Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Trung Quốc vung tiền “nhồi sọ” thế giới

 

Một người bạn có mặt trên Quảng trường Thời đại (Times Square) ở thành phố New York (Mỹ) hồi thượng tuần tháng 8-2016 cho biết Bắc Kinh đã sử dụng một bảng quảng cáo điện tử LED tại nơi tập trung rất đông khách từ khắp thế giới để chạy một video clip tuyên truyền đưa ra các chứng cứ của họ để chứng minh với thế giới về “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.

china-east-sea-newyork-00

Ảnh Facebook.

Tấm bảng quảng cáo này nằm ở một địa điểm đắc địa giữa Quảng trường Thời đại, trên mặt tòa tháp cao 1 Times Square (ngay giữa giao lộ Broadway và Seventh Avenue), ở vị trí cao vừa phải để người đi đường có thể dễ dàng xem. Bình thường, bảng quảng cáo này giới thiệu các sản phẩm của Trung Quốc, nhưng trong thời gian này, nó được chiếu xen vào video clip tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền Biển Đông” của Trung Quốc. Video clip dài hơn 3 phút này được dàn dựng công phụ và theo đúng phong cách quảng bá của người phương Tây được minh họa với các cảnh quay biển xanh, ngồn ngộn chứng cứ và thuyết minh bằng tiếng Anh cỡ lớn.

china-east-sea-newyork-02

Vị trí bảng quảng cáo của Trung Quốc tại Times Square.

china-east-sea-newyork-03b

Nội dung video clip tuyên truyền về “chủ quyền Biển Đông” của Trung Quốc tại Quảng trường Thời đại New York.

Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia, bình quân mỗi ngày có 330.000 người, phần nhiều là du khách, qua lại ở Quảng trường Thời đại. Vào những ngày nhộn nhịp, số người qua lại có thể hơn 460.000 người. Trang đầu tư Investopedia hồi tháng 2-2015 cho biết chi phí cho một bảng quảng cáo tại Quảng trường Thời đại từ 1,1 triệu tới 4 triệu USD/năm và có thể được hơn 150 triệu lượt xem mỗi năm. Theo trang Business Insider vị trí của tấm biển quảng cáo mà Trung Quốc mua có giá khoảng 3,6 triệu USD/năm (giá vào cuối năm 2012). Trung bình mỗi quảng cáo chỉ kéo dài chừng 30 giây. Ở đây, Bắc Kinh chơi luôn clip tuyên truyền Biển Đông dài gấp 6 lần.

times-square-ads-costs

Bất chấp chi phí quảng cáo trên báo in ở Mỹ cao ngất trời, Bắc Kinh vẫn thường xuyên thực hiện những quảng cáo chính trị trên những tờ báo lớn ở Mỹ. Hồi năm ngoái, trong một lần ở Mỹ, tôi đã được đọc nguyên một tệp (section riêng) quảng bá – tuyên truyền do Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc thực hiện dưới dạng một tờ phụ trương nhiều trang kẹp bên trong nhật báo The Washington Post. Vào năm 2010, giá một trang quảng cáo mặt lưng của The Washington Post là 28.900 USD/ngày vào ngày thường và 31.400 USD/ngày vào Chủ nhật. Cứ thế mà tính ra chi phí cho nguyên một phụ trương nhiều trang.

Ở khu vực California, tôi từng đọc được một tờ báo của người Hoa với nội dung rành rành là một công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh. Đây là một tờ báo tiếng Anh về hoạt động của cộng đồng người Hoa ở Mỹ và là phương tiện để bất cứ ai ở Mỹ cũng có thể tìm hiểu về Trung Quốc.

Những nhà nghiên cứu ở Mỹ đã nhiều lần báo động về việc Bắc Kinh thành lập những Viện Khổng Tử (Confucius Institute) ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Đây là một tổ chức giáo dục cộng đồng phi lợi nhuận của Bộ Giáo dục Trung Quốc nhằm quảng bá cho ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên thế giới. Bắt đầu từ năm 2004 với Viện Khổng Tử đầu tiên được mở tại Seoul (Hàn Quốc), tới năm 2014 đã có hơn 480 Viện Khổng Tử được mở tại hàng chục nước ở khắp các châu lục, và mục tiêu của Bắc Kinh là tới năm 2020 sẽ mở được 1.000 Viện Khổng Tử ở nước ngoài. Tất nhiên, không chỉ có Trung Quốc mới mở các cơ sở quảng bá ngôn ngữ và văn hóa nước mình ra thế giới. Đó là một cách làm có ích lợi cho nhiều phía. Vấn đề là với những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh đang làm trên thế giới, người ta không thể không hồ nghi rằng các cơ sở như Viện Khổng Tử được khai thác để truyền bá những tư tưởng chính trị có lợi cho Bắc Kinh. Xưa nay, Bắc Kinh nào có từ một chiêu trò nào mà không dám làm vì lợi ích cục bộ của mình.

Trên mạng truyền thông xã hội video YouTube, Trung Quốc đã đưa lên những video clip được dàn dựng hấp dẫn dưới dạng những bộ phim hoạt hình có phụ đề tiếng Anh để chứng minh Biển Đông là của Trung Quốc.

Mưa dầm thấm lâu. Chuyện không có cứ nghe riết sẽ thành chuyện có thật. Câu chuyện “Tăng Sâm giết người” trong sách Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc -Trần Lê Nhân xuất bản hồi năm 1926 tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông Tăng Sâm không hề giết người. Mẹ ông cũng tin con mình như vậy. nhưng sau khi nghe nhiều người cứ nói tới nói lui rằng “Tăng Sâm giết người”, cuối cùng người mẹ tin là như vậy. Huống chi từ ngàn xưa, Trung Hoa vốn nổi tiếng là sư tổ của tuyên truyền, biến không thành có, biến ảo thành thật.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Có thể đọc bài in trên báo Công An TP.HCM thứ Bảy 13-8-2016

160813-baibao-congantp_resize