Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Vào tuần Tam nhật Phục sinh

 

Hôm nay, thứ Năm 24-3-2016, gần 1,3 tỷ tín hữu thuộc Giáo hôi Công giáo Roma (Roman Catholic Church) trên toàn thế giới bắt đầu bước vào tuần Tam nhật Phục sinh 2016. Và mùa Phục sinh (Easter season) đã chính thức bắt đầu với Lễ Lá (Palm Mass) vào ngày Chủ nhật trước đó (20-3-2016).

160320-pope-francis-palm-mass-st-peter-square

Đức Giáo hoàng Francis (Phanxicô) đã bắt đầu mùa Phục sinh 2-016 bằng việc chủ tế Lễ Lá tại Quảng trường St. Peter’ Square (Thánh Phêrô) ngày Chủ nhật 20-3-2016. (Nguồn ảnh: REUTERS/Internet.)

Buổi sáng thứ Năm Tuần Thánh (Maundy), Đức Giáo hoàng Francis tại Vatican và các giáo phận trên toàn cầu làm phép dầu thánh. Buổi chiều tối là lễ Tiệc ly (Last Supper) hay còn gọi là lễ Rửa chân, tái dựng lại việc Chúa Jesus dự tiệc chia tay với các môn đệ của mình và trong đó có nghi thức Ngài tự tay rửa chân cho các môn đệ.

Ngày thứ Sáu là ngày Chúa Jesus chịu tử nạn và được thể hiện lại với nghi thức hôn chân Ngài (pho tượng Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thánh giá).

Ngày thứ Bảy là lễ Vọng Phục sinh mà buổi tối mới chính là lễ long trọng nhất của mùa Phục sinh. Đó là lễ mừng Chúa Jesus sống lại với nghi thức làm phép lửa (nến Thánh) và nước (nước Thánh).

Ngày Chủ nhật là chính lễ Phục sinh.

cheap-easter-chocolate-melbourne-1_resize

Những quả trứng Phục sinh (Easter Egg), một món truyền thống không thể vắng bóng trong mùa Phục sinh. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Phục sinh là lễ quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo – giáo hội lớn nhất trong cộng đồng Thiên Chúa giáo (Christian church hay Christianity, tên gọi chung các đạo thờ Thiên Chúa) với hơn 2,4 tỷ tín đồ, là tôn giáo lớn nhất thế giới (thứ nhì là Hồi giáo với khoảng 1,6 tỷ tín đồ).

Có thể nói nền tảng của Công giáo đặt trên tín lý (the cornerstone of the faith) Chúa Cứu thế Phục sinh. Chúa Giáng sinh là một sự kiện lớn, nhưng đó là chuyện hiển nhiên mà các tín đồ chào mừng. Trong khi đó, sự kiện Chúa Phục sinh đòi hỏi một lòng tin tuyệt đối của tín đồ. Chúa Jesus đã chịu chết để chuộc tội cho loài người, bắt đầu từ tội Tổ tông do Bà Tổ Eve cả tin nghe lời dụ dỗ của rắn quỷ và Ông Tổ Adam nhất nhất nghe lời vợ mà gây ra, kéo dài cho tới các tội lỗi mà con người vấp phạm sau đó. Với huyền tích (người Công giáo gọi là mầu nhiệm) Chúa Jesus sống lại, loài người cũng đã được tái sinh, trở thành một con người mới, bắt đầu tự chịu trách nhiệm về các việc mình sắp làm từ đây và không bị truy cứu các tiền án tiền sự trước đó. Vì thế, trong đêm Vọng Phục sinh với nước Thánh và nến Thánh, các tín hữu Công giáo sẽ tiến hành nghi thức lặp lại các lời thề nguyện và đức tin của mình khi mới trở thành tín hữu qua phép Rửa tội.

Chỉ với huyền tích Phục sinh, Chúa Jesus nói riêng và Thiên Chúa Ba Ngôi nói chung mới hoàn tất được chương trình cứu rỗi loài người, và sứ mạng Giáng trần của Chúa Con mới thật sự có ý nghĩa.

Vì thế, người Kitô hữu vẫn thường mở đầu những nghi thức tôn giáo của mình với lời xác tín: “Trong niềm tin Chúa Phục sinh…”

Và các nhà minh triết từ cổ chí kim, từ đông sang tây luôn khuyến cáo mọi người tránh tranh luận về hai vấn đề: chính trị và tôn giáo, vì chắc chắn là không có hồi kết. Thế giới đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh máu đổ thịt rơi chỉ vì bất đồng chính kiến và xung đột tôn giáo. Dù bạn có thích hay không thích, Chúa Phục sinh vẫn là một tín lý của 2,4 tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo (chiếm khoảng 33% tổng dân số thế giới). Và lễ Phục sinh là một sự kiện, một lễ hội lớn của rất đông người dân toàn cầu, bất luận thuộc tôn giáo nào.

Happy Easter!

PHẠM HỒNG PHƯỚC