Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tản mạn cuối tuần

 

 

Trong dịp cuối tuần này, thầy cô Lý Thị Kim Oanh – Nguyễn Hữu Hạnh đang tiếp tục vi vu trong chuyến Mỹ du ở Bờ Tây Hoa Kỳ. Chính xác là tại thành phố Beltsville (bang Maryland), nơi cô Kim Oanh có một người bạn được Kiến Ngố khen nức nở là nấu ăn ngon và vô cùng hiếu khách.

Có lẽ kỳ này, chiếc máy bay chở thầy cô về Đức sẽ phải kéo thêm một chiếc rờ-moọc để chở hàng hóa thầy cô mua sắm ở Mỹ. Dân châu Âu đắt đỏ, thuế cao ngất, qua Mỹ thấy hàng hóa giá rẻ ơi là rẻ “bước đi không đành”. Khoảng năm ngoái, bà con tha hồ mua sắm khi đồng Euro có tỷ giá cao ấn tượng so với đồng USD. Bây giờ, nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, đồng USD mạnh lên, nghe nói đang quyết chí ngang bằng với đồng Euro. Xin tạt ngang xíu xiu. Mỹ đúng là một cường quốc thiệt sự (true power). Họ có lỡ bị suy thoái kinh tế, thậm chí có thể “nghèo” tới mức chính phủ không còn tiền phải tạm đóng cửa (như hồi năm 2013), nhưng vẫn có nội lực dẻo dai để sau đó bật dậy, lại ngon lành cành đào Number One.

Không chỉ có dân châu Âu mới sang Mỹ dính “tài khí” (không phải tà khí) mang tên “crazy shopping” mà mua sắm điên cuồng đâu. Mấy người bạn của tôi ở Úc, thậm chí sát nách Mỹ là Canada, mỗi lần qua Mỹ đều phải mua thêm valy thồ hàng về. Chất lượng tốt thì có ai dám nghi ngờ hàng “Made in USA” (mà cho dù có gia công, sản xuất ở đâu, nếu muốn lọt vô bán ở Mỹ cũng phải đạt các tiêu chuẩn Mỹ), cái hấp dẫn nhất vẫn là giá rẻ.

Tôi đã nhiều lần qua Mỹ để có thể ngộ ra rằng ông Trời quá ưu ái cho người Mỹ. Hỗng lẽ Sir muốn xây dựng một mô hình “thiên đường hạ giới” (giống như kiểu các công ty đầu tư bất động sản làm nhà mẫu chào háng). Mà thiệt tình đó là “sự lựa chọn đúng nhất” (không có liên quan gì tới điện thoại V247 nghen). Hoa Kỳ là quôc gia duy nhất trên thế giới là một hiệp chủng quốc thật sự, có người dân tới từ khắp năm châu bốn biển, nên cũng có thể đại diện cho cả hành tinh mà nhận lãnh Lộc Trời (tất nhiên cả “họa trời”).

Ở đây, tôi chớ dám mạo phạm nói chi cao siêu. Với thân phận của mình, tôi chỉ ấm ức khi đi vào các mall, siêu thị ở Mỹ để nhận ra dân Mỹ thu nhập cao mà xài hàng rẻ. Có thể đó là “kiếp nạn” của họ (mua sắm triền miên mỏi tay cũng khổ lắm chớ), nhưng là “phước đức ông bà” của tôi. Tới dân Việt chính quốc qua Mỹ mà còn thấy hàng rẻ nữa, huống chi dân châu Âu. Cả một xã hội cùng tiêu dùng trong một guồng máy nhịp nhàng. Giới bán hàng tìm mọi cách để kích thích người ta mua sắm. Chuyện các mall, siêu thị tặng coupon giảm giá hay thỉnh thoảng gửi phiếu mua hàng hay voucher trị giá 5 USD, 10 USD tới tận nhà là chuyện thường ngày ở Mỹ. Người dân có mua sắm thì hàng hóa mới không bị tồn kho, cả ngành thương mại lẫn ngành sản xuất mới sống được và cùng phát triển. Các nhà bán lẻ tính toán rất nhịp nhàng trong chuyện định giá bán hàng hóa để món này có lời lúc này, món khác bán lỗ khi khác tạo ra một môi trường kích thích mua sắm quanh năm và mọi người cùng có lợi quanh năm. Mỹ thực dụng số 1, Mỹ kinh tế thị trường số 1, nhưng người tiêu dùng chẳng bao giờ bị coi là những con bò sữa ngu ngơ để thiên hạ xúm vào vắt kiệt tới giọt sữa cuối cùng khiến phải ốm o gầy mò.

Có một cái nỗi niềm đau chôn giấu trong lòng tôi khi muốn qua Mỹ thăm bạn bè, người thân mà trong lúc Sir Barack Obama đã tươi cười welcome thì Sir Benjamin Franklin lại ngoảnh mặt làm ngơ. Giá vé máy bay khứ hồi Mỹ – Việt Nam bình quân 1.200 USD (quy ra tiền Việt hơn 25 triệu đồng). Người ở Mỹ chỉ cần bỏ ra 1 phần 3 hay 1 phần 2 tháng lương là đủ tiền mua vé. Người ở Việt Nam phải 6 tháng không ăn không xài chi hết mới có đủ lương mua vé đi Mỹ chơi. Thử hỏi cái kẻ giang hồ lãng tử như tôi hỗng “bỗng dưng muốn khóc” sao đặng?

Thôi trở lại với trường tôi. Cô Hà Thị Kim Lan sau khi từ Úc sang New York gặp lại người anh Hai kết nghĩa Vườn Đào (thầy Dương Đệ) sau 42 năm xa cách, cuối tuần này đang cỡi Kangaroo nhong nhong ở đâu hén? Hình như sau khi thăm con gái sinh sống ở thành phố New York, cô Kim Lan bay sang Dallas (Texas). Nhìn ảnh chụp anh Hai Dương Đệ, chị Bảy Kim Lan và cô Út Kim Oanh hạnh phúc bên nhau trong ngày tái ngộ, tôi nghĩ các thầy cô của mình rất ấm áp giữa cái lạnh tháng 4 ở thành phố New York. Cô Kim Oanh nói rằng cả đời còn lại của mình sẽ không thể nào quên được cái cảm xúc sum họp này. Mọi người đều giữa lục tuần và ngấp nghé thất tuần rồi, Que Sera Sera biết ra sao ngày mai. Bởi vậy, còn được gặp nhau đã là một ơn huệ và phải tận hưởng từng giây một bên nhau.

Khoảng cách giữa hai tấm ảnh này là 42 năm.

thkt_damcuoi_thaytrac_01

+ Ba anh em kết nghĩa trong đám cưới thầy Nguyễn Văn Trắc tại Cai Lậy ngày 19-6-1973. Hàng ngồi, từ trái qua: Thầy Nguyễn Văn Trọi, thầy Trương Văn Bé (áo trắng), thầy Tranh, thầy Tiêu Ngọc Sơn, thầy Dương Đệ. Thầy Nguyễn Văn Thừa (ngồi giữa thầy Bé và thầy Tranh). Hàng đứng: cô Nguyệt (thứ 2 từ trái qua), cô Hà Thị Kim Lan (áo bông bìa phải), cô Lý Thị Kim Oanh (thứ 2 từ phải qua). Ảnh do thầy Nguyễn Văn Trọi cung cấp.

150406-thkt-delanoanhhanh-newyork-17_resize

+ Ba anh em kết nghĩa sum họp ngày 6-4-2015 tại thành phố New York. Từ trái qua: thầy Dương Đệ, cô Kim Lan và cô Kim Oanh. Ảnh do cô Kim Oanh cung cấp.

Hình như cuối tuần này, thầy Ngô Bảo Toàn từ Tân An cũng có mặt ở Mỹ thăm vợ chồng người con gái. Chẳng biết sư huynh Võ Tấn Tràng đi Mỹ thăm con đã về lại Biên Hòa chưa? Vợ chồng bạn Đỗ Văn Tám – Huỳnh Thị Kiều Nga cũng vừa trở lại Wichita (bang Kansas) sau một chuyến về Việt Nam chơi dài ngày, chấp nhận bị trừ thời gian thi quốc tịch. Còn cô Tạ Thị Kiêm Hường từ Chicago (bang Illinois) về dự họp mặt truyền thống Thầy Trò Trung học Kiến Tường Về Thăm Trường Xưa ngày 15-3-2015 giờ đang ngao du dọc đường đất nước. Cô chẳng còn bà con thân thuộc nào ở Việt Nam, chỉ có tình nghĩa đồng nghiệp và học trò xưa mới đủ sức kéo cô về (cô sang Mỹ năm 1978 và đây là lần thứ hai cô về Việt Nam, lần trước năm 2005). Thầy cô Phạm Doanh Môn – Nguyễn Thị Phương Mai sau chuyến về quê ăn Tết Ất Mùi và dự họp mặt trường xưa đã trở về cỡi Kangaroo ở Canberra (Úc).

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-4-2015)