Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Chơi drone – nghề bay cũng lắm công phu

An Amazon PrimeAir drone is shown in this publicity photo released to Reuters on December 2, 2013. Amazon.com CEO Jeff Bezos told the CBS television program "60 Minutes" that the company is testing the use of delivery drones that could deliver packages that weigh up to five pounds (2.3 kg), which represents roughly 86 percent of packages that Amazon delivers, he said. REUTERS/Amazon.com/Handout via Reuters(UNITED STATES - Tags: BUSINESS SCIENCE TECHNOLOGY) ATTENTION EDITORS - THIS IMAGE WAS PROVIDED BY A THIRD PARTY. FOR EDITORIAL USE ONLY. NOT FOR SALE FOR MARKETING OR ADVERTISING CAMPAIGNS. NO SALES. NO ARCHIVES.THIS PICTURE IS DISTRIBUTED EXACTLY AS RECEIVED BY REUTERS, AS A SERVICE TO CLIENTS

Một chiếc Amazon PrimeAir do hãng tin Anh Reuters giới thiệu hồi tháng 12-2013.

 

Bạn có tưởng tượng một ngày nào đó, trên đầu mình không phải “rợp trời chim én lượn” mà “lúc nhúc drone bay”. Không còn là chuyện có trên những bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood đâu. Drone là một thú vui công nghệ đang ngày càng hot” trên thế giới và đang xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam.

Drone là thiết bị bay không người lái, hay thiết bị bay điều khiển từ xa. Còn flycam là một trong các công dụng của drone khi nó được gắn thêm hệ thống camera để ghi hình từ trên cao.

Những năm trước đây, thuật ngữ drone chủ yếu được dùng để chỉ loại khí tài bay không người lái mà giới quân sự và tình báo Mỹ sử dụng nhiều trong những cuộc chiến tranh chống phiến quân và khủng bố Hồi giáo ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen,… Drone được sử dụng để trinh sát, dọ thám và tấn công các mục tiêu, thậm chí dùng để ám sát những đối tượng trong Danh sách Đen. Trong những năm 1990, chỉ riêng Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi tới hơn 3 tỷ USD cho các chương trình nghiên cứu phát triển drone. Sau chiến tranh Afghanistan, quân đội Mỹ có trong tay một đạo quân drone khổng lồ với hơn 8.000 chiếc bay trên trời và hơn 12,000 chiếc nằm sẵn dưới đất.

Vài năm trở lại đây, drone được thương mại hóa với giá ngày càng rẻ và đa chủng loại, đồng thời thuật ngữ drone cũng trở nên phổ cập hơn. Drone là một sản phẩm công nghệ cao đang ngày càng được sử dụng như một thú chơi của những người vừa yêu công nghệ, vừa mê bay bổng.

Có lẽ drone được phát triển không phải để làm một loại đồ chơi công nghệ. Nó ra đời nhằm trợ giúp con người thực hiện những công việc ở trên không thay thế cho máy bay truyền thống.

Trên thế giới, drone được sử dụng cho vô số mục đích ngoài chuyện an ninh, quốc phòng. Chẳng hạn, từ ngày có drone, giới quay phim, chụp hình như được chắp thêm đôi cánh để thỏa sức sáng tạo thực hiện những cảnh quay, những góc chụp từ trên cao vừa tiện dụng, vừa chi phí thấp, mà trước đó họ bắt buộc phải tốn bộn tiền thuê trực thăng hay máy bay mới có được. Mọi người chắc vẫn còn nhớ hồi trung tuần tháng 5-2015, Kênh truyền hình thời sự Mỹ ABC News đã dùng những chiếc drone để quay từ trên cao khung cảnh của hang Sơn Đoòng (Việt Nam) – hang động lớn nhất thế giới. Những cảnh đẹp ngất ngây này đã được ê-kíp ABC News truyền thẳng về Mỹ để phát trong chương trình “Good Morning America” (Chào buổi sáng nước Mỹ) được trực tiếp thực hiện từ hang động xứng tầm kỳ quan thế giới này.

Có biết bao nhiêu thông tin về việc ứng dụng drone trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng có lẽ tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông nhất là dự án Amazon Prime Air được Amazon, hệ thống bán lẻ dựa trên Internet lớn nhất nước Mỹ và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới, chính thức công bố hồi tháng 12-2013. Theo đó, Amazon sẽ phát triển một đạo quân drone hùng hậu để làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa tới tận nhà khách hàng chỉ trong vòng 30 phút sau khi đặt hàng. Những con drone mà Amazon gọi là thiết bị vận chuyển trên không không người lái thu nhỏ có nhiều cánh quạt Miniature UAV này sẽ hoạt động trong bán kính 16km chung quanh các trung tâm kho vận của Amazon và sẽ khắc phục được tình trạng kẹt xe hay khách hàng ở những khu vực khó tiếp cận bằng đường bộ.

Khi bắt đầu “nhập thế” và được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn, drone cũng lập tức làm nảy sinh nhiều vấn đề phải nói là phức tạp. Chẳng hạn như ở Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang FAA lo ngại drone sẽ chiếm dụng bầu trời, vừa có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng không truyền thống, vừa có nguy cơ gây những mối nguy hiểm cho cộng đồng. Thực tế là trong thời gian gần đây đã có ngày càng nhiều hơn những báo cáo của một số hãng hàng không về việc máy bay hành khách suýt va chạm với những chiếc drone khi đang hạ cánh hay cất cánh. Đó là lý do mà FAA ngâm dự án Amazon Prime Air mãi cho tới tháng 3-2015 mới cho phép Amazon được bắt đầu thử nghiệm những mẫu drone vận chuyển hàng hóa của mình. Mới thử nghiệm thôi, còn có cho phép chính thức hay không lại là chuyện khác. FAA quy định Amazon chỉ được cho drone của mình bay không cao hơn 122 mét, không bay nhanh hơn 161km/giờ, và luôn bay trong tầm quan sát bằng mắt của người điều khiển.

Có một thực tế là drone chỉ được mê như điếu đổ bởi những người chơi nó, còn thì bị không ít công chúng ghét vì sợ. Với những tính năng của mình, drone có thể bị lợi dụng để xâm phạm tự do cá nhân và cuộc sống riêng tư của người ta. Chỉ cần gắn lên drone một camera tí hon là kẻ xấu có thể dùng nó để rình mò, ghi hình lén lút người khác, cho dù họ có ở trong phòng, trong nhà hay trong sân vườn. Với nỗi ám ảnh mang tên drone, chẳng ai còn dám mở toang cửa sổ dù trên tầng cao.

Ở Mỹ có những người chuyên đi săn hạ drone. Thậm chí có những hãng đã chế ra những thiết bị có thể phát hiện drone từ xa và có cả những loại súng shotgun cải tiến để chuyên bắn hạ drone. Theo định nghĩa của FAA, drone là một loại máy bay dân dụng (civil aircraft). Vì thế chiếu theo luật, bắn hạ một chiếc drone đồng nghĩa với hạ một máy bay dân dụng, bị coi là một trọng tội cấp liên bang với mức án lên tới 20 năm tù. Nhưng thiếu gì cách để lách luật. Trên trang online của mình ngày 6-8-2015, tạp chí kỹ thuật nổi tiếng Popular Mechanics đã bày cho bạn đọc những chiêu thức để có thể hạ gục những chiếc drone thấy bắt ghét mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rõ ràng, drone là một thiết bị công nghệ cao được sử dụng có điều kiện. Và ngay cả ở Mỹ, nó cũng là một thiết bị được nhà chức trách quản lý chặt chẽ, chỉ có điều không phải quản lý trên từng thiết bị mà là quản lý việc sử dụng nó. Luật pháp Mỹ chưa cho phép sử dụng drone trong các hoạt động thương mại. Mỹ chỉ mới cho phép một số doanh nghiệp có đăng ký được sử dụng drone chủ yếu trong việc quay phim, chụp ảnh trên cao để làm phim, thực hiện quảng cáo. Còn chuyện chơi drone như một thú vui thì người ta cứ việc thoải mái, miễn là tuân thủ các quy định của nhà chức trách, đừng làm chuyện phạm pháp hay bị người khác thưa kiện.

Ngay ở Việt Nam, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP và sau đó tới năm 2011 bổ sung thêm Nghị định số 79/2011/NĐ-CP về việc quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Drone chính là một đối tượng nằm trong vùng phủ sóng của hai nghị định này. Theo đó, tất cả các loại drone muốn được sử dụng đều phải được nhà chức trách kiểm định theo quy chuẩn và cấp phép cho từng lần bay. Hiện nay, chỉ có Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) là cơ quan duy nhất có quyền cấp phép đối với máy bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ. Và theo quy định, người dùng phải lập thủ tục xin phép 14 ngày trước thời điểm muốn bay. Còn nếu muốn bay drone với mục đích tiêu khiển, người ta phải chơi tại những khu vực riêng đã được quy định và do các câu lạc bộ hàng không quản lý – tương tự như chơi máy bay mô hình.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Lê Bình, một người đam mê và có nhiều kinh nghiệm chơi drone, cho biết hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị bay điều khiển từ xa, từ loại đồ chơi trẻ em giá một vài trăm ngàn đồng tới đồ chơi người lớn giá nhiều triệu đồng. Vì thế, nhà chức trách phải quy định rõ loại nào phải chịu sự quản lý. Và với kinh nghiệm của mình, anh cho rằng cái cần nhất là quản lý tần số vô tuyến của thiết bị điều khiển drone để tránh gây nhiễu tần số. Ngoài ra cũng chỉ nên cấm bay drone ở chung quanh những khu vực đặc biệt. Anh cho biết, những chiếc drone do các hãng nghiêm túc sản xuất thường có nạp sẵn bản đồ bay dựa trên Google Maps, trên đó có sẵn những khu vực cấm bay ở từng địa phương. Drone sẽ không thể nào khởi động được nếu như ở trong vùng cấm bay. Đơn cử như ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vùng cấm bay trên Google Maps rất rộng. Chỉ có điều, các chiếc drone do người ta “độ” (mua linh kiện về lắp ráp) hay của các nhà sản xuất không có tên tuổi (số này thì vô thiên lủng) không có được các tính năng an toàn như vậy.

Cả hai nghị định của Chính phủ ra đời cách đây cũng đã từ 4 năm trở lên. Vào thời điểm đó, drone chủ yếu là loại thiết bị bay của quân đội Mỹ. Còn bây giờ, từ khái niệm cho tới thiết bị về drone đã thay đổi hoàn toàn. Vì thế Chính phủ sẽ phải cập nhật quy định quản lý của mình. Bất luận thế nào, drone vẫn là một loại thiết bị hay đồ chơi công nghệ cao chỉ dành cho một số ít người. Việc nhà chức trách quản lý loại thiết bị đặc biệt này là cần thiết, nhưng phải hợp tình, hợp lý và hợp thời. Công bằng mà nói, drone chỉ đem lại niềm vui cho một thiểu số người, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ cho cả cộng đồng. Chỉ nên quản lý về chất lượng, xuất xứ của thiết bị và hành vi sử dụng nó. Drone chỉ là một thiết bị, vì thế chính người sử dụng nó phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm các luật lệ. Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Cái quan trọng nhất là người thích chơi vẫn có thể được chơi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Denver 23-8-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo Người Lao Động và báo điện tử Người Lao Động Online