40 năm mới gặp lại nhau
Những nhân vật trong những tấm ảnh chụp sáng 12-3-2015 tại quán cà phê Đà Lạt Phố (góc Lữ Gia – Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11) này là những cựu giáo sư và học sinh của trường Trung học Công lập tỉnh Kiến Tường (trước năm 1975, nay là thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An). Hôm nay, họ cùng mừng đón cô Tạ Thị Kiêm Hường vừa từ Chicago (bang Illinois, Mỹ) về dự cuộc họp mặt truyền thống đầu xuân của thầy trò THKT.
Đây là lần đầu tiên sau gần 40 năm (với một số người) và hơn 40 năm (với một số khác), các đồng nghiệp và học trò xưa gặp lại cô Kiêm Hường. Khi các thầy trò đều từ ngấp nghé “6 bó” (60 tuổi) trở lên, tóc bạc như nhau, mỗi lần còn có dịp được gặp lại nhau là một ân huệ Trời ban cho. Ai cũng hiểu cái quy luật của con người. Và ai cũng thấm thía mà tự nhủ Que Sera Sera (biết ra sao ngày mai). Thực tế là dần theo năm tháng, số thành viên của trường xưa ngày càng “về đích” (sinh ký tử quy) nhiều hơn. Bởi vậy, ai cũng tận dụng mà tận hưởng từng giờ phút còn được ở bên nhau, tới với nhau.
Ở cái tuổi phía bên kia triền dốc cuộc đời, con người bắt đầu sống nhiều hơn với những kỷ niệm, những hồi ức xưa. Có những đêm dài trằn trọc với những hình bóng người xưa, những cố nhân một thời say đắm. Ở cái tuổi mà theo luật xã hội là đã hoàn thành bổn phận của một kiếp người, người ta có thể nghèo tiền bạc, nhưng giàu có thời gian nhàn rỗi. Và đó là thời gian khiến người ta càng nhớ về những kỷ niệm hơn. Những kỷ niệm đó càng sống động và nồng ấm hơn khi ta còn may mắn và hạnh phúc có được bên mình những nhân vật từng cùng làm nên những kỷ niệm đó của ta.
Chỉ có như thế mới có thể giải thích được vì sao mà không còn thân nhân nào ở Việt Nam, cô Kiêm Hường vẫn một mình vượt Thái Bình Dương trở về. Cô nói chính cái tình nghĩa THKT quá nồng ấm đã thôi thúc cô trở về để được đoàn tụ với những đồng nghiệp và học trò xưa.
Thầy trò THKT tứ tán từ năm 1975. Mãi tới năm 2010, như một cơ duyên rõ ràng không thể chỉ do con người tạo ra được, nhưng cũng là kết thúc có hậu cho tấm lòng của mọi người luôn hướng về nhau và không ngừng tìm nhau, thầy trò đã tìm được nhau và lần lượt đoàn tụ cùng nhau. Tới nay, họ đã có được 6 cuộc họp mặt toàn trường, hầu hết là tại trường xưa. Đó là chưa kể 2 cuộc họp mặt ở Mỹ trong hai năm 2013 và 2014. Còn những cuộc họp lớp, họp nhóm thì diễn ra quanh năm cả ở Việt Nam lẫn ở nơi các thành viên đang định cư. Tất cả chỉ nhằm một mục đích “Tôn sư trọng đạo” với hai chân lý: “Một giờ làm thầy, suốt đời là thầy” và “Đồng môn như gia đình”.
Những người tri kỷ ở độ tuổi U60, U70 gặp lại nhau không có những vồ vập, những ồn ĩ mà chỉ cần chạm nhẹ vào nhau là những luồng hồi ức từ hai phía đã lập tức cuồn cuộn trỗi dậy, quấn quýt lấy nhau. Thầy trò Trung học Kiến Tường đã thích thú với những cách giải thích cụm từ viết tắt THKT là “Thương Hoài Không Thả”, “Theo Hoài Không Tha”,… thậm chí chẳng ngại ngần gì mà không “Thôi Hẹn Kiếp Tới”.
Họ có một bài hát như tiếng mõ gọi nhau tìm về. Bạn có thể nghe thử:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 12-3-2015)