Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Khi “ông lớn” công nghệ bị đuối nước công nghệ

 

  • Vào thời kỳ đầu của công nghệ đại chúng, Yahoo làm mê mẩn người dùng với dịch vụ e-mail miễn phí Yahoo Mail (1997), dịch vụ chat và tin nhắn tức thì Yahoo Messenger (1998). Thời đó, Yahoo Messenger là công cụ làm việc tập thể lý tưởng cho doanh nghiệp mới bắt đầu kết nối Internet, nhất là doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở khắp nơi; là phương tiện liên lạc “nghe và nhìn tức thì” của những người có bạn bè, người thân ở xa. Lẽ ra Yahoo đã trở thành một “tượng đài” của lịch sử dịch vụ Internet. Nhưng đáng tiếc thay, “ông lớn” công nghệ này đã sớm bộc lộ hàng loạt “gót chân Achilles” của mình, vừa hướng sai tầm nhìn, vừa không lấy “thần dân” làm trọng, nên bây giờ phải giống thân Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh mà tồn tại. Biết đâu chừng ông chủ mới Verizon Communications rồi sẽ bỏ luôn cái tên Yahoo vốn chẳng hên chút nào.

big-tech-graveyard-2_resize

Mặc dù “cái chết đã được báo trước” từ rất lâu, nhưng ngày 25-7-2016 khi nghe tin Yahoo đã phải bán mảng kinh doanh Internet cho công ty viễn thông Verizon Communications, cộng đồng toàn thế giới đã không tránh khỏi ngậm ngùi rồi băn khoăn chính họ phải “qué sera sera” (biết ra sao ngày mai). Bởi lẽ, quy mô ảnh hưởng của Yahoo quá rộng lớn, đặc biệt là với dịch vụ e-mail dựa trên web miễn phí Yahoo Mail lớn thứ ba thế giới, mà vào tháng 12-2012 đã có 281 triệu người dùng trên toàn cầu. Nhiều triệu người vẫn thường xuyên theo dõi tin tức khắp thế giới qua dịch vụ Yahoo News đã được bản địa hóa theo từng nước (trong đó dĩ nhiên có Việt Nam).

Có lẽ người ta vẫn có thể mừng vớt vát là dù sao Yahoo của Mỹ vẫn còn nằm trong tay người Mỹ. Mà Yahoo nào có đơn độc. Công ty công nghệ Internet này chỉ là cái tên mới nhất trong vô số công ty công nghệ lớn nhỏ đã chuốc thất bại, hoặc phá sản, hoặc phải bán mình cho người khác mà hên thì vẫn còn giữ lại được thương hiệu.

Nói gì thì nói, Yahoo chính là một “case study” mới nhất của chuỗi “sụp đổ” của những “ông lớn” hay “đế chế” công nghệ.

Từ điển bách khoa online Wikipedia mô tả cập nhật về Yahoo lúc này: Từng là website phổ dụng nhất ở Mỹ, Yahoo đã bắt đầu sa sút dần từ cuối những năm 2000. Số tiền 4,8 tỷ USD mà Verizon Communications bỏ ra để mua mảng Internet của Yahoo xét chiều nào cũng thấy là quá bèo bọt so với giá trị hơn 100 tỷ USD mà Yahoo từng được định giá trước đây. Còn nhớ hồi năm ngoái, Verizon đã mua lại mảng kinh doanh Internet của AOL với giá 4,4 tỷ USD. Nói trên văn bản là bán đi mảng kinh doanh Internet chứ thực tế, Yahoo đâu có còn gì đáng nói khi không còn mảng Internet. Có tin nói rằng, thương vụ bán đi này không liên quan gì tới khoản cổ phẩn 15% của Yahoo trong Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và 35,5% cổ phần trong Yahoo Japan.

Vì sao những công ty công nghệ, thậm chí thuộc hàng “đế chế”, đã phải bỏ mạng thị trường ngay trong thời đỉnh cao công nghệ? Có thể nói rằng, công nghệ là lĩnh vực kinh doanh dễ khởi nghiệp nhất, nhưng cũng dễ tiêu đời nhất. Số lượng doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp như nấm sau mưa, và chết yểu như lá vàng mùa thu.

Nếu với các công ty công nghệ khác, sự so sánh có phần khó. Nhưng với trường hợp Yahoo, người ta có thể tìm thấy một đối thủ đầy thuyết phục là Google. Chỉ có điều khác giữa hai “ông lớn” công nghệ Internet này là Yahoo có những gì Google có nhưng Google có những thứ Yahoo không có. Đơn giản vì Google không ngừng tìm tòi mở rộng phạm vi kinh doanh của mình, cả bên ngoài Internet.

Nhiều nhà quan sát công nghệ nói rằng sự thất bại của Yahoo – cũng như hầu hết các công ty công nghệ khác, là bảo thủ, nặng nề, thiếu tầm nhìn xa, không có đầu óc cách tân, thậm chí ngủ quên trong hào quang chiến thắng của “thời hoàng kim” nay đã trở thành “thời xa vắng”. Không ít công ty khi nhận ra sai lầm của mình đã vội vàng trở bộ thì hoặc ì ạch hoặc đã để vuột cơ hội cho đối thủ.

Yahoo thành lập năm 1995, còn Google ra đời năm 1998. Vào cài thời kỳ đầu của công nghệ đại chúng, Yahoo là một ông hoàng làm mê mẩn bao người mới làm quen với công nghệ máy tính với dịch vụ e-mail miễn phí Yahoo Mail (1997), dịch vụ chat và tin nhắn tức thì Yahoo Messenger (1998). Thời đó, Yahoo Messenger là công cụ làm việc tập thể lý tưởng cho các doanh nghiệp mới bắt đầu kết nối Internet, nhất là những doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở những địa phương khác trong và ngoài nước; là phương tiện liên lạc “nghe và nhìn tức thì” của những người có bạn bè, người thân ở xa.

Nhưng khi thời công nghệ cao phát triển lên cao, những công ty công nghệ ông già, bà lão như Yahoo nhanh chóng bị đuối hơi rồi trở thành lạc hậu. Giao thức đóng và khép kín tuy an toàn hơn, nhưng không hữu hiệu so với các dịch vụ mở nhanh nhạy với xu thế thời đại. Ở vào cái thời tốc độ là cốt lõi, các tay chơi “bắn chậm là chết”.

Các dịch vụ như Yahoo Messenger đã nhanh chóng tỏ ra thất thế trước các dịch vụ do các mạng truyền thông xã hội không ngừng tung ra. Bây giờ đem Yahoo Messenger ra so với Facebook Messenger thì giống như bắt một bà cô ngũ tuần đọ nhan sắc với một cô nàng tuổi đôi tám trăng tròn.

Stephen Elop (CEO của Nokia Phần Lan từ 2010 tới 2014) bị coi là người đã tiếp tay khiến cho bộ phận sản xuất điện thoại, một thời số 1 thế giới, của Nokia phải bán mình cho Microsoft vào năm 2014, với giá 7,2 tỷ USD, để rồi 2 năm sau đó lại phải bán lại cho hãng Foxconn với giá chỉ 350 triệu USD. Còn Yahoo thì sao? Phải chăng người bắn phát súng ân huệ cho Yahoo là Marissa Mayer, nữ CEO của Yahoo từ năm 2012 tới nay? Báo Anh The Guardian hồi tháng 4-2016 nói rằng Yahoo dù có thất bại thì bà Marissa vẫn là người lời nhất, bổ sung vào tài sản của mình thêm 137 triệu USD từ tiền lương và các khoản quyền lợi khác của Yahoo. Hãng tin kinh doanh nổi tiếng Bloomberg hôm 4-8-2016 đã đăng một bài lớn với cái tít: “Marissa Mayer của Yahoo bán một công ty trong khi đang cố gắng thay đổi nó” (Yahoo’s Marissa Mayer on Selling a Company While Trying to Turn It Around). Trước đó không lâu, vào ngày 25-7-2016, đúng ngày Verizon công bố thương vụ mua lại mảng Internet của Yahoo, kênh truyền hình Mỹ CNBC đã cho chiếu một cuộc phỏng vấn trực tiếp Marissa Mayer và giựt tít rằng bà Marissa Mayer nói rằng: “Tôi yêu Yahoo, và tôi muốn nhìn thấy Yahoo bước vào một chương mới.”

Thật ra không thể trút hết trách nhiệm cho nữ doanh nhân tóc vàng xinh đẹp Marissa Mayer về cái chết của Yahoo. Lúc bà ngồi ghế nóng CEO vào năm 2012 thì Yahoo đã như một “xác sống” rồi. Hồi tháng 5-2012, đúng một tháng trước khi Marissa được bổ nhiệm, trang Econsultancy đã đưa ra 10 sai lầm chết người của Yahoo. Trong số đó, oái oăm thay có những sai lầm đối với các đối thủ sừng sỏ của Yahoo. Chẳng hạn, như năm 1998, hai nhà đồng sáng lập trẻ của Google tìm đến Yahoo chào bán công nghệ của mình. Thay vì mua hay chí ít là nhượng quyền giấy phép công nghệ của họ, Yahoo đã làm ngơ. Và thế là Google ra đời. Hai năm sau, năm 2000, Yahoo nhận thấy công cụ tìm kiếm đã trở nên quan trọng hơn họ tưởng và tìm kiếm bên thứ ba cung cấp công nghệ tìm kiếm cho mình trong thời gian Yahoo nghiên cứu phát triển công nghệ tìm kiếm của riêng mình. Và Google đã được Yahoo chọn cung cấp các kết quả tìm kiếm cho dịch vụ Yahoo Search. Hậu quả ra sao ắt ai cũng rõ. Năm 2002 do chê giá đắt, Yahoo không chịu chi 5 tỷ USD để mua lại Google. Năm 2006, Yahoo gần như có thể mua lại được Facebook với giá 1 tỷ USD, nhưng do thị trường cổ phiếu rơi xuống, công ty tiếc tiền giảm giá mua còn 850 triệu USD, và bị Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, quay lưng bỏ đi một nước. Tới năm 2008, trong nỗ lực cạnh tranh với Google, Microsoft đã ra giá 44 tỷ USD để mua lại Yahoo, nhưng bị từ chối. Và tới năm 2012, giá thị trường của Yahoo chỉ còn dưới 19 tỷ USD.

Tất nhiên, trong bài này, chúng tôi chỉ đưa ra một số thông tin có liên quan chứ không có tham vọng phân tích tìm ra nguyên nhân thất bại của Yahoo. Đó là chuyện của các nhà chuyên môn. Ở đây, chúng tôi chỉ có ý định nói về chuyện Yahoo là cái tên mới nhất, thậm chí là “ông lớn” trong làng công nghệ thế giới, đã đuối nước ngay giữa thời công nghệ cao. Phàm thì là công ty công nghệ gặp thời công nghệ giống như cá gặp nước. Nhưng có những con cá lại không thể sống sót nổi trong những môi trường nước nào đó, nhất là trong thời cạnh tranh khốc liệt và người dùng có quá nhiều sự lựa chọn. Công ty Internet sống dựa vào các dịch vụ trên Internet. Trong khi đó, Yahoo đã bị thất bại trong cuộc chiến quảng cáo trên Internet trước các đối thủ Google và Facebook.

Mà liệu Yahoo có giúp cho các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, trong đó có ở Việt Nam, có được những bài học kinh nghiệm sống còn nào để sinh tồn rồi phát triển không? Chắc chắn là có và có nhiều cũng như rất thiết thực. Chẳng hạn muốn sống sót thì doanh nghiệp công nghệ phải biết nhìn xa trông rộng để dự phóng được tương lai và không bỏ lỡ những cơ hội mà không của mình thì sẽ về tay đối thủ của mình, không bảo thủ, luôn linh hoạt và quyền biến,… Quan trọng hơn cả là có đầu óc cách tân và đặt sự hài lòng của khách hàng lên ưu tiên hàng đầu. Muốn làm giàu từ người tiêu dùng thì trước hết phải phục vụ thật tốt người tiêu dùng cái đã.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh nguồn từ Internet. Thanks

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động thứ Tư 24-8-2016 và trên báo Người Lao Động Online

160824-baibao-nguoilaodong-2_resize

.