Kẻ buồn, người vui khi Windows Phone chung sống hòa bình với iOS và Android
Lẽ đương nhiên, chuyện Microsoft quyết định cho Windows Mobile của mình chạy được các ứng dụng của hai hệ điều hành đối thủ iOS và Android đem lại niềm vui cho nhiều người hơn. Những người trung thành với Microsoft vui vì từ nay có thể xài ké các ứng dụng như những người chạy các hệ điều hành di động của Apple và Google. Các thần dân của iOS và Android có thể tự hào vì các ứng dụng của mình được cả thần dân Windows sử dụng.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng đây là một sự nhượng bộ bất đắc dĩ, khiến ông Bill Gates đau lòng chẳng phải… dạng vừa. Trang công nghệ TechRepublic (12-5-2015) dẫn lời của tác giả Charles Arthur viết trên báo Anh The Guardian nhận định đây là một chiến dịch thất bại. Ông này viết: “Lịch sử đã kể cho chúng ta rằng sự tương thích phần mềm là một động thái của những kẻ thua.”
Bấy lâu nay, Microsoft đã chạy đôn chạy đáo kêu mời các nhà lập trình phát triển các ứng dụng phầm mềm (app) cho các hệ điều hành Windows 8 và Windows Phone. Kho ứng dụng Windows Store chính thức mở cửa từ khi Microsoft đưa ra các hệ điều hành Windows 8 và Windows Server 2012 vào tháng 2-2012. Kể từ Windows 8, hệ điều hành Windows mới bắt đầu hỗ trợ các ứng dụng. Chỉ có điều, không biết do chính sách của Microsoft quá ngặt hay bộ mã nguồn của Windows quá hớp hoặc bộ công cụ phát triển của Windows không ngon lành, giới phát triển ứng dụng coi mòi chưa hào hứng tham gia. Theo Wikipedia, tính tới ngày 16-4-2015, Windows Store mới có 206.284 ứng dụng các loại.
Con số ứng dụng Windows này thiệt là khiêm tốn so với 2 đối thủ chính. Kho Google Play (ra đời tháng 2-2012 kế thừa gia tài của kho Android Market có từ năm 2008) dành cho thiết bị Android tính tới tháng 1-2015 có hơn 1,43 triệu ứng dụng. Còn App Store (ra đời tháng 7-2008) dành cho thiết bị iOS tính tới tháng 2-2015 đã có hơn 1,4 triệu ứng dụng.
Tất nhiên Windows Store mới có bề dày hơn 3 năm, trong khi Google Play và App Store có trên dưới 7 năm rồi. Nhưng người tiêu dùng đâu có quan tâm tới chuyện đó. Hậu trường nhà bếp ra sao là chuyện của nhà hàng, họ chỉ cần các tủ hàng cung cấp đủ các món ăn mà họ cần và thích. Thử hỏi làm sao người dùng Windows Phone không chạnh lòng khi so sánh 3 quầy hàng Windows, iOS và Android với nhau. Ứng dụng của Windows đã ít hơn mà phần lớn lại là hàng thương mại, cần phải bỏ tiền ra mua. Tình trạng này cũng tương tự như ở iOS – cũng là hệ điều hành đóng và thương mại – nhưng nhờ số lượng lớn hơn nên không khiến người dùng iOS phải càm ràm. Trong khi đó, Android vốn là hệ điều hành mã nguồn mở, ứng dụng nhiều hơn và phần lớn là miễn phí.
Ai cũng hiểu đây là thời của thiết bị di động. Trong cái vương quốc di động này, các nhà phát triển ứng dụng chính là các nguyên soái công thần. Người tiêu dùng hầu như chẳng bận tâm tới hệ điều hành của thiết bị mà chỉ chăm bẳm vào cách nó chạy các ứng dụng mà họ cần. Thật ra, suy cho cùng hệ điều hành chỉ là phần mềm nền tảng, giống như cái móng nhà. Từ đó, ta hiểu rằng nguyên nhân chủ yếu khiến hệ điều hành Windows Phone chiếm thị phần rất thấp chính là ở sự nghèo nàn của kho ứng dụng. Dĩ nhiên còn có những yếu tố khác nữa, như sự khó xài của hệ điều hành, cấu hình phần cứng, quá ít thương hiệu thiết bị để lựa chọn,…
Microsoft là một lính mới trên thị trường di động nhưng lại là một đại lão sư phụ về hệ điều hành thiết bị và phần mềm công cụ. Rõ ràng họ đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường mới vốn cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Hiện nay, Windows Phone đứng thứ 3 trong các hệ điều hành di động, nhưng chỉ chiếm thị phần có 3%. Trong khi đó nhà vô địch vô đối Android chiếm 81,2% và á quân iOS chiếm 15%.
Không còn có sự lựa chọn nào khác để thu hút và giữ chân người tiêu dùng trung thành, Microsoft buộc phải chọn giải pháp “tương thích” (nói theo kiểu bình dân là “chung chạ”). Họ đã có dự án Project Islandwood (cho iOS) và Project Astoria (cho Android) để làm cho các ứng dụng của hai hệ điều hành đối thủ này có thể chạy được trên thiết bị Windows Phone. Chỉ có điều, các fan của Windows tỏ ra cẩn trọng vì họ đã từng trải nỗi chán chường khi phải chạy chế độ tương thích (Compatibility Mode) ngay chính giữa các phiên bản của Windows.
Có lẽ giải pháp tốt hơn cho tất cả là Microsoft tập trung phát triển một bộ công cụ chuyển đổi thiệt ngon cơm để giúp các nhà lập trình không chuyên nghiệp có thể convert các ứng dụng iOS và Android của họ sang Windows Phone một cách nhanh chóng, dễ dàng và ngon lành. Bất luận kiểu nào, việc chạy một ứng dụng được viết cho hệ điều hành đó vẫn mượt mà và ổn định hơn là phải chạy nó trong chế độ tương thích ép dầu ép mỡ. Ngoài ra, giải pháp chuyển đổi này còn giúp tăng nhanh số lượng ứng dụng trên Windows Store.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 24-5-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bản in trên tạp chí e-CHIP M.