Lang thang lễ hội Tết Việt Ất Mùi ở Nhà Văn hóa Thanh niên
Đang lơn tơn tay máy ảnh, tay máy quay ngược xuôi trong khu vực Lễ hội Tết Việt Ất Mùi 2015 ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM xế chiều 8-2-2015 (ngày 20 Tết), tôi nghe có tiếng chào. Một anh bạn trẻ cũng đeo máy ảnh trên cổ tỏ vẻ ngạc nhiên “kỳ thú”: “Con mới đọc bài chú viết về ngày 20 Tết mà chú vừa post trên Facebook xong là chạy ra đây chụp ít ảnh trước khi về quê ăn Tết. Vậy mà lại gặp chú ở đây rồi.” Tôi cảm ơn anh bạn đã chiếu cố tới mình, cười cầu tài, chưn nhịp nhịp “tự sướng” với cái giò cẳng giang hồ lãng tử của mình.
Lát sau tôi thỉnh thoảng lại gặp một bạn trẻ, nam có, nữ có sau khi ngó tôi lom lom, cười khúc khích, “ngạc nhiên chưa” rồi lộ ra là bạn của tôi trên cõi ta bà của chàng Mark Zuckerberg. Huhu, chạy trời sao thoát khi mình “ở hiền gặp lành” kiếp trước chắc tu luyện kịch liệt lắm nên mới được ưu ái có maximum số người chịu kết bạn (5.000 vị), thêm hơn 3.440 vị chịu Followed và gần 1.000 vị có lòng gởi Request kết bạn mà chưa thể đáp lời. Báo hại, tôi phải đề cao cảnh giác, giữ “tư thế oshin” chẳng dám làm điều gì thất thố, mất “uy tín nhà may Tèo”.
Cả cái mặt tiền dài thườn thượt của Nhà Văn hóa rực màu vàng của mai, màu đỏ của đào. Chỉ có điều, tất cả đều là đồ giả. Dù sao lên ảnh rồi, nhìn xa xa nhà ngói cũng giống nhà tranh thôi mà.
Đông đảo bà con già trẻ lớn bé, nam có, nữ có và chắc chắn có cả phe thứ ba (bây giờ luật pháp đã công nhận, trả lại lẽ công bằng cho họ rồi mà) tới đây chụp ảnh. Họ ăn mặc đẹp. Dập dìu những tà áo dài nhiều màu sắc bay bay trong nắng hanh vàng buổi chiều. Đó là những bông hoa thật chỉ mượn hoa giả làm nền cho mình thêm nổi. Có không ít bạn trẻ nam diện áo dài dân tộc khiến tôi nao nao lòng. Cảm ơn các bạn không phải là những “trẻ trâu cỡi chuột chở theo những cần xé đá cục” nhan nhản trên không gian ảo.
Tôi đã phải nhíu mày nghe cồn cộn trong lòng khi thấy một nhóm bạn trẻ hóa trang theo game để nữ mặc váy sườn xám (người Hoa gọi là “chuyền chỉ”), nam diện áo dài Trung Hoa, đầu tóc nhuộm nhiều màu. Nếu như họ là du khách người Hoa tới thăm Saigon dịp tết thì thật đáng trân trọng với y phục dân tộc của họ. Chỉ có điều, họ là những bạn trẻ đồng bào với tôi. Cũng chỉ dám nghĩ là họ quá mê các game gốc Hoa hay quá ghiền những bộ phim gốc Hoa chiếu tràn ngập như thác lũ trên các kênh truyền hình xứ Việt. Tôi chỉ biết hy vọng họ là người gốc Hoa ở Chợ Lớn để mình đỡ lăn tăn. Nhưng để cho an toàn, tôi xin không sử dụng những hình ảnh chụp họ ở đây. Tôi luôn quý mến các bà con người Hoa, tôi luôn trân trọng người dân Trung Hoa, và xưa nay tôi chưa bao giờ đồng hóa dân tộc Trung Hoa với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tôi chỉ không an lòng khi có những bạn trẻ Việt (hy vọng là vô tư) hóa thân thành những người “lạ” ở chốn công cộng của người Việt, giữa ngày xuân cổ truyền của người Việt.
Đây cũng là dịp để bà con mình thi thố tài chụp ảnh tự sướng (selfie hay wefie) bằng những chiếc smartphone. Tất nhiên cũng có người hiểu rằng chụp ảnh “tự sướng” chẳng thể nào sướng bằng có người khác chụp giùm. Tôi đã hân hạnh được phục vụ các bạn đã ngỏ lời. Cũng giống như tôi từng nhờ vả rất nhiều ông đi qua bà đi lại chụp ảnh giùm mình trong những chuyến ta bà xứ người. Khi thấy một cô gái mặc váy như cả một vườn hoa có chân loay hoay tự chụp ảnh mình mà có vẻ không hài lòng, tôi đã đề nghị để tôi giúp với lời bảo hành: “Tôi là nhà báo đi săn ảnh tư liệu, không có manh động gì đâu”. Hy vọng tối này về xem lại những tấm ảnh có “nhân tố X PHP”, cô ấy sẽ ngủ ngon với nhiều mộng đẹp (mà hỗng lẽ tôi lại đen đủi tới mức khiến người ta gặp ác mông sao ta!)
Có rất nhiều quầy thư pháp trong khu vực lễ hội. Dưới những ngòi bút lông của những anh đồ, chị đồ, những chữ Việt hiện ra bay bổng như phượng múa, rồng bay. Một tấm thư pháp viết tại chỗ giá 100.000 đồng. Một câu liễn sơn son với viền nhũ vàng lộng trong khung kính giá 150.000 đồng. Đặc biệt, có những anh đồ sáng tạo viết chữ trên những hạt gạo trắng. Khách có thể yêu cầu viết tên của mình hay chữ nào đó lên hạt gạo. Sau đó hạt gạo được nhét vào bên trong một miếng nhựa trong có nhiều hình thù dạng móc chìa khóa. Giá 35.000 đồng. Những đôi lứa có thể viết tên cả hai lên 2 hạt gạo rồi được nhét vào trong một miếng nhựa đôi với giá 70.000 đồng. Hy vọng những hạt gạo tình yêu đó không vào một ngày nào đó bị ai đó quăng vào nồi cơm “nấu cho bõ ghét”.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các người mẫu của thiên hạ mà tôi xin phép được chụp ké (chớ phải là Paparazzi đâu à nghen). Nhờ có họ mà những tấm ảnh tôi chụp đẹp hơn lên bội lần, sinh động hơn và có tính nhân văn hơn.
Lễ hội Tết Việt Ất Mùi 2015 diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM từ ngày 7-2 (19 tháng Chạp Giáp Ngọ) tới 23-2-2015 (mùng Năm Tết Ất Mùi).
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 8-2-2015)