Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Microsoft từ bao cấp chuyển sang đổi mới

160420-microsoft redmond international underground tour-09

Ảnh: Microsoft.

 

Mở đầu cho chuyến Microsoft Redmond International Underground Tour 2016 tại Thánh địa Microsoft ở Redmond (bang Washington, Hoa Kỳ) ngày 20-4-2016 là buổi chia sẻ của ông Tim O’Brien, Tổng giám đốc Truyền thông toàn cầu của Microsoft. Ông muốn giúp các nhà báo công nghệ của 10 nước trên thế giới tham dự sự kiện này có được một sự hiểu biết, không phải chỉ là một cái nhìn, sâu và rộng hơn về sứ mạng và những khát vọng của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mà đã gắn tên tuổi mình với hệ điều hành máy tính Windows. Chính trên cơ sở hiểu biết này mà giới truyền thông có thể tiếp nhận tốt hơn các nội dung mà các diễn giả của Microsoft sẽ trình bày trong cả sự kiện truyền thông diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-4-2016 này. O’Brien nói rằng mọi điều các nhà báo nhìn thấy và nghe được trong tour này đều có liên quan tới sứ mạng, tầm nhìn thế giới, chiến lược của Microsoft, cũng như cách mà mọi người nghĩ về những thay đổi đang diễn ra tại tổng hành dinh của Microsoft.

160420-microsoft redmond international underground tour-12

Ông Tim O’Brien, Tổng giám đốc Truyền thông toàn cầu của Microsoft. (Ảnh: Microsoft)

SỨ MẠNG CHỨ KHÔNG PHẢI MỤC TIÊU

Microsoft đã tự đề ra cho mình một sứ mạng mà thoạt nghe qua, người ta thấy rất đơn giản. Đó là tạo điều kiện cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh này có thể làm nhiều hơn nữa. Microsoft nói rõ hơn: cái sứ mạng đó không phải là một mục tiêu, vì mục tiêu là một cái mốc có ngày kết thúc và điểm đạt được, còn sứ mạng là một sự xuyên suốt, dài lâu.  Trước đây, Microsot từng có một sứ mạng là “đặt một chiếc máy tính lên mọi chiếc bàn trong mỗi ngôi nhà” (putting a computer on every desk in every home), nhưng họ nhận ra sứ mạng đó trông giống một mục tiêu hơn, vì khi điều đó đạt được là sứ mạng kết thúc. Đó là lý do mà sếp Satya Nadella thường nói rằng mệnh lệnh kinh doanh đầu tiên của ông trong vai trò CEO của Microsoft là “tái khám phá linh hồn của Microsoft” để có một sứ mạng mới. Ông nhận ra rằng Microsoft cần có một ý tưởng rõ ràng về cái điều làm nên một công ty mà họ mong muốn – tìm ra một ngôi sao Bắc đẩu của mình để dùng nó làm bộ lọc giúp dẫn đường cho họ biết phân biệt cái gì nên làm hay không nên làm.

160420-microsoft redmond international underground tour-13

Ảnh: Microsoft

Nhưng cụ thể hơn thì sứ mạng mới của Microsoft như thế nào?

– Microsoft dùng chữ “empowerment” để nói về cái cách mà họ tiếp cận với người dùng của mình. Chữ này có nghĩa là trao quyền cho ai đó hành động hay truyền sự tự tin cho ai đó. Microsoft sẽ giúp mọi người và mọi tổ chức đạt được những điều mới bằng các công cụ mới do Microsoft phát triển.

– Microsoft cho rằng con người và tổ chức có một mối quan hệ độc nhất. Và ở đây, Microsoft có một cơ hội hay thế mạnh độc nhất. Ở thị trường người tiêu dùng (consumer), cá nhân là khách hàng (customer). Ở doanh nghiệp, cá nhân là quan trọng, nhưng cho các nguyên nhân khác nhau – người ta đang làm mọi công việc, nhưng họ cũng có những mơ ước về những điều công nghệ có thể làm cho họ bên ngoài văn phòng. Với xu hướng giúp cho người ta có thể sử dụng chính các thiết bị cá nhân của mình cho công việc của họ ở văn phòng hay ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu, công nghệ đang ngày càng dễ tiếp cận hơn. Chính yếu tố “giá rẻ” giúp cho công nghệ có thể được tiếp cận rộng rãi hơn và có thể đáp ứng những mong muốn mà người ta đang cần hay đang muốn.

160420-microsoft redmond international underground tour-11

Ảnh: Microsoft

TẦM NHÌN THẾ GIỚI: DI ĐỘNG ĐẦU TIÊN, ĐÁM MÂY ĐẦU TIÊN

Thế giới hiện nay đang ở một giai đoạn mới của kỷ nguyên Internet là mọi vật đều có thể và được kết nối với nhau trên nền tảng Internet cho vạn vật (Internet of Things, IoT). Và công nghệ đã chuyển từ cáp, cố định và tại chỗ sang di động và đám mây. Đó là lý do Microsoft chọn hướng tiếp cận để thực hiện sứ mạng của mình là “di động đầu tiên, đám mây đầu tiên” (mobile first, cloud first).

Tổng giám đốc Truyền thông toàn cầu của Microsoft, ông Tim O’Brien, nói rằng: Đây thật ra không phải là chiến lược của Microsoft đâu, mà đó là thế giới mà mọi người đang sống. Thậm chí ông nói vui: nếu ngày mai mà Microsoft đột nhiên biến mất tiêu, mọi người vẫn cứ sống trong trong một thế giới di động đầu tiên, đám mây đầu tiên.

Các công ty công nghệ có khuynh hướng nhìn vào bên trong (look inward), tức phát triển những công nghệ hấp dẫn và hy vọng chúng sẽ giải quyết được những vấn đề nào đó. Microsoft có cái nhìn khác, đó là nhìn ra bên ngoài (look outward), tức nhìn vào các vấn đề mà họ đang giải quyết. Nói cách nào đó, xuất phát từ nhu cầu và các vấn đề thực tế mà Microsoft tìm ra những giải pháp để giải quyết chúng một cách tối ưu.

160420-microsoft redmond international underground tour-10

Ảnh: Microsoft

CÁI NHÌN CỦA MICROSOFT VỀ DI ĐỘNG VÀ ĐÁM MÂY

Microsoft quan niệm rằng di động không phải là vấn đề của thiết bị. Nó là sự di động của con người và các trải nghiệm. Thực tế là các thiết bị không tự thân di động. Tính di động ở đây có bản chất là sự di chuyển của con người và những nhu cầu làm việc trong điều kiện di động. Vì thế, một thiết bị di động (như chiếc smartphone) hay các thiết bị riêng lẻ không phải là trung tâm vũ trụ. Chúng chỉ có giá trị thật sự, và đó cũng chính là chức năng của chúng, khi phục vụ con người đang di động.

Về đám mây cũng có một ý tưởng tương tự. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa thiết bị (multi-device). Vậy thì điều gì giúp các thiết bị này kết nối lại với nhau? Đó chính là điện toán đám mây (cloud computing). Và chúng ta có ý tưởng rằng các thiết đặt dữ liệu và các cá nhân hóa sẽ sống trên đám mây để mình có thể truy xuất bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu có kết nối Internet.

Bây giờ, sức mạnh điện toán không còn bị gò bó vào năng lực của các máy chủ mà nó được rộng mở với các khả năng vô tận. Chúng ta từng sống trong cái thời mà software luôn phải chờ hardware để phát triển. Bây giờ, mọi chuyện đã khác. Bầu trời chỉ còn bị giới hạn bởi năng lực của chính chúng ta chứ không phải tùy sức mạnh của điện toán.

160420-microsoft redmond international underground tour-07

Ảnh: PHP

CHIẾN LƯỢC MICROSOFT VỚI NHỮNG THAM VỌNG MẠNH MẼ

Với Microsoft, chiến lược cũng không phải là mục tiêu. Chiến lược luôn thay đổi và tiến hóa khi công nghệ ngày càng phức tạp hơn. Và chiến lược hướng tới việc giúp người ta làm chủ công nghệ và sử dụng nó một cách dễ dàng hơn.

160420-microsoft redmond international underground tour-02

Ảnh: PHP

1. Tái sáng tạo lại hoạt động sản xuất và tiến trình kinh doanh giúp người ta tận dụng tối ưu thời gian của mình.

160420-microsoft redmond international underground tour-03

Ảnh: PHP

Microsoft trong suốt lịch sử của mình đã tạo được sự khác biệt lớn trong hoạt động sản xuất và nền tảng. Họ được biết đến với ảnh hưởng tích cực trong ngành công nghệ thông tin về sức mạnh phần mềm điều khiển hoạt động sản xuất. Hiện nay, tất cả các nghề nghiệp và các ngành công nghệ đang ngày càng nhấn mạnh hơn đến việc làm việc tập thể (teamwork). Vì thế, Microsoft tập trung vào việc hiệu chỉnh các công cụ như Office, liên lạc bằng giọng nói,… cho thích nghi với các môi trường làm việc tập thể.

Dữ liệu hiện có giá trị như một loại tiền tệ trong công nghệ. Có những khả năng mới cho các vai trò hình thành nội dung. Người ta đang tìm kiếm cách để quản lý nội dung và giá trị cộng thêm. Các nhu cầu này bắc cầu nối giữa con người và tổ chức. Điều này không phải nói về việc giúp bạn làm việc nhiều hơn mà là về việc cho bạn khả năng có thể thu nhận nhiều hơn trong công việc của mình, khai thác tối đa nguồn lực thời gian vốn khan hiếm đối với nhiều người.

2. Xây dựng nền tảng đám mây thông minh – giải quyết vấn đề không gian lưu trữ bằng cách cho người dùng có thể di chuyển từ thiết bị này tới thiết bị khác.

160420-microsoft redmond international underground tour-04

Ảnh: PHP

Có nghĩa là dữ liệu không chỉ nằm trên đám mây một cách thụ động và chỉ có thể được truy xuất làm việc từ cùng một thiết bị, giờ đây nó có thể làm việc tiếp nối từ thiết bị này tới thiết bị khác, chỉ cần các thiết bị đó được kết nối với đám mây và có cùng một tài khoản. Thí dụ, bạn đang soạn thảo một văn bản bằng máy tính để bàn, và sau đó vẫn có thể dễ dàng làm tiếp công việc của mình bằng tablet hay smartphone. Cũng như không chỉ có mình bạn mà các đồng nghiệp chung nhóm, chung dự án có thể cùng làm việc trên cùng một văn bản cùng một lúc với nhau.

Cách đây khoảng một năm, Microsoft đã đi đầu trong ngành công nghệ khi nói về sự thông minh chung quanh (ambient intelligence) như là một điều to lớn sắp tới. Bạn cần có những thuật toán mô tả hành vi, dữ liệu để huấn luyện và các hệ thống sẽ trích xuất dữ liệu và chuyển nó tới mọi người. Kết quả này sẽ cho bạn sức mạnh xử lý để đưa ra các quyết định thông minh hơn. Có thể nói rằng không có vai trò nào mà lại không được hưởng lợi từ điều này. Các trợ lý cá nhân giúp bạn nhớ để hoàn tất một công việc, các cảm biến tự động dự báo những sai lỗi trước khi chúng xảy ra,…

Tại hội nghị các nhà phát triển Microsoft Build 2016 diễn ra ở San Francisco (California) hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2016, Microsoft đã cho thấy họ hào hứng như thế nào trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI, artificial intelligence). Đó là những người máy phần mềm (bot) tương tác có tính năng học từ người sử dụng (machine learning), phân tích theo dự đoán (predictive analytics). Cụ thể là nàng trợ lý cá nhân ảo Cortana chào đời hồi tháng 4-2012 trong hệ điều hành Windows Phone 8.1 và nay có mặt trên tất cả các phiên bản Windows 10 ngày càng trở nên thông minh hơn.  

Đối với Microsoft, đây là một “đại sự” kế tiếp, một biên giới mới. Microsoft ý thức được các đối thủ cạnh tranh của mình trong lĩnh vực AI này cũng đang tăng tốc với những trợ lý ảo tương tự như Siri của Apple, Google Now của Google,… Vì thế, dựa vào đội ngũ các nhà phát triển hùng hậu của mình và thế mạnh của một nhà phát triển hệ điều hành, Microsoft đang đầu tư mạnh mẽ nhằm phát triển và ứng dụng AI. Và họ đã có một cách tiếp cận siêu quy mô (hyper scale) và lai (hybrid) với điện toán đám mây, đưa AI lên mây với các dịch vụ của mình (như Translator, Bing,…)

3. Hình thành điện toán cá nhân thêm nữa để giải quyết vấn đề của sự phức tạp.

160420-microsoft redmond international underground tour-05

Ảnh: PHP

Công nghệ đang ngày càng phức tạp hơn với nhiều thiết bị hơn, với các thiết bị khác nhau và với tiềm năng về những điều mà các thiết bị này có thể làm.

Có một thực tế là còn quá nhiều khả năng vẫn chưa được phát hiện trong công nghệ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Chẳng hạn như khách hàng mới chỉ sử dụng khoảng 10% các tính năng của bộ Microsoft Office. Vì thế, Microsoft nói là họ có trách nhiệm phải làm sao cho những người dùng có thể dễ dàng phát hiện và khai thác các khả năng còn tiềm tàng này. Và Microsoft cho rằng điểm dễ nhất để bắt đầu là cách người ta tương tác với công nghệ. Người dùng điện toán đang ngày càng rời khỏi bàn phím và con chuột để tiến lên một bước phát triển mới là điều khiển và tương tác với thiết bị và dịch vụ bằng cái nhìn (Windows Hello), cử chỉ (Xbox Kinect), giọng nói (Microsoft translator),…. Microsoft đang tích cực làm việc để các bot có thể học hỏi ngay trong thời gian thực. Nhờ vậy các dịch vụ sẽ ngày càng thông minh hơn và hoàn thiện hơn trong quá trình tương tác với người dùng.

Microsoft nhấn mạnh rằng trong công nghệ ngày nay, sự tin cậy (trust) phải là một thuộc tính (attribute) cần thiết. Ở cả điện toán cá nhân lẫn đám mây thông minh, người ta phải trả lời cho những câu hỏi: Người khác đang làm gì với dữ liệu của tôi? Doanh nghiệp quan tâm điều gì? Và ở đây cần có sự minh bạch, trong suốt.

Khi phát hành Windows 10, Microsoft đã giới thiệu ý tưởng mới: Windows không chỉ là hệ điều hành mà là một dịch vụ sẽ liên tục phát triển để cung cấp cho người dùng những tính năng và những khả năng mới. Và khi là một dịch vụ, hai yếu tố dữ liệu và sự tin cậy càng có ý nghĩa quyết định hơn. Ai cũng biết rằng có những quan điểm khác nhau về dữ liệu và sự tin cậy ở các vùng miền khác nhau trên thế giới này. Vì thế, là một công ty toàn cầu, Microsoft phải thích ứng với các luật lệ khác nhau đó và họ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược như thế. Các sản phẩm và dịch vụ của Microsoft sẽ không ở trong thế cố định mà linh hoạt cho thích nghi với những người dùng trong các môi trường và văn hóa khác nhau.     

Trong khi đó, văn hóa cũng đã thay đổi nhiều trong những năm vừa qua. Tư duy phát triển (growth mindset) chính là điểm nương tựa của sự thay đổi đó. Chúng ta có thể tham khảo cuốn sách Mindset (Tư duy) của nhà nghiên cứu tâm lý Carol Dweck về cách mà người ta tiếp cận những sự tương tác với những người khác. Những người có tư duy cố định (fixed mindset) sẽ tiếp cận với người khác với sự suy đoán kiến thức, mục tiêu của cuộc trao đổi là để thuyết phục những người mà họ biết hơn những người khác, không có có sự rộng mở để chịu hiểu biết vị trí của người khác. Chính cái dạng tư duy này đã định nghĩa văn hóa của Microsoft suốt nhiều năm trước đây, và do đó có một sự cấp bách và sức ép để chuyển động nhanh.

160420-microsoft redmond international underground tour-06

Ảnh: PHP

Còn những người có tư duy phát triển thì ít tỏ ra hiểu biết mà luôn tìm cách học hỏi nhiều hơn. Tác giả Dweck biện luận rằng: nếu bạn chuyển từ ý nghĩ mình biết mọi thứ sang muốn học mọi thứ, nó sẽ mở mang đầu óc của bạn để cổ vũ cho các mối quan hệ làm việc tập thể và có hiệu năng hơn, và nhờ thế mà phát triển cá nhân mình.

CEO Satya và êkíp lãnh đạo cao cấp của Microsoft hiện nay tâm đắc với ý tưởng này và dùng nó như một đòn bẩy văn hóa để chuyển Microsoft từ chỗ biết tuốt tuồn tuột (know-it-all) thành học tất tần tật (learn-it-all). Tất cả các thành viên Microsoft đều được khuyến khích tìm hiểu vì sao một người khác không đồng tình với mình, và cố gắng để hiểu biết quan điểm của người đó. Không có sự đóng kín ở đây. Sự thay đổi này hiện đã phát huy tác dụng bởi vì ngay từ trên cấp cao nhất trở xuống cũng thể hiện cách nghĩ, cách làm mới. Cụ thể là sếp Satya luôn có một phong cách quản lý tiếp nhận mọi ý tưởng, ý kiến của tập thể.

160420-microsoft redmond international underground tour-01

Ảnh: PHP

Cũng vì thế mà Microsoft đã thay đổi thái độ và quan điểm của mình về Linux và mã nguồn mở. Ông Tim O’Brien nói rằng chuyện này từng rất ư là tiêu cực. Các công ty lớn thích được nói với cộng đồng mã nguồn mở rằng các bạn sai lầm rồi, tạo ra một kẽ nứt ngày càng sâu và lớn giữa các công ty phần mềm thương mại (mã nguồn đóng) và cộng đồng mã nguồn mở. Bây giờ, Microsoft đã thay đổi ngoạn mục. Microsoft chủ động tiếp cận và cố gắng hiểu biết hơn về cộng đồng đó, ân cần hỏi cớ sao họ yêu thích những gì họ đang xài và liệu Microsoft có thể hỗ trợ gì cho họ. Đó là nhờ văn hóa Microsoft đã thay đổi từ khi sếp Satya, một nhà điều hành doanh nghiệp người Mỹ gốc Ấn, vào tháng 2-2014 lên thay thế cho “đại công thần” Steve Ballmer – người đã ngồi ghế CEO của Microsoft suốt 14 năm (2000-2014). Trước kia, Microsoft thường có nhiều nhóm phát triển sản phẩm cùng làm việc chung một đội, và như thế thì khi họ cạnh tranh lẫn nhau sẽ nảy sinh sự mất mát về sản xuất và gây ra những cảm giác tệ. Sếp tổng Satya không cho phép làm theo kiểu đó nữa.

Nói nôm na mà liên tưởng tới Việt Nam. Microsoft trước đây giống như thời bao cấp, cung cấp những gì mà họ có, ai xài được gì là chuyện của người dùng. Còn ngày nay, Microsoft đang ở trong thời kỳ đổi mới, cung cấp những gì mà người dùng cần và làm mọi cách để người dùng có thể trải nghiệm tối đa các sản phẩm và dịch vụ của Microsoft. Ông nhấn mạnh tới cung cách làm việc dựa trên sự thành công của những người khác, cổ vũ cho việc đối tác về kỹ thuật. Nói nôm na là “đôi bạn cùng tiến” để phục vụ tốt hơn cho sứ mạng của Microsoft và sớm biến thành hiện thực các khát vọng của Microsoft.

160420-microsoft redmond international underground tour-08

Tác giả PHP (bìa trái) và các đồng nghiệp trong chuyến Microsoft Redmond International Underground Tour 2016 ngày 20-4-2016. (Ảnh: Microsoft)

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Viết từ trụ sở Microsoft ở Redmond, WA, Hoa Kỳ)