Tổng thống Barack Obama đã được Quốc hội Mỹ trao quyền đẩy nhanh đàm phán Hiệp định TPP
Với tỷ lệ phiếu 60 thuận – 38 chống, Thượng viện Mỹ ngày 24-6-2015 đã thông qua dự luật trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama quyền được quyết định về các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu, gọi là Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) hay quyền đàm phán nhanh. Quốc hội Mỹ sau đó sẽ quyết định chấp thuận hay bác bỏ chứ không được thay đổi nội dung của các thỏa thuận này (làm vậy thì mất uy tín anh Tổng thống của mình dữ lắm). Dự thảo luật này trước đó đã được Hạ viện thông qua. Và bây giờ, nó đang chờ để được Tổng thống Mỹ ký ban hành thành luật (gì chớ hỗm rày ông Obama đã chuẩn bị sẵn bút rồi).
Đây quả là một thắng lợi lớn của Tổng thống Obama. Dự luật này đã được Quốc hội Mỹ với cả hai viện đều do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua, trong bối cảnh nó lại bị khá đông nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ của ông Obama phản đối. Quả là một sự oái oăm – mà cũng cho thấy sự dân chủ của nền chính trị Mỹ. Trong mấy tháng qua, một trận đấu giằng co đã diễn ra không phải giữa hai đảng đối lập nhau. Đó là Tổng thống Obama (Dân chủ), Chủ tịch Hạ viện John Boehner (Cộng hòa) và thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hòa) ở một phe, còn phe kia là giới lãnh đạo Dân chủ ở cả hai viện Quốc hội do nghiệp đoàn hậu thuẫn. Những người phản đối chủ yếu lo rằng nếu không đàm phán chặt chẽ, TPP có thể lấy mất nhiều công ăn việc làm của người lao động Mỹ.
Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) đã diễn ra quá chậm chạp, khiến Mỹ mất thời cơ, các đối tác của Mỹ nản lòng, trong khi Trung Quốc ào ào lôi kéo nhiều nền kinh tế khác về phe mình. Để gỡ nút thắt, Chính phủ Mỹ đã tìm kiếm “lối đi nhanh” (fast track) giúp họ có thể hoàn tất sớm các đàm phán với các đối tác nhằm hình thành một khối đối tác kinh tế chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương nắm giữ tới 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Khối TPP gồm 12 nước: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, trong đó 4 nước đầu là thành viên sáng lập (từ năm 2005). Cả Mỹ và Việt Nam đều bắt đầu tham gia đàm phán từ năm 2008.
Với quyền đàm phán nhanh vừa được Quốc hội trao, Chính phủ Mỹ có thể hoàn tất đàm phán để công nhận quy chế TPP cho các đối tác trong khối. Và theo tiến trình hiện nay, Mỹ và Việt Nam có thể hoàn tất đàm phán TPP nội trong năm 2015 này. Đẹp nhất là trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-6-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.