Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

BPhone, chuyện gì cũng có thể xảy ra….

bphone-ces-2015

 

Thật ra, ngay từ cái tên bài này cũng rất đa chiều như dư luận, đặc biệt là các cộng đồng mạng, trong thời gian qua đối với thông tin Công ty Bkav sắp ra mắt smartphone đầu tiên của mình có tên là BPhone. Cũng trong bao nhiêu chữ đó, tác giả có thể viết theo cái tựa “BPhone, chuyện gì xảy ra?” hay “BPhone, chuyện gì có thể xảy ra?” Cuối cùng, tác giả không hỏi nữa, mà trả lời luôn cho mọi người khỏi mất thời gian bàn cãi: “BPhone, chuyện gì cũng có thể xảy ra…”

Nói gì thì nói, chưa biết sản phẩm cụ thể méo tròn ra sao, cho tới nay, Bkav đã thành công trong chiến dịch làm thương hiệu cho chiếc BPhone. Chính sự ỡm ờ về thông tin và những tuyên bố bị cho là “nổ banh xác pháo Bình Đà” của các nhà lãnh đạo công ty, cộng thêm lịch sử những câu chuyện về Bkav và vị Tổng giám đốc Nguyễn Tử Quảng, đã làm cộng đồng mạng dậy sóng. Điều cao tay ấn của Bkav là họ chẳng hề có một phản ứng trực tiếp nào đối với những ý kiến của cộng đồng, không phản đối mà cũng chẳng phân bua. Thay vào đó, họ khôn khéo cứ đổ thêm dầu vào lửa, tiếp tục “bồi thêm thuốc pháo”… Kết quả nhãn tiền là cho đến bây giờ, cái tên BPhone đã đi vào thị trường và trong óc nhiều người ngay từ khi nó chưa xuất hiện. Dù thuộc phe nào, người ta cũng đang háo hức đón chờ ngày ra đời của BPhone, đơn giản thì cũng là để coi nó ra làm sao mà nhà sản xuất “nổ” và cộng đồng “ném đá” dữ trời thần vậy?

Vì sao người tiêu dùng Việt lại phản ứng theo kiểu “ném đá” một sản phẩm công nghệ tiêu dùng “Made in Vietnam” như vậy? Cho dù là một tân binh trên thị trường di động, nhưng bản thân Bkav đâu phải là một cái tên xa lạ – Bkav đã được biết đến với công cụ phần mềm phòng chống virus máy tính BKAV rất được người dùng máy tính yêu thích trước khi nó bị thương mại hóa quá hớp và với hệ thống ngôi nhà thông minh Smart Home có tên trên thị trường quốc tế.

Trước hết, lẽ ra người ta phải dành nhiều sự ủng hộ cho một sản phẩm “Made in Vietnam” của một nhà sản xuất thuần Việt. Nó sẽ đem lại cho người Việt Nam một sự tự hào khác với những sản phẩm “Made in Vietnam” do các thương hiệu quốc tế gia công sản xuất ở Việt Nam. Chỉ có điều, người ta đã có quá nhiều kinh nghiệm với những sản phẩm “Made in Vietnam” của những nhà sản xuất Việt Nam theo kiểu “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; ngoài một số ít được lắp ráp trong nước (thực chất chỉ là khâu hoàn thiện sản phẩm và đóng gói), hầu hết là gia công ở nước ngoài, hay đơn giản nhất là mua sản phẩm của một xưởng OEM ở nước ngoài rồi in cái thương hiệu của mình lên. Quả là một thực tế trớ trêu, cũng là “Made in Vietnam”, nhưng trong khi hãng nước ngoài sản xuất ở Việt Nam, thì hãng Việt Nam lại đem gia công ở nước ngoài.

Vậy BPhone được sản xuất ở đâu? Một bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) ngày 22-1-2015 cho thấy BPhone đang được lắp ráp tại một nhà máy ở ngay Hà Nội. Ống kính thu cận cảnh dòng xuất xứ trên nhãn của sản phầm ghi: “Designed by Bkav-Made in Vietnam” (Thiết kế bởi Bkav – Sản xuất tại Việt Nam). Người ta không rõ, đội ngũ Bkav thiết kế cái gì – chỉ có hình dáng bên ngoài (vỏ) của sản phẩm hay cả hệ thống bên trong?

bphone-ces-2015-2

Bkav đã he hé về chiếc smartphone của mình lần đầu tiên trước cộng đồng quốc tế khi giới thiệu nó nằm trong bộ giải pháp Smart Home tại cuộc Hội chợ – Triển lãm Điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 1-2015. Theo báo Dân Trí (8-1-2015), ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, cho biết dự án sản xuất điện thoại đã được Bkav bắt đầu thực hiện từ 4 năm trước với 200 nhân viên tham gia từ khâu thiết kế, hoàn thiện và xây dựng các ứng dụng riêng dành cho mẫu smartphone này. Bkav tiết lộ đã tiêu tốn hàng triệu USD vào tham vọng gia nhập thị trường smartphone.

Phe của Bkav luôn khoe rằng BPhone có cấu hình khủng. Chưa rõ cấu hình thực tế ra sao. Những thông tin úp úp mở mở đã được thiên hạ ráp vào “bơm hơi vá ép” là chính. Chẳng hạn thông tin về màn hình LCD do hãng Sharp Nhật Bản sản xuất có kích thước 5 inch, độ phân giải Full HD; CPU Qualcomm Snapdragon 8 nhân mới nhất; âm thanh với chip xử lý hỗ trợ âm thanh 24-bit. Còn hệ thống camera đang là một trong những thành phần quan trọng nhất của một chiếc smartphone ngày nay thì chưa rõ ra sao ở BPhone.

Có lẽ cộng đồng mạng “dậy sóng” chủ yếu là do Bkav đã “uống mật gấu” tuyên chiến với hai cộng đồng di động lớn nhất hiện nay là iFan và Samfan, khi dám tuyên bố rằng BPhone sẽ ăn đứt các “siêu phẩm” của hai hãng Apple và Samsung vốn đang dẫn đầu thị trường smartphone thế giới. Bởi vậy, nhiều người nói rằng Bkav không khiêm tốn và “nổ”, chẳng biết đất trời tròn vuông ra sao.

Thật ra, ông bà ta vẫn nói: “Văn mình, vợ người”, ở đây, không có gì lạ khi một nhà sản xuất tự hào về sản phẩm – đứa con của mình. Liệu có cha mẹ nào không yêu con mình hơn con hàng xóm và không coi con mình ngon lành hơn hẳn con bá tánh. Vấn đề là ở mức độ nào và cách thể hiện ra sao mà thôi.

Ngoài ra, làm người ai chẳng có ước mơ. Nhà sản xuất nào mà không tự tin về sản phẩm của mình và không có ước mơ sản phẩm đó sẽ trở thành “thiên hạ vô đối” thì chắc chắn phá sản ngay từ trong trứng nước. Bkav cần phải đặt ra mục tiêu làm ra sản phẩm X của mình hơn hẳn sản phẩm Y của đối thủ. Và giám khảo không ai khác hơn chính là người tiêu dùng. Chẳng có người tiêu dùng thông minh nào lại đi tin vào những gì nhà sản xuất khoe đâu. Bao giờ cũng vậy, giữa ước mơ và hiện thực luôn có khoảng cách, dài ngắn tùy theo bản lĩnh của từng người.

Ngồi thiền định cho tâm lắng xuống, máu bớt sôi, hỏa dịu lại, rồi mượn thanh Đồ Long Đao của đôi vợ chồng Quách Tỉnh – Hoàng Dung để phát quang mớ râu ria của các chiêu thức PR, ta có thể ghi nhận những nỗ lực của Bkav trong việc cho ra đời một sản phẩm công nghệ – mà lại thuộc loại thời thượng – “Made in Vietnam”. Tôi tin rằng Bkav không quá ngây thơ và dại dột để chuốc thất bại – nếu như thất bại đó đã được tiên liệu, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu của mình trong các loại sản phẩm khác.

Bất luận thế nào, trong khâu nghiên cứu phát triển và sản xuất, Bkav cho thấy mình làm việc nghiêm túc và có bài bản. Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với tôi trưa 11-5-2015, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, cho biết Bkav là nhà sản xuất smartphone Việt Nam đầu tiên ký kết với Qualcomm hợp đồng sử dụng bản quyền công nghệ 3G và 4G. Trong phần này, Bkav là một đối tác của Qualcomm giống như Samsung, LG, Sony, HTC,… Thêm vào đó, do Bkav chọn chip của Qualcomm cho BPhone, nên giống như các nhà cung cấp chip khác, Qualcomm cũng hỗ trợ Bkav trong việc thiết kế và thử nghiệm sản phẩm chạy chip của họ. Ông Nam nhấn mạnh: đối tác bản quyền công nghệ 3G/4G và đối tác sử dụng chip Qualcomm là hai khía cạnh khác nhau. Nhà sản xuất sử dụng công nghệ 3G/4G của Qualcomm vẫn có quyền sử dụng chip của hãng khác. Và điều quan trọng hơn cả là các hợp đồng đối tác này không có nghĩa là một hãng cung cấp linh kiện như Qualcomm chứng nhận chất lượng một sản phẩm cụ thể nào đó.

Thôi thì chuyện đâu còn có đó. Có những người, không phải là ít, dị ứng với cách tiếp thị gây tiếng vang tới mức bị coi là “nổ như bom” (bom tấn hay bom xịt thì hạ hồi phân giải) của Bkav. Nếu có phản ứng thì lẽ ra cũng chỉ dành cho Bkav và những con người của họ. Không nên giận cá chém thớt. Còn BPhone thiệt ra chẳng có tội tình chi hết. Nó cần được cộng đồng đón nhận như một sản phẩm nghệ mới, đặc biệt lại là một sản phẩm của người Việt (cho dù có ở trong tình cảnh chung là do người Việt lắp ráp và hoàn thiện). Ai không thích thì cứ việc không mua nó. Nó tốt xấu ra sao, mạnh yếu thế nào thì phải trải qua thực tế trải nghiệm mới biết. Và cũng chớ nên quá kỳ vọng vào nó, đặt ra cho nó những mục tiêu quá hớp (đừng để bị những chiêu thức PR của nhà sản xuất làm ảnh hưởng). Chứ hễ sản phẩm nào của mình mới chào đời (thậm chí khi còn nằm trong bào thai) đã bị dập vùi tả tơi thì liệu biết tới chừng nào ta mới có thể trưởng thành.

Tôi thì nghĩ đơn giản rằng cộng đồng iFan và SamFan đâu có cuồng tín, cực đoan như bọn IS hay al-Qaeda. Vì thế, tất cả vì sự phát triển của công nghệ, họ sẽ rất vui nếu như có được những sản phẩm hơn hẳn những “cục cưng” của họ. Ở một khía cạnh nào đó, những đối thủ ngang tầm như vậy sẽ khiến cho Apple và Samsung phải dè chừng mà không ngừng nghiên cứu cải tiến phát triển các sản phẩm của mình, cũng như chẳng thể làm giá như khi nghĩ mình ở thế độc quyền.

Nếu bạn muốn góp sức quảng bá thương hiệu BPhone không công cho Bkav thì cứ việc say máu tung hoa hay ném đá nó. Kiểu nào, người được lợi vẫn cứ là Bkav. Bởi lẽ, nhà sản xuất sống hay chết là tùy thuộc vào nội lực của sản phẩm mình làm ra có đủ sức để móc hầu bao của người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Tôi luôn tự hào và trân trọng đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” chân chính. Bởi vậy, nói thiệt lòng mình, tôi đang chờ đợi và mong rằng Bkav có thể viết được một câu chuyện thành công với chiếc smartphone đầu tiên mang hàm lượng Việt Nam cao nhất. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào Bkav mà thôi. Và đó là lý do mà bấy lâu nay tôi không tung hoa hay ném đá gì Bkav và anh Nguyễn Tử Quảng – một người từng được nhận danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin với phần mềm BKAV thời tình thương mến thương.

Bkav cho biết sẽ ra mắt BPhone một cách hoành tráng tại Hà Nội vào ngày 26-5-2015 với mức giá 13 triệu đồng. Có thể nói rằng Bkav đã đặt cược được ăn cả, ngả về không cho chiếc smartphone đầu tiên của mình. Nếu như BPhone không thật sự được như những gì Bkav lâu nay quảng bá thì thiện tai thiện tai. Bất luận thế nào, liệu có bao nhiêu người dùng Việt Nam có đủ can đảm bỏ ra tới 13 triệu đồng cho một smartphone Việt Nam?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-5-2015)

+ Ảnh: Chiếc BPhone được giấu kín trong một chiếc vỏ khi xuất hiện trong giải pháp Smart Home của Bkav tại Triển lãm CES Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 1-2015. (Nguồn ảnh: Internet.Thanks).

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động TP.HCM 14-5-2015.