mạng viễn thông Mỹ Sprint hồi năm 2010. Ở Anh, đảng Bảo Thủ hồi năm 2005 và chủ tịch Ủy ban Tình báo Liên ngành hồi năm 2009 đã cảnh báo về những thương vụ của Huawei ở nước này. Tháng 12-2010, Huawei đã thành lập Trung tâm Giám định An ninh Mạng để test các phần cứng và phần mềm của mình để bảo đảm chúng chịu đựng được trước các mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng gia tăng trên thế giới. Trong một lá thư ngỏ năm 2011, Huawei trần tình rằng các mối quan ngại về an ninh mạng của các nước đối với các thiết bị và dịch vụ của Huawei là “không tìm thấy và không được chứng minh”.

Người ta cũng thường càm ràm trong lo ngại rằng các thiết bị viễn thông, bao gồm smartphone, của Huawei bí mật gửi thông tin từ thiết bị về máy chủ của hãng ở Trung Quốc. Phải chăng đó là hành vi ăn cắp thông tin cá nhân của người sử dụng? Thật ra, không phải chỉ có Huawei mà hầu hết các hãng công nghệ khác trên thế giới đều yêu cầu người dùng cho phép thiết bị gửi các thông tin cần thiết về dịch vụ của hãng ở khu vực hay chính quốc để phục vụ cho việc hỗ trợ và nâng cấp trực tuyến. Đơn cử khi cài đặt Windows Phone trên smartphone Lumia, hãng Microsoft cũng đề nghị như vậy. Hầu như tất cả các ứng dụng của Android cũng đều buộc người dùng phải cho nhà phát triển sử dụng những thông tin họ cần. Vấn đề nằm ở chỗ loại thông tin nào thiết bị gửi đi, gửi đi đâu, để làm gì, và quan trọng nhất là hãng phải xin phép người dùng trước đã. Chuyện này ở Huawei càng trở nên “nhạy cảm” hơn chính là bởi những đặc thù “nhạy cảm” của hãng.

Chuyện lạ là với những “cáo buộc” thuộc loại “tày đình” từ năm này qua năm nọ như vậy, lẽ ra Huawei hết đường làm ăn ở xứ người. Vậy mà theo Wikipedia, các thiết bị và dịch vụ của Huawei hiện đang có mặt ở hơn 140 nước và hiện đang phục vụ cho 45 trong tổng số 50 nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới.

Hãng tin Anh Reuters (31-12-2014) cho biết: doanh số bán ra của smartphone Huawei trên toàn cầu trong năm 2014 đã tăng gần 1 phần 3 tới 11,8 tỷ USD. Hãng đã xuất xưởng được khoảng 75 triệu chiếc smartphone. Tuy tăng hơn 45% so với năm trước, nhưng số smartphone bán được này vẫn thấp hơn chỉ tiêu 80 triệu chiếc mà hãng đặt ra hồi đầu năm 2014. Huawei nói rằng hiện nay có tới 66% tổng doanh thu của hãng là từ các thị trường nước ngoài. Nếu tính chung cả ngành Kinh doanh Tiêu dùng – Consumer Business Group, theo kết quả tài chính năm 2014 được công bố chính thức ngày 27-1-2015, Huawei đã đạt tổng doanh thu 12,2 tỉ USD (lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỉ USD), tăng 30% so với năm trước. Số lượng sản phẩm bán ra của ngành này 138 triệu thiết bị (tăng 7,8%).

Riêng tại thị trường Việt Nam, sau thương hiệu smartphone cho thị trường rộng rãi là Honor, Huawei cũng chính thức đưa ra thương hiệu smartphone high-end là Huawei Ascend (như Ascend Mate 7) với cấu hình tốt và mức giá cũng tốt luôn.

Sẽ còn nhiều điều cần phải giải mã bí ẩn nhân tố X Huawei. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà! Oan có đầu, nợ có chủ. Cũng không nên đồng hóa nhà cấm quyền và nhân dân. Giận Bắc Kinh thì vô tư tới đâu tùy hỉ, nhưng không phải vì thế mà nhắm mắt nhắm mũi tẩy chay tất cả các sản phẩm “Made in China” (ngoại trừ những thứ độc hại, nguy hiểm và kém chất lượng). Không thiếu những doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn chân chính. Không thiếu những sản phẩm “Made in China” xài ổn, giá ngon. Yêu nước có nghĩa là ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa nào có sẵn nhưng phải đáp ứng được nhu cầu của mình. Huawei vào thị trường Việt Nam cũng giống như các hãng khác. Sản phẩm nào tốt thiệt thì ta xài thiệt; còn thứ nào không thích hợp thì “sao dại dột mà mua chớ!” Hãng nào làm ăn đàng hoàng thì ta chơi, còn giở trò chơi xấu thì “a-lê-hấp, cuốn gói ngay nghe không!” Người tiêu dùng thông minh và khôn ngoan là như vậy đó!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-2-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

Còn bây giờ, ta thử nghe chính Huawei nói về họ qua một cuộc phỏng vấn. Tôi tôn trọng ý kiến của họ. Còn những ý kiến đó đúng sai, có thể tin được không thì tùy thái độ và góc nhìn của mỗi người. Nhưng bất luận thế nào, trong thế giới phẳng và trong suốt nhưng ngồn ngộn thông tin này, để giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng bị dẫn dắt hay lạc lối, thông tin cần phải đa chiều và đa nguồn.

DSC_0074_resize

Huawei tại triển lãm CommunicAsia ở Singapore. (Ảnh: PHP)

 

+ Huawei hiện có bao nhiêu nhân viên là người nước ngoài?

– Huawei: Một trong những chiến lược của Huawei là bản địa hóa (localization), nên tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc, trung bình tỷ lệ nhân viên là người bản địa chiếm trên 70%. Riêng tại Ấn Độ, chúng tôi có khoảng 6.000 nhân viên là người bản địa, chiếm tỷ lệ 95%. Tại đại bản doanh Thẩm Quyến, hiện có 33% nhân viên là người nước ngoài.

 

+ Có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho Huawei không?

– Huawei: Không có doanh nghiệp nào là không có quan hệ với các cơ quan chính phủ cả. Quan hệ của chúng tôi (Huawei) với Chính phủ Trung Quốc cũng giống như các công ty cạnh tranh khác…

Không có sở hữu của Chính phủ Trung Quốc ở công ty của chúng tôi. Chúng tôi chỉ phục vụ khách hàng và không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào của chính phủ cả.

Huawei sinh ra và lớn lên ở đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, được hưởng các chính sách ưu đãi của đặc khu kinh tế này giống như mọi doanh nghiệp khác ở nơi đây.

 

+ Hãng tin Blooberg đưa tin Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hỗ trợ vốn cho các công ty của Trung Quốc như Huawei. Ông có ý kiến gì?

– Huawei: Chúng tôi có quan hệ với 35 ngân hàng khác nhau chứ không riêng gì Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Như mọi công ty khác, Công ty Huawei cũng cần dựa vào các ngân hàng trong hoạt động tín dụng và chúng tôi cũng thực hiện các thủ tục vay vốn bình thường như các doanh nghiệp khác. Xin lưu ý rằng chỉ 5% số lượng thiết bị bán ra của Huawei là có sự hỗ trợ (vốn vay) của ngân hàng. Một tỷ lệ rất nhỏ.

 

+ Khởi đầu khó khăn như thế, làm sao Huawei có thể cạnh tranh được với các công ty khác?

– Huawei: Đúng là thời điểm khởi đầu là rất khó khăn đối với chúng tôi khi mà không một ai là biết đến Huawei cả. Tuy nhiên, con đường mà chúng tôi chọn đi là luôn luôn lắng nghe khách hàng, tập trung đầu tư cho R&D… Đó chính là những điều khiến Huawei có thể vươn lên và cạnh tranh được với các công ty khác.

 

+ Sự khác biệt về R&D của Huawei là gì?

– Huawei: Đó là 70.000 nhân viên (chiếm 45% tổng số nhân viên) tập trung vào R&D; là đầu tư gần 14% doanh thu cho R&D (trong năm 2014); là số lượng bằng sáng chế nhiều nhất trong số các công ty công nghệ. Trong năm 2014, Huawei đã đầu tư khoảng 6,375 – 6,54 tỉ USD cho R&D, tăng 28% so với năm 2013. Tổng vốn đầu tư cho R&D của Huawei trong hơn 10 năm qua là khoảng 30,34 tỉ USD (188 tỉ CNY). Bên cạnh đó, công ty đã đệ trình 546 đề xuất bằng sáng chế về các tiêu chuẩn lõi LTE lên 3GPP, chiếm gần 25% tổng số bằng sáng chế của thế giới.

 

+ Huawei giải quyết vấn đề bảo mật mạng (Cyber security) như thế nào? Quan điểm của Huawei?

– Huawei: Xin khẳng định một lần nữa: Chúng tôi là một công ty tư nhân, hoạt động độc lập và không có quan hệ gì với Chính phủ Trung Quốc cả.

Sau 25 năm phát triển, chúng tôi đã có mặt tại 140 quốc gia trên thế giới, phục vụ 1/3 dân số toàn cầu. Chưa xảy ra vấn đề gì lớn về an ninh mạng cả.

70% doanh số của chúng tôi đến từ các thị trường bên ngoài Trung quốc, chúng tôi không bao giờ và không cho phép bất cứ ai có những hành động gì gây tổn hại đến an ninh mạng.

Chúng tôi đang trên đường trở thành một công ty toàn cầu, 70% linh kiện của các sản phẩm của chúng tôi đến từ bên ngoài Trung Quốc, trong đó 30% linh kiện đến từ nước Mỹ.

Các công ty công nghệ khác như Cisco, Ericsson… đều có các trung tâm R&D hay đặt nhà máy tại Trung Quốc.

Cyber Security là một vấn đề toàn cầu. Vì thế ngăn cản mình Huawei không thể giải quyết được vấn đề gì cả. Cyber Security là một vấn đề cần sự hợp tác của tất cả các bên để giải quyết.

Quan điểm chúng tôi cho rằng không có vấn đề gì ngoại trừ Huawei là một công ty Trung Quốc nên bị lôi vào câu chuyện này thôi. Thực chất đây là câu chuyện về bảo hộ thương mại, về lợi ích thương mại của các quốc gia. 10% thị phần của chúng tôi là tại nước Mỹ.