Những chiếc “xe ma” trên đường phố
Xe không có người lái mà vẫn chạy bon bon trên đường đích thị là “xe ma” rồi còn gì. Hành khách bước lên một chiếc taxi giống như mọi chiếc taxi khác, chỉ khác là không có tài xế, và chỉ cần nói địa chỉ mình muốn đến là xe lập tức chở tới nơi. Mấy ông đệ tử Lưu Linh trong cơn say chuếnh choáng mơ có loại xe hybrid khi đi thì người lái xe, còn lúc về thì xe tự lái chở người về nhà. Mà bây giờ không còn là chuyện chỉ có trong phim khoa học giả tưởng của Hollywood đâu. Dự án xe tự lái (self-driving car) đã được hãng công nghệ Google nghiên cứu từ lâu. Và nóng nhất lúc này là chuyện xứ Singapore hồi hạ tuần tháng 8-2016 đã đưa vào thử nghiệm trong cuộc sống những chiếc xe taxi đầu tiên tự động chạy.
Một dự án nhiều tham vọng của Google
Dự án xe tự lái (self-driving car) hay nôm na mà thực tế là “xe không tài xế” (driverless car) chính là một dạng xe tự động (autonomous car). Nó được Google X phát triển như một phần trong dự án phát triển công nghệ cho các loại xe chạy bằng điện. Cầm trịch dự án này trước đây là Sebastian Thrun, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Trí thông minh nhân tạo (AIL) của Đại học Stanford và là đồng phát minh ra công nghệ Google Street View thần thánh. Đội của Thrun ở Đại học Stanford từng phát triển chiếc xe người máy Stanley giành chiến thắng trong cuộc thi Đại Thách thức DARPA Grand Challenge năm 2005 với giải thưởng từ Bộ Quốc phòng Mỹ lên tới 2 triệu USD.
Google đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian cho dự án phát triển xe tự lái. Vào năm 2012, nhóm thử nghiệm đã có được 6 chiếc Toyota Prius, 1 chiếc Audi TT và 3 chiếc Lexus RX450h. Google cũng phát triển những mẫu xe riêng do Roush Enterprises lắp ráp với các thiết bị của Bosch, ZF Lenksysteme, LG, và Continental. Google có quan hệ với các nhà sản xuất xe ôtô như General Motors, Ford, Toyota (bao gồm Lexus), Daimler và Volkswagen.
Và tới tháng 5-2015, đội xe tự lái của Google đã có 23 chiếc, toàn bộ là loại Lexus SUV. Có tin nói rằng mỗi chiếc xe tự lái của Google được trang bị các thiết bị trị giá khoảng 150.000 USD. Mỗi chiếc xe tự lái là một sản phẩm công nghệ tập thể với các thiết bị và công nghệ của hàng chục hãng khác nhau.
Hồi tháng 5-2014, Google đã công bố một khái niệm mới về xe tự lái 100% tự động của mình không có cả tay lái lẫn các bàn đạp ga, đạp thắng. Tới tháng 12-2015, Google đã giới thiệu chiếc xe mẫu đầu tiên loại này có đầy đủ chức năng và bắt đầu thử nghiệm trên các con đường ở Bay Area của San Francisco. Google dự định sẽ cung cấp loại xe tự lái 100% này cho công chúng vào năm 2020.
Tính tới tháng 6-2016, đội xe tự lái của Google đã chạy thử nghiệm trong chế độ tự động được tổng cộng hơn 2,7 triệu km đường dài. Các số liệu có liên quan đều được ghi cẩn thận. Chẳng hạn, vào tháng 6-2015, ê-kip của Google công bố các xe tự lái của họ đã chạy được hơn 1,6 triệu km trên đường công lộ, tương đương đoạn đường 75 năm lái xe của một người lớn ở Mỹ, trải qua 200.000 biển báo dừng xe, 600.000 đèn giao thông và đi qua 180 triệu chiếc xe khác.
Con đường hợp pháp hóa gian nan
Vừa nỗ lực phát triển công nghệ, Google vừa đi đầu trong việc vận động pháp lý hóa loại hình xe tự lái này. Ở một đất nước Hợp chúng quốc như Mỹ, luật pháp mà không chặt chẽ và nghiêm khắc tắc loạn. Đi câu cá giải trí mà còn phải có giấy phép huống chi chạy xe trên công lộ có thể ảnh hưởng tới công chúng. Từng bước từng bước, đến hạ tuần tháng 3-2016, trong tổng số 50 bang và 1 thủ đô của Mỹ mới chỉ có các bang California, Michigan, Florida, Nevada, Arizona, North Dakota, Tennessee, Utah, và thủ đô Washing DC cho phép thử nghiệm xe không người lái trên công lộ. Quá trình hợp pháp hóa này chẳng dễ dàng đâu. Tháng 6-2011, Nevada là bang đầu tiên thông qua luật cho phép xe tự động được chạy thử nghiệm trên công lộ và tới tháng 5-2012, Sở Quản lý Xe cơ giới (Department of Motor Vehicles, DMV, mà một số người Việt gọi là Nha Lộ vận) bang Nevada đã cấp giấy phép đầu tiên cho một chiếc Toyota Prius trong dự án xe tự lái của Google. Lần lượt sau đó là các bang Florida (4-2012), California (10-2012), Michigan (12-2013),… Xin lưu ý, đây mới là chạy thử nghiệm thôi nhé.
Năm 2012, nhà sáng lập Google là Sergey Brin tuyên bố rằng xe tự lái của Google sẽ có mặt phục vụ công chúng vào năm 2017. Nhưng 2 năm sau, Chris Urmson, Giám đốc dự án, nói lại rằng thời điểm đó phải kéo dài tới năm 2020.
Có rất nhiều chuyện hỉ nộ ái ố trong quá trình chạy thử xe tự lái. Trong một chuyến chạy thử trên công lộ ở Mountain View (bang California) với tài xế an toàn luôn có mặt trên xe (nhưng không lái), do chỉ chạy với tốc độ không vượt quá 40km/giờ, một chiếc xe tự lái của Google đã bị cảnh sát chặn lại vì tội cản trở giao thông (chạy quá chậm).
Vào cuối tháng 8-2014, xe tự lái của Google vẫn chưa được phép chạy trên 99% số đường sá ở Mỹ. Mẫu xe tự lái của Google cho tới nay vẫn chỉ có thể thử nghiệm chủ yếu tại bang Texas, nơi không cấm các loại xe không có tay lái và các bàn đạp. Ngay cả bang Nevada đầu tiên cho Google thử nghiệm cũng yêu cầu trong mọi chuyến xe thử nghiệm phải có 1 người ngồi sau tay lái và ít nhất 1 người ngồi ở ghế hành khách.
Google từng mong mỏi Sở DMV bang California vào tháng 1-2015 sẽ cho phép công chúng được tiếp cận với các xe tự lái mẫu. Nhưng cho tới tháng 11-2015, DMV vẫn chưa động đậy. Và như một gáo nước lạnh tạt vào Google khi tháng 12-2015, Sở DMV của California đã đưa ra một dự thảo quy định về xe tự động, trong đó có yêu cầu xe tự lái phải có tay lái và các bàn đạp, cũng như phải có 1 tài xế con người ngồi trên xe giữ giấy phép điều khiển xe tự động.
Xin mời xem vdieo:
Đến Singapore đi xe không người lái
Đảo quốc Sư tử Biển Singapore đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa xe tự lái vào cuộc sống và thử nghiệm thương mại hóa nó.
Ngày 26-8-2016, Công ty phát triển phần mềm nuTonomy có trụ sở tại Singapore đã tiến hành thử nghiệm trong công chúng lần đầu tiên dịch vụ xe taxi tự động (robo-taxi services). Dịch vụ này chỉ hoạt động trong phạm vi rộng 2,5 dặm vuông của khu phố kinh doanh One-North, nơi nuTonomy đã thử nghiệm loại xe tự động (AV) từ tháng 4-2016. Thông qua một ứng dụng di động, người ta có thể đăng ký để được chọn làm hành khách cho một chuyến đi thử miễn phí trên loại xe tự động này. Trên các chuyến xe tự động này vẫn có một tài xế có mặt.
Hiện nay chỉ có 6 chiếc xe tự lái được cải tiến từ các mẫu xe Renault Zoe và Mitsubishi i-MiEV. Ông Karl Iagnemma, nhà đồng sáng lập và CEO của nuTonomy, nói rằng: “Cuộc thử nghiệm này là một cơ hội để thu thập các phản hồi từ các hành khách trong môi trường thế giới thực, giúp nuTonomy có được lợi thế hướng tới việc triển khai đội xe tự lái đầy đủ ở Singapore vào năm 2018.”
Hiện có hơn 25 nhân viên với khoản vốn gọi được trong năm 2016 là 16 triệu USD, nuTonomy là một công ty khởi nghiệp của một số nhà nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ. CEO Iagnemma, một nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu của MIT, cho biết họ thành lập công ty dựa trên 10 năm nghiên cứu về công nghệ xe tự động ở MIT. Giám đốc Kỹ thuật của nuTonomy, ông Emilio Frazzoli, là một giáo sư về kỹ thuật hàng không và du hành vũ trụ của MIT.
Singapore được nuTonomy chọn để phát triển xe tự động nhờ có lợi thế của một quốc gia thông minh với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhận thức cao của cộng đồng về công nghệ. Khu One-North mà nuTonomy đang thử nghiệm xe taxi tự động nổi tiếng là một trung tâm sáng tạo của Singapore. Theo dự báo, chỉ trong vài năm tới đây, hàng ngàn chiếc xe tự lái sẽ chạy trên các ngã đường ở Singapore. Và nuTonomy trở thành công ty đầu tiên trên thế giới mở dịch vụ xe taxi tự động.
Xin mời xem video:
Ngay tới Uber cũng chộn rộn
Hồi tháng 8-2016, dịch vụ xe taxi Uber nổi tiếng thế giới cũng đã loan báo sẽ thử nghiệm các xe tự lái của mình tại Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ). Tuy cũng miễn phí, nhưng dịch vụ taxi tự động của Uber sẽ được cung cấp thoải mái hơn. Trong khi đó, nuTonomy yêu cầu các cư dân ở gần nơi thử nghiệm phải đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm của công ty trước khi có thể yêu cầu một chuyến đi thử xe tự động. Mỗi chuyến xe tự động thử nghiệm của nuTonomy và Uber đều có một nhà thiết kế ngồi sau tay lái và một nhà khoa học ngồi ở ghế sau để ghi nhận các chi tiết trong suốt chuyến đi.
Với những gì nuTonomy đã làm được ở Singapore hiện nay, hãng Uber quả là đã bị qua mặt cái vù. Công ty ở Singapore đã trở thành hãng đầu tiên thử nghiệm công khai các xe taxi tự động độc lập.
Lợi thì miễn bàn, còn hại thì vẫn cần cân nhắc
Google giải thích rằng mình thực hiện dự án xe tự lái nhằm tiến thêm một bước nữa trong việc đưa công nghệ thông minh nhân tạo vào cuộc sống, đem lại nhiều tiện ích cho con người và tăng thêm mức độ an toàn cho con người. Chẳng hạn, người lái xe có nguy cơ gây tai nạn cao hơn tỷ lệ thuận với tuổi tác của mình. Mắt ngày càng kém, thao tác ngày càng chậm chạp và thiếu chính xác. Có tới 94% số tai nạn giao thông ở Mỹ là do lỗi của con người. Theo Google, nếu có được một giải pháp lái xe an toàn, số người chết vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới hiện ở mức hơn 1,2 triệu nạn nhân mỗi năm, có thể giảm đáng kể.
Trong một báo cáo về xe tự động, hãng tư vấn McKinsey ước tính rằng vào năm 2025 trên toàn cầu sẽ có 30.000 tới 150.000 người sẽ được cứu sống mỗi năm khỏi các tai nạn giao thông nếu như công nghệ xe tự động được các nước ứng dụng vào cuộc sống, đồng thời lượng khi thải carbon gây độc hại môi trường cũng có thể giảm tới 300 triệu tấn mỗi năm nhờ các loại xe tự động tiết kiệm được 15-20% lượng nhiên liệu tiêu thụ do hành trình được hợp lý hóa chính xác hơn.
Xe tự động là một xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển công nghệ. Ngay từ tháng 5-2011, trên báo New York Times, nhiều nhà làm chính sách Mỹ đã nhìn nhận rằng các luật lệ mới sẽ phải được ban hành nếu như loại hình xe tự lái trở nên một thực tế của cuộc sống công nghệ. Họ nhận định: “Công nghệ ngày nay tiến bộ nhanh tới mức có nguy cơ bỏ lại sau lưng các luật lệ hiện hành mà một số trong chúng có từ thời xe ngựa kéo”.
Khi đưa ra dự thảo quy định về xe tự lái hồi cuối năm 2015, Sở DMV bang California nói rằng: “Vì những mối nguy hiểm tiềm ẩn có liên quan tới việc triển khai một công nghệ mới như thế này, chúng tôi cho rằng các nhà sản xuất cần phải có thêm trải nghiệm hơn nữa trong quá trình thử nghiệm các xe không người lái trên các công lộ trước khi đưa công nghệ này ra cho công chúng rộng rãi.”
Nghe nói, Google đang tích cực vận động ở tận Thượng viện Mỹ để cho xe tự lái một thân phận “danh chính ngôn thuận”.
Cho tới nay, xe tự lái của Google có thể được coi là an toàn cao. Sau nhiều năm thử nghiệm, tính tới tháng 7-2015, đội xe thử nghiệm 23 chiếc của Google dính phải 14 vụ va chạm nhẹ, chỉ 1 vụ do người lái phạm lỗi, còn lại là do các xe khác gây ra cho xe Google, phần lớn là bị đụng đằng sau trong khi dừng ở giao lộ có tín hiệu giao thông.
Dĩ nhiên xe tự lái do hệ thống máy tính điều khiển và có thể được kết nối để điều khiển qua mạng. Xe hoạt động chủ yếu dựa trên một lô lốc các cảm biến, camera, radar để quan sát chung quanh xe cung cấp dữ liệu cho phần mềm điều khiển xe lưu thông. Mà xưa nay, phần cứng điện tử và đặc biệt là phần mềm cũng có thể bị chập cheng. Do có tính năng kết nối qua mạng, xe tự lái cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ bị kẻ xấu tấn công bằng mã độc, chiếm quyền điều khiển,… Tất nhiên, đó không phải là những rào cản công nghệ không thể giải quyết được. Bất luận thế nào, việc đưa xe tự lái ra đường ngày nay phần nào cũng giống như thời thế giới mới có xe ôtô.
Nói chung là trong thời điểm này còn quá nhiều chuyện để phải bàn tới tính lui về loại hình xe ôtô tự lái này. Và nói cách nào đó, xe tự lái cũng giống như một người máy vận chuyển hành khách. Trước mắt, đây là một loại phương tiên vận chuyển thích hợp và thú vị cho các khu vực khép kín như các khu dân cư, khuôn viên trường học, resort,…. Cũng đã có những kịch bản dành làn đường riêng cho xe tự lái khi tham gia lưu thông trên công lộ.
Xe tự động tất nhiên thích hợp với các thành phố thông minh. Theo hãng tư vấn McKinsey (Mỹ), với số lượng thành phố thông minh ngày càng đông hơn trên thế giới, ngành công nghiệp xe tự động và gần tự động sẽ có doanh số khoảng 1.900 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với các hãng xe hơi là sự tham gia của các công ty công nghệ lớn và vô số công ty khởi nghiệp phát triển các công nghệ phục vụ cho xe tự lái.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật và trên báo Pháp Luật TP Online