Thứ Tư ngày 27 tháng 11 năm 2024

Những đối tượng bỗng dưng bị “quản chế” thời công nghệ

online-watching

 

Bộ luật Hình sự năm 2015 ở Điều 32 và Điều 43 có quy định hình phạt bổ sung là “quản chế” sau khi chấp hành xong án phạt tù. Cái từ “quản chế” này từng có thời là nỗi ám ảnh của nhiều người, khiến không ít người phải lên bờ xuống ruộng, ta là mình mà không phải là ta. Người bị áp dụng chế độ này phải chịu sự giám sát thường xuyên của nhà chức trách.

Ở Mỹ, những tù nhân được tạm tha (parole) hay phải chịu sự giám sát còn phải đeo loại còng điện tử có chức năng báo động khi ra khỏi phạm vi quản lý của nhà chức trách.

Tất nhiên, chịu những hình thức xử lý pháp luật như quản chế, tạm tha, giám sát,… như vậy là những kẻ phạm pháp hay nằm trong “danh sách đen” của các cơ quan an ninh.

Và xin thông báo cho bạn hai tin trái ngược nhau. Tin vui là số người có liên can tới luật pháp chịu sự giám sát của cơ quan chức năng chỉ là số rất ít trong cộng đồng. Tin buồn, thậm chí rất buồn, trong thực tế cuộc sống xã hội ngày nay, hầu như mọi người đều là những đối tượng bỗng dưng bị quản chế trong thời công nghệ. Lâu nay người ta bị giám sát từ xa 24/7 mọi lúc mọi nơi. Chỉ có điều, bạn bị các nhà chức trách giám sát thì ít (như với hệ thống camera an ninh công cộng hay giao thông), mà chủ yếu là bởi chính các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ của bạn. Trớ trêu thay, chính bạn phải trả tiền thuê thiên hạ giám sát chính bạn.

Phổ biến nhất là tính năng định vị toàn cầu GPS mà ngày nay đã được tích hợp vào đủ thứ thiết bị điện tử. Nó không chỉ có ở các thiết bị chỉ đường hay trong các phương tiện giao thông như mục đích ra đời nguyên thủy của nó, mà còn có trong các thiết bị di động, thiết bị thông minh, cả máy ảnh số, rồi đang có mặt trên các thiết bị đeo thông minh wearables và các đồ vật, thiết bị của nền tảng Internet của vạn vật (IoT). Thậm chí, cho dù nguyên bản không có, nhưng có nhiều thiết bị đã được chủ nhân gắn thêm chip GPS để giúp mình ở từ xa có thể giám sát và phòng chống bị trộm cắp. Các chuyên gia dự báo vào năm 2020 thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể IoT.

Có thể nói rằng, ngày nay nhất cử nhất động của bạn đang nằm trong tầm ngắm và ánh mắt của ai đó. Ở trong nhà và nơi làm việc, những chiếc camera an ninh và giám sát đang ngó bạn không chớp mắt. Ra khỏi nhà, bạn nằm trong tầm quan sát của các hệ thống camera giao thông. Những nơi công cộng cũng đang được trang bị các hệ thống camera. Ngay ở Việt Nam, các hệ thống camera an ninh và giao thông đang ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. Các thành phố như HCM, Đà Nẵng,… đang triển khai những dự án trang bị hệ thống camera an ninh khắp các các hang cùng ngõ hẻm.

Công nghệ camera giám sát ban đầu là truyền hình mạch kín CCTV (closed-circuit television) gồm các camera giám sát truyền hình ảnh về trung tâm hay màn hình giám sát. Nó đã được hãng Siemens AG triển khai đầu tiên ở Đức từ hồi năm 1942. Ngày nay, các hệ thống này chuyển sang kết nối không dây và dựa trên nền tảng Internet cho phép truyền hình ảnh đi khắp thế giới trong thời gian thực.

Cho tới nay ở Anh, các hệ thống CCTV đã bao phủ hầu hết các trung tâm thành thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, tòa nhà,… Theo CCTV User Group, ước tính hiện có khoảng 1,5 triệu camera giám sát của chính quyền và tư nhân đã được lắp đặt ở những nơi đó. Chỉ nội ở khu vực trường học tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) đã có hơn 30.000 camera giám sát. Kết quả tổng hợp 44 cuộc khảo sát ở Anh và ở Mỹ cho thấy hệ thống camera an ninh công cộng đã giúp kéo giảm đáng kể tình trạng tội phạm, cũng như là một trong những công cụ trợ giúp hữu hiệu cho các nhà điều tra phá án.

Tôi nói bâng quơ thôi, xui trúng ai nấy chịu. Bạn có nghĩ bữa mình chở “phở” đi ăn cơm bị lọt vô hệ thống camera giao thông không? Vì lý do an ninh, ngày càng nhiều khách sạn có gắn camera ở cầu thang, thang máy, hành lang,….

Trong thời đại công nghệ cao này, bạn đi tới đâu, làm những gì hầu như đều lưu lại những “dấu chân” (footprint). Chẳng cần bạn phải “sống ảo” với cái thao tác thời đại là “check-in” mỗi khi tới nơi nào đó thì thiên hạ mới biết đâu. Nếu xem những bộ phim hình sự hay những series phim truyền hình điều tra tội phạm, hình sự trên các kênh AXN, HBO, Star Movies,… bạn sẽ hiểu rõ hơn mình có thể đang bị giám sát như thế nào.

Ngày nay, camera được tích hợp trên tất cả các smartphone, các thiết bị di động khác như tablet và laptop, những thiết bị đeo thông minh, smart TV,… để ai cũng có thể trở thành những tay chụp ảnh lén paparazzi và khiến bạn lúc nào cũng có nguy cơ đang là “diễn viên” trước một ống kính nào đó. Những món đồ trang sức như nhẫn, đồng hồ, bông tai, mặt dây chuyền, vòng đeo tay, trâm cài đầu,… thậm chí đồ chơi trẻ em cũng có thể được gắn camera và chíp GPS. Những lời bạn nói ra tất nhiên cũng có thể bị ghi âm bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Hầu hết smartphone được tích hợp sẵn tính năng ghi âm các cuộc gọi điện thoại đó nghen. Chớ có “hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều”.

Với mục đích hợp tình hợp lý để có thể hỗ trợ và chăm sóc người dùng, khách hàng tốt hơn, các nhà sản xuất thiết bị và các nhà cung cấp dịch vụ đều tự động kết nối từ thiết bị của bạn tới các hệ thống máy chủ của họ. Có những nơi còn lịch sự hỏi han, cho bạn tùy chọn có cho họ kết nối hay không; nhưng có vẻ chuyện này ngày càng trở nên mặc định – đã nhấn nút đồng ý mua và sử dụng thiết bị và dịch vụ là bạn coi như mặc định đã chịu cho người ta giám sát. Kể từ đó, bạn làm gì, ở đâu, người ta cũng đều biết.

Chẳng phải là rung cây nhát khỉ đâu. Thiết bị của bạn truy cập vào các trang web nào trên Internet cũng đều được ghi lại trong hệ thống tại chỗ (thiết bị, mạng LAN) cũng như ở các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Nội dung các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn cũng đều được nhà mạng ghi lại. Bạn an tâm, hệ thống chỉ tự động ghi lại để đó mà thôi, còn các nhà cung cấp dịch vụ không được phép truy xuất các nội dung đó, ngoại trừ nhà chức trách có thẩm quyền cần điều tra một vụ việc gì cụ thể, và sau một thời gian quy định thì nội dung ghi lại sẽ được tự động xóa.

Ngay cả các phần mềm ứng dụng cho máy tính và thiết bị di động cũng yêu cầu bạn cho phép chúng “giám sát” bạn. Thậm chí có nhiều ứng dụng sẽ không thèm chơi với bạn nếu như bạn không cho nó “kết nối” với bạn.

Do chưa thấy ai post nên tôi không rõ ở thế giới bên kia có các hệ thống giám sát như vậy không (nhưng có lẽ là có vì các loại hàng mã ngày nay bao gồm đủ loại thiết bị trên trần có gì, cõi kia có vậy). Còn thì hễ vẫn chấp nhận sống trên cõi đời trong thời công nghệ cao này, bạn phải mặc nhiên chấp nhận chịu sự giám sát.

Vậy thì có giải pháp nào “giảm nhẹ nguy tai” không?

– Điều kiện ắt có và đủ là bạn phải luôn ý thức rằng mình có thể đang bị giám sát.

– Và vì lẽ đó, bạn phải biết giữ gìn và ý tứ, tránh làm những điều gì khuất tất và khó coi. Cái lợi cho tất cả là bạn trở nên “người tốt đột xuất”.

– Chủ động tắt bớt các thiết bị, tắt các chức năng giám sát, loại bỏ bớt các ứng dụng không cần thiết,…

– Cầu viện các biện pháp pháp luật nếu như có ai đó sử dụng những nội dung ghi được về bạn để làm điều sai trái, có hại cho bạn.

Có lẽ cũng cần làm rõ thực tế này: cho dù bạn không sử dụng thiết bị hay dịch vụ nữa, bạn vẫn có thể là đối tượng bị giám sát bởi các hệ thống giám sát chung và bởi những ống kính mang hình viên đạn của ai đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Bạn có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TPHCM Chủ nhật 8-5-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160508-baibao-phapluattp-2_resize