Chủ nhật ngày 08 tháng 12 năm 2024

Trở lại San Francisco

150816-php-sanfrancisco-01_resize

Chuyến bay BR392 của hãng hàng không Đài Loan EVA cất cánh từ Tân Sơn Nhất về sau 3g25ph đã hạ cánh xuống sân bay Tao Yuan Taipei lúc 17g35 (giờ Taiwan) ngày Chủ nhật 16-8-2015. Ngồi chờ tới 20g25, chuyến bay BR18 từ Taipei đi San Francisco (Mỹ) mới cất cánh.

Do đã bị nhiều phen bầm dập, khi bay xa, tôi luôn cố gắng chọn ngồi ghế ngay lối đi – chấp nhận phục vụ mọi người để không làm phiền ai. Do đăng ký check-in online muộn (hầu hết các hãng chỉ cho đăng ký trước 24 giờ, còn hãng EVA lại vô tư – chưa đi mà tôi đã có thể chọn ghế cho chuyến về cách đây hơn 1 tháng), tôi không tìm thấy ghế nào ngay lối đi. Đành chọn ghế giữa ở hàng 47 bên trái, ngay sau hàng đầu khoang. Dè đâu có một đôi nam nữ trẻ măng, có lẽ sinh viên du học, người Hoa (có lẽ Taiwan) tới đề nghị tôi đổi chỗ vì bạn gái ngồi ngay cạnh tôi, còn chàng trai ngồi ở ghế giữa tuốt hàng 56. Kẹt à nghen. Đi máy bay ngồi càng đàng sau đuôi càng dằn xóc, nhất là khi gặp vùng thời tiết xấu hay lúc hạ cánh. Càng kẹt hơn khi đi đường xa tới gần 12 giờ.  Tôi tính nói sao hai bạn không đổi người ở ghế dưới lên đây mà lại kêu tôi dọn tuốt xuống dưới. Nhưng nhìn mặt hai bạn trẻ, trạc tuổi con mình, tôi đành hy sinh cái thân già dỡ hành lý đi xuống tuốt phía dưới. Hàng ghế này là ngay phía trên cái Washington DC trên máy bay. Vì thế, trong suốt chặng bay 12 tiếng đồng hồ, tôi liên tục được ru ngỉ bằng những tiếng giật nước đùng đùng như “đại bác ru đêm dội về thành phố…” (nhạc Trịnh Công Sơn).

Bay được 50 phút, tiếp viên bắt đầu dọn bữa ăn đầu tiên, lúc đó là 21g15 (giờ Taiwan). Có 2 món: cơm + thịt heo kho và thịt bò + khoai tây nghiền. Tôi chọn món cơm cho nó an lành.

 

150816-san-francisco-on-eva-br18-001_resize

Rồi trước khi tới San Francisco 1g50ph, bữa ăn thứ hai bắt đầu được dọn. Phải đợi đến 14g40ph (giờ California), tôi mới được ăn (lúc đó ở Việt Nam mới 4g40 sáng thứ Hai 17-8-2015). Có 2 món mì cá và cháo thịt heo. Giờ đó chỉ có thể ăn cháo thôi, dù biết rằng lát nữa sẽ đói sớm khi tới San Francisco.

150816-san-francisco-on-eva-br18-008_resize

Lần đâu đi Mỹ, tôi cứ nhìn đồng hồ rồi sốt ruột sao lâu tới. Bây giờ thì quên cái đồng hồ luôn, chừng nào tới thì tới. Cho nó an tâm mà ăn với ngủ, dù rằng là ăn cầm hơi và ngủ vạ vật.

Lần nào từ Việt Nam sang Mỹ, tôi cũng đều để ý tới thời điểm máy bay vượt qua lằn ranh ngày đêm quốc tế (International Date Line). Cảm giác rất lạ, có lẽ cũng giống như người đi biển vượt qua đường xích đạo. Sao không lạ cho được khi bên này là đêm, vượt lằn ranh đó là bắt đầu một ngày mới.

150816-san-francisco-on-eva-br18-004_resize

150816-san-francisco-on-eva-br18-006_resize

150816-san-francisco-on-eva-br18-007_resize

Lúc trên máy bay rời Tân Sơn Nhất đi Taipei, tôi ngồi cạnh một chị đi San Francisco một mình để thăm chồng và con gái, chị đi lần đầu lóng ngóng. Máu hiệp sĩ sùng sục nên tôi trở thành Tour Guide, cộ thêm chị và hai vợ chồng một người tuổi gần 60 sang Mỹ định cư cũng đi lần đầu. Tới sân bay SFO San Francisco, sau khi hướng dẫn chị làm thủ tục nhập cảnh xong, khi lấy hành lý, tôi được cho ra luôn khỏi phải khám xét hành lý. Đang đứng đợi chị hành khách kia trình giấy khai hải quan và nghe hỏi có gì trong 2 chiếc thùng không, cái anh chàng hải quan nhìn thấy tờ khai có thực phẩm nên kêu chị tới khu vực kiểm tra hành lý. Tôi bèn chỉ cho chị đi. Dè đâu, anh chàng hải quan tưởng tôi là “đồng bọn” nên kêu tôi cũng tới đó kiểm tra luôn. Giỡn chơi sao bậu? Tôi bèn giải thích mình không có đi chung nhóm mà chỉ giúp chị ấy trên chuyến bay thôi, nên mới thoát nạn “dính chùm”. Hy vọng cuối cùng chị cũng qua suôn sẻ, tôi không thể đợi vì ở bên ngoài, xe của Intel đón đã đợi từ lâu (đông khách quá nên làm thủ tục nhập cảnh gần 2 tiếng đồng hồ).

Buổi tối, tôi làm một vòng quanh khách sạn Hilton San Francisco Union Square để kiếm gì ăn. Với cảm nghĩ của mình, tôi thấy sống ở Mỹ sao mệt óc quá. Ngồi trong khách sạn thỉnh thoảng lại nghe tiếng còi xe cứu hỏa hú vang. Ở Mỹ, lính cứu hỏa không chỉ lo chữa cháy hay cứu hộ khi xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn nói chung, mà hễ người dân cần gì cũng kêu cứu hỏa tới. Thậm chí bỏ quên chìa khóa nhà cũng kêu cứu hỏa vì chỉ có lính cứu hỏa với chiếc búa thần thánh mới được cấp quyền phá cửa nhà người ta.

150816-san-francisco-009_resize

150816-san-francisco-011_resize

150816-san-francisco-012_resize

150816-san-francisco-013_resize

150816-san-francisco-014_resize

Lang thang có một lúc mà tôi gặp 3-4 người Mỹ nam có, nữ có như bị tâm thần, ngơ ngáo hay la hét trên đường. Có một cặp nam nữ chừng hơn 20 tuổi ngồi ở vỉa hè với 2 chiếc valy hành lý to đùng và tấm bìa cứng viết chữ “Hungry” (đói) để cầu cứu ông đi qua bà đi lại. Mấy chiếc thùng rác ở hai ngã tư đường cũng có một chị phụ nữ chừng 50 tuổi và một người đàn ông già hơn đang bới móc tìm thức ăn. Tôi đi ngang, cố làm vẻ dửng dung như mọi người khác để không làm họ nghĩ mình bị chú ý.

Ở lobby khách sạn có dựng một tấm panel cảnh báo tình trạng khô hạn thiếu nước ở California và kêu gọi mọi người chung tay giúp tiết kiệm nước. Có những nơi, nhà chức trách đã cấm dân tưới cây hay rửa xe.

150816-san-francisco-016_resize

Nước Mỹ không phải như người nước mình nghĩ đâu. Người Mỹ cũng không phải như những vị khách tới Việt Nam du lịch hay công tác đâu. Mỹ là một quốc gia như mọi quốc gia, cũng có đủ thứ chuyện trên đời. Điều làm nước Mỹ trở nên số 1 là họ biết cách xử lý và có đủ năng lực để xử lý những vấn đề của mình, cho dù không phải cái nào cũng tối ưu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 16-8-2015)