Những bài học không bao giờ xưa cũ từ ông Lý Quang Diệu
Trưa 29-3-2015, người dân quốc đảo Singapore ngậm ngùi tiễn đưa ông Lý Quang Diệu, cha đẻ của Singapore hiện đại, về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang gia đình. Trái tim đầy nhiệt huyết của một trong những nhà lập quốc thành công nhất trong lịch sử thế giới đương đại đã ngừng đập hôm 23-3-2015 sau 91 năm nuôi sống nhân vật được Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “người khổng lồ thật sự của lịch sử”.
Ông Lý giữ chức Thủ tướng Singapore suốt 31 năm kể từ khi nước Đông Nam Á này được thành lập vào năm 1965 tới năm 1990 lui vào hậu trường, nhưng vẫn đóng vai trò trụ cột của đất nước. Với tài lãnh đạo của ông, từ một làng chài và cảng biển nhỏ bé, Singapore đã vươn lên thành một trong bốn con rồng kinh tế châu Á, có GDP (PPP) bình quân đầu người tăng gấp 15 lần từ 1960 tới 1980 và hiện ở mức 78.762 USD (đứng thứ 3 trên thế giới).
Trong lời chia buồn cùng nhân dân Singapore, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận xét rằng những lời tư vấn về điều hành chính phủ và phát triển kinh tế của ông Lý trong những năm qua đã được nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới tìm kiếm và vận dụng.
Không ai phủ nhận được sự thành công của Singapore. Nhưng khó nước nào làm được như Singapore bởi thực tế đây chỉ là một quốc gia có kích thước của một thành phố (nhỏ chỉ bằng 1/3 diện tích TP.HCM). Cái mà các nước có thể học hỏi được từ Singapore chính là cách nước này giải quyết thành công những vấn đề vẫn xảy ra ở các nước. Nhưng điều mà cả thế giới có thể học hỏi nhiều nhất và không bao giờ xưa cũ chính là từ nhân vật huyền thoại Lý Quang Diệu. Chính các thế hệ người Singapore đã học tập từ ông để cùng xây dựng nên một Singapore có vị thể danh giá trên toàn cầu như ngày nay.
Điều cốt lõi mang tính nền tảng xuyên suốt của ông Lý là lòng yêu nước, sự toàn tâm toàn sức cho sứ mạng phát triển Singapore. Ông đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước, tất cả mọi việc từ suy nghĩ tới hành động của ông chỉ vì một mục đích duy nhất là lợi ích và tương lai của dân tộc và đất nước.
Giống như các chính khách thành công khác, ông Lý có khả năng nhìn xa trông rộng. Nhưng điều làm nên sự khác biệt ở ông chính là lòng bao dung và không vướng chút tự tư tự lợi. Điều đó giúp ông chỉ nghĩ suy tìm kiếm những gì thật sự ích nước lợi dân.
Ông Lý là một điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa tính quyết đoán, cứng rắn trong điều hành công việc với sự cầu thị, biết lắng nghe và chọn lọc tiếp thu những cái hay từ mọi người, bao gồm cấp dưới. Ông Lý quan niệm rằng một chính khách lãnh đạo quốc gia phải quyết đoán, cứng rắn, bảo đảm mọi người phải làm cho được những điều mà ông đã xác tín là đúng đắn. Không có sự bàn ra, chập chờn, mà phải tập trung cùng nghĩ cách để làm cho thành công. Ông nói mình luôn ý thức được rằng ông phải chịu sự phán xét của lịch sử. Do không bị chi phối bởi đầu óc tham quyền và tư lợi cá nhân hay gia đình, “bàn tay hành động bằng sắt” này không đồng nghĩa với độc tài hay chuyên chế.
Ông Lý hiểu rõ sức người là hữu hạn và sự đồng tâm hiệp lực của cả cộng đồng là nền tảng của mọi thành công và trường tồn. Vì thế, ngay từ đầu, ông đã tìm mọi cách để chiêu hiền đãi sĩ, tìm kiếm và trọng dụng nhân tài. Nhân tài đã quý, mà hiền tài còn quý hơn bội lần. Ông coi trọng những người có cả tài lẫn đức. Ông đã tích hợp được vào cả hệ thống cầm quyền ở Singapore quan điểm của mình là mọi người đều có cơ hội bình đẳng, không hề có sự phân biệt về tôn giáo, dân tộc, tuổi tác, giới tính. Một người có tài xuất chúng không cũng chưa đủ, mà người đó còn phải tranh đua với những người tài khác và biết cách thu phục được mọi người chung quanh để cùng mình làm việc. Đó là lý do ở Singapore, người tài muốn xuất xử làm việc phải chiến thắng trong những cuộc tranh cử. Ông Lý căn dặn: Singapore chỉ có thể duy trì được sự thành công khi được lãnh đạo bởi những người giỏi nhất.
Lòng trung thực là nhân tố số 1 và bao trùm trong văn hóa và xã hội Singapore. Đảo quốc này là một trong những quốc gia hiếm hoi không có đất sống cho tham nhũng. Đó chính là một trong những di sản và kỳ tích của ông Lý. Công chức được tuyển chọn kỹ và được trả lương cao (kể cả lương hưu cao) để toàn tâm toàn ý phục vụ dân. Hệ thống giám sát chặt chẽ kết hợp với các hình thức trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc và nặng nề đối với tội tham nhũng (trong đó có hình phạt mất hết phúc lợi hưu trí). Người làm việc ở Singapore vì thế không muốn tham nhũng (ý thức), không thể tham nhũng (cơ chế) và không dám tham nhũng (pháp luật).
Có một sự thật: những thách thức của việc lập quốc (building a nation) và của việc phát triển đất nước (growing a nation) rất là khác nhau. May mắn cho Singapore là ông Lý ngay từ đầu đã ý thức được điều đó và tìm được cách để dung hòa chúng. Biết được và chấp nhận sở trường, sở đoản của mình, ông Lý đã xây dựng những êkíp riêng cho từng lĩnh vực bao gồm những người tài giỏi nhất và có tâm huyết nhất. Người nào việc nấy. Để phát triển kinh tế, ông có êkíp kinh tế. Để tăng cường quốc phòng, ông có đội ngũ quân sự. Đó là những người tiên phong mà trong điếu văn đọc tại lễ tang cha mình ngày 29-3-2015, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhắc tới hàng loạt cái tên và gọi họ là “những đồng chí” (comrades) của ông Lý. Một số người đó hiện còn sống và đã lên nói lời chia tay với ông Lý. Cái giỏi xuất chúng và làm nên thành công của ông Lý là biết kết hợp tính quyết đoán, bản lĩnh và cứng rắn của một chính khách lập quốc với tài năng của các nhà chuyên môn. Thực tế cho thấy ở nhiều nước, các kế hoạch phát triển đất nước của các nhà chuyên môn đã không thể thực hiện được do không có được sự quyết đoán của nhà cầm quyền. Nhìn xa một chút, nhưng cũng trong phạm vi châu Á, Hàn Quốc giờ ra sao nếu như ngày xưa không có Tổng thống Park Chung-hee, hay Đài Loan liệu có trở thành một trong 4 con rồng kinh tế châu Á được không nếu thiếu Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Những nhà lãnh đạo quốc gia này từng bị coi là “độc tài”, “chuyên chế”. Mỗi người có những tật bệnh riêng, nhưng chuyện nào ra chuyện đó.
Trong điếu văn của mình, ông Lý Hiển Long – thế hệ lãnh đạo thứ ba của Singapore trong 50 năm lập quốc, nói rằng: “Bởi vì ông ấy (ông Lý) đã làm việc với một đội ngũ mạnh mẽ và không làm một mình, bởi vì người dân biết rằng ông ấy chăm lo cho họ chứ không phải cho chính ông ấy, và bởi vì ông ấy có lòng tin rằng những người Singapore sẽ làm việc cùng với ông ấy để đạt được những điều vĩ đại, ông Lý đã giành được sự tín nhiệm và tin cậy của những người Singapore.”
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 30-3-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP ngày 30-3-2015)