Trí thông minh nhân tạo: từ Hollywood ra đời thực
Phải thừa nhận rằng các nhà làm phim ở Kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood bên cạnh tài nghệ thượng thừa còn có những cái đầu sáng tạo kinh hồn, những trí tưởng tượng đi trước thời đại. Không biết có mối quan hệ gì ở đây không, chẳng hạn như từ những gợi ý của Hollywood mà các nhà khoa học phát minh ra những công nghệ mới và sáng chế ra những thiết bị mới. Thực tế là có không ít những công nghệ và sản phẩm mới bây giờ từng xuất hiện trên những bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood từ trước, thậm chí rất lâu rồi.
Nóng hổi tính thời sự nhất là khái niệm Skynet. Đây là một hệ thống trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence, AI) siêu đẳng (siêu thông minh, superintelligence) dựa trên mạng lưới hệ thần kinh đã xuất hiện lần đầu trong phần đầu tiên của bộ phim khoa học viễn tưởng nhiều phần Terminator (tên tiếng Việt là Kẻ Hủy Diệt) do đạo diễn James Cameron viết kịch bản và dàn dựng được phát hành năm 1984. Skynet đã đạt tới trình độ tự nhận thức, tự điều khiển mình như loài người sau khi nó lây lan vào hàng trăm triệu máy chủ trên khắp thế giới. Nhận ra nguy cơ khủng khiếp của Skynet, có thể quay lại hủy diệt cả loài người, các nhà sáng tạo ra Skynet đã tìm cách hủy diệt nó. Tất nhiên, khi trí thông minh nhân tạo đã đạt tới trình độ tự nhận thức, nó cũng tự nhận ra rằng toàn thể nhân loại sẽ tìm cách tiêu diệt nó.
Và một thuật ngữ mới đã xuất hiện là “AI takeover” (trí thông minh nhân tạo tiếp quản). Nó được dùng để mô tả kịch bản giả thuyết “AI tiếp quản, con người thất thủ”. Đó là khi AI trở thành hình thái thông minh bá chủ trên Trái đất, với các máy tính hay người máy giành quyền kiểm soát hành tinh này từ tay loài người.
Liệu cái kịch bản khủng khiếp này có từ trong phim Hollywood nhảy ra đời thực? Chẳng ai dám nói là không thể, khi mà trước nay đã có nhiều thứ ban đầu xuất hiện trong phim, sau đó trở thành hiện thực. Vấn đề là thời gian mà thôi.
Ngày 5-10-2016, trên trang Fanpage ở mạng truyền thông xã hội Facebook, Công ty Intel đã đưa lên một bài lưu ý mọi người rằng AI đã có mặt từ lâu và ngày càng xuất hiện nhiều hơn, sâu rộng hơn trong cuộc sống con người. Một phần do đà tiến bộ của công nghệ, phần khác cần phát triển để kinh doanh và tồn tại, các hãng công nghệ đang chạy đua nhau nghiên cứu và phát triển các công nghệ và sản phẩm mới ứng dụng AI. Kết quả là AI đi theo các thiết bị gia dụng và cá nhân vào tận nhà bếp và phòng ngủ con người. Cho dù thông minh cỡ nào, AI cũng có bản chất là phần mềm máy tính. Mà ai cũng hiểu rồi đó, phần mềm có nhiều nguy cơ bị chập cheng, nhất là khi nhiễm mã độc, virus. Bữa nay, AI phục vụ con người, nào ai biết chừng ngày mai nó lại bị kẻ xấu chiếm quyền điều khiển quay lại phản chủ.
Hồi tháng 4-2016, tôi có dịp tới thăm tổng hành dinh của Microsoft tại Redmond (bang Washington, Mỹ) và được nghe giới thiệu, thậm chí được trải nghiệm, về AI ở cấp độ cao hơn là những cỗ máy học (machine learning). Đây là những phần mềm điều khiển thiết bị ứng dụng AI có thể tự học để phát triển và hoàn thiện trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn, một chiếc máy massage ban đầu còn ngu ngơ như “con dâu mới về nhà chồng”, nhưng càng phục vụ, nó càng hiểu rõ hơn ý thích và thói quen của chủ nhân để phục vụ tốt hơn, như massage chỗ nào thì ông chủ phiêu linh, lúc nào thì thích nhất, chỗ nào mạnh nhẹ ra sao là vừa ý chủ nhân…. Có thể nói rằng, với những cỗ máy học này, thiết bị công nghệ càng xài lâu, càng thêm thông minh hơn. Mà công cụ càng thông minh, càng phục vụ loài người tốt hơn, nhưng cũng đồng thời càng nguy hiểm hơn đối với loài người.
Theo báo công nghệ The Wired (5-8-2015), Cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) thật sự đã có một chương trình quy mô lớn mang tên Skynet. Chỉ có điều, không giống như hệ thống máy tính tự nhận thức Skynet trong phim Terminator, Skynet của chính phủ Mỹ là một chương trình giám sát sử dụng dữ liệu của các điện thoại để lần theo vị trí và các cuộc gọi của những kẻ tình nghi khủng bố. Skynet này cũng rất lợi hại và không ai tưởng tượng nổi nó gây hại ra sao nếu như rơi vào tay bọn xấu.
Ngày 28-9-2016, một liên minh công nghệ mới gọi là Đối tác về AI (Partnership on Artificial Intelligence, POAI) đã được thành lập. Tham gia tổ chức này là những ông lớn công nghệ của thế giới như IBM, Google, Facebook, Microsoft và Amazon. Họ đã ký kết để trở thành những thành viên sáng lập của POAI và hy vọng ngày càng có thêm nhiều thành viên mới. Trên danh nghĩa, đây là một nền tảng để các công ty công nghệ có thể ngồi lại thảo luận với nhau và có được những thực hành tốt nhất cho ngành công nghiệp AI. Nhưng giới quan sát hiểu rằng các ông lớn công nghệ này muốn hợp sức lại để kiểm soát sự phát triển của AI ngay từ sớm, làm cho nó đi đúng đường, phòng ngừa những thảm họa như Skynet trong phim Hollywood.
Với tư cách các ông lớn trong ngành công nghệ cao, các thành viên sáng lập POAI hơn ai hết hiểu được những tiềm năng cũng như những nguy cơ của AI. Giờ đây không còn là chuyện trong phim nữa, mà nhìn đâu trong cuộc sống, người ta cũng thấy rõ xu hướng tự động hóa với cấp độ thông minh. Chẳng hạn như những chiếc xe tự lái không có tài xế đang chạy trên đường phố. Nếu tài xế người có thể nổi điên, AI trong những chiếc xe tự lái đó cũng có thể chập cheng.
Người thông minh chắc chắn hiểu trước được những mối nguy hiểm mà trí thông minh nhân tạo có thể gây ra cho loài người. Theo đà tiến hóa, loài người cần phải phát triển AI ngày càng thông minh siêu đẳng hơn. Nhưng đồng thời, loài người cũng phải dự liệu sẵn những chiêu thức để tự bảo vệ cho mình. Tương lai, con người không chỉ phải tự bảo vệ trước đồng loại, thú dữ, thiên tai, dịch bệnh mà còn phải đối phó với cả những người máy AI do con người phát triển.
Giáo sư Stephen Hawking, nhà vũ trụ học lừng danh thế giới, hồi cuối năm 2014 đã nói với hãng tin Anh BBC rằng: ông quan ngại sâu sắc về những cỗ máy thông minh và trí thông minh nhân tạo có thể có lúc còn khôn hơn cả loài người chế ra chúng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 9-10-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online