Những bóng ma tiền điện tử
Giờ đây có những người tậu máy tính cực mạnh và có thể cày lâu dài chỉ để thực hiện một tác vụ hoàn toàn mới: đào tiền điện tử (bitcoin mining). Thật ra, nhu cầu này đã có và được đáp ứng từ lâu. Có lẽ hãng ASRock là nhà sản xuất bo mạch chủ đầu tiên tung ra những sản phẩm được thiết kế dành cho chuyện “đào mỏ tiền bitcoin”. Còn nhớ vào năm 2013, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy ASRock giới thiệu những chiếc bo mạch chủ như H81 Pro BTC hỗ trợ “đào tiền bitcoin”. Mới đây, một số hãng khác cũng đã đưa ra những mẫu bo mạch chủ chuyên “đào tiền bitcoin”.
Rồi đây bạn sẽ phải làm quen với thuật ngữ “đào tiền bitcoin” (mining). Đây là quy trình để tạo ra những đồng tiền điện tử rồi tạo thành những khối đơn vị gọi là block. Khác với việc đúc tiền hay in tiền như với tiền tệ chính thống, đào tiền bitcoin hoàn toàn là tiến trình công nghệ do những ứng dụng phần mềm làm với những thuật toán phức tạp lũy tiến (càng lúc càng phức tạp hơn) và trên nền tảng kết nối Internet liên tục. Các đồng bitcoin được cấp phát cho các máy tính tham gia “đào” và theo quy định cứ mỗi 10 phút sẽ có một block bitcoin mới được tạo ra trong hệ thống tiền số này. Vì vậy, nó đòi hỏi những chiếc máy tính phải đủ mạnh, đủ độ bền và có tính năng kết nối Internet thông suốt. Thậm chí có những nhà đầu tư làm ăn lớn hình thành cả những “nông trại đào tiền” (mining farm) với nhiều máy trạm gắn vô số CPU và GPU (công cụ đào tiền bitcoin đắc dụng nhất do có sức mạnh tính toán khủng khiếp hơn hẳn CPU), trông giống như những trung tâm dữ liệu hay trung tâm máy chủ.
Bitcoin là một dạng tiền tệ mạng ngang hàng (peer-to-peer currency) dựa trên Internet. Nó có giá trị thật sự trong cuộc sống nhưng dưới dạng tiền điện tử hay tiền số. Có lẽ cái tên “tiền ảo” (virtual money) là để chỉ việc loại tiền này không phải là một thực thể vật chất. Nhưng về bản chất và chức năng của mình, bitcoin phải được gọi chính xác là tiền điện tử hay tiền số. Thợ mỏ là những ứng dụng được viết để giải quyết những vấn đề toán học phức tạp nhằm tạo ra những đồng bitcoin. Vấn đề nằm ở chỗ là mỗi khi có một đồng tiền bitcoin được tạo ra, các thuật toán cần để tạo ra đồng tiền tiếp theo sẽ trở nên phức tạp hơn một chút. Và vì thế, người ta cần phải có những máy tính và ứng dụng mạnh mẽ để tham gia mạng lưới tạo và giao dịch tiền bitcoin.
Từ lâu, người ta không chỉ làm giàu và giao dịch bằng tiền bitcoin mà cón có thể tiêu xài chúng, cũng giống như quẹt thẻ ngân hàng. Ban đầu chỉ có những quán cà phê, rồi nhà hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền bitcoin, sau đó ngày càng có thêm nhiều nơi và lĩnh vực sử dụng tiền này, thông qua những ứng dụng (app). Tính tới tháng 2-2015, số lượng cơ sở kinh doanh chấp nhận tiền bitcoin đã vượt qua ngưỡng 100.000. Thay vì phải trả phí 2-3% như với thẻ tín dụng, cơ sở chấp nhận bitcoin chỉ phải chịu từ 0% tới dưới 2%. Và thực tế hiện nay có những tỷ phú tiền bitcoin trong khi trong túi chẳng có bao nhiêu tiền thật.
Thời gian đầu tiên, người ta mô tả những người chơi tiền bitcoin giống như chơi chứng khoán. Cũng có thể coi nó như một dạng chơi game, chính xác là cày game để kiếm tiền. Nhưng gần đây, việc chơi tiền bitcoin lại có thêm dạng kinh doanh đa cấp. Người ta kinh doanh đa cấp bằng sản phẩm chính là những đồng tiền bitcoin.
Giống như tiền thật, tiền bitcoin cũng có nhiều loại và thương hiệu khác nhau tùy theo những hệ thống kinh doanh tiền bitcoin. Chẳng hạn như ở Việt Nam, ngoài đồng tiền bitcoin quốc tế nổi tiếng còn có những loại tiền như OneCoin,…
Tiền bitcoin hiện nay nói chung là vẫn không được công nhận là một loại tiền tệ. Hồi tháng 4-2013, Giáo sư về Chính sách công Steven Strauss của Đại học Harvard (Mỹ) đề xuất các chính phủ loại bitcoin ra ngoài vòng pháp luật. Một số nước như Bangladesh, Bolivia, Ecuador,… chính thức cấm bitcoin. Vào tháng 12-2013, chính phủ Trung Quốc tuyên bố “bitcoin không phải là một loại tiền tệ, không được phép lưu hành và sử dụng trên thị trường như tiền tệ”. Cho tới nay, phần lớn các nước chọn giải pháp không cấm mà cũng không công nhận bitcoin. Mỹ thì thừa nhận bitcoin có thể cung cấp những dịch vụ tài chính hợp pháp. Tháng 4-2016, Barclays đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của Anh hỗ trợ tiền ảo khi liên doanh với hãng tiền kỹ thuật số Mỹ Circle – một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Boston được đầu tư vốn bởi quỹ Goldman Sachs và hãng đầu tư Digital Currency Group. Nhưng nhìn chung là đồng bitcoin đang bị thả nổi, người ta có thể tự do mua bán, giao dịch hay thanh toán bằng tiền bitcoin trên cơ sở tự nguyện và trong nội bộ nhau. Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) và nhiều cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ khác đã khuyến cáo rằng người dùng bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ. Do là tiền công nghệ mã nguồn mở trên nền Internet nên bitcoin cũng có nhiều nguy cơ bị bọn tội phạm tin học trộm cướp hay lừa đảo. Trong năm 2016 này, giao dịch bitcoin Bitfinex đã bị bọn tin tặc tấn công đánh cắp gần 120.000 đồng bitcoin (BTC) trị giá khoảng 60 triệu USD.
Trong khi đó, việc bitcoin lâu nay đang được bọn tội phạm sử dụng trong hoạt động tội phạm, kể cả rửa tiền, càng làm cho đồng tiền số này xấu đi dưới mắt các cơ quan pháp luật.
Cũng giống như chứng khoán, tiền bitcoin được hiện thực hóa bằng tiền tệ chính thống thông qua giá trị quy đổi. Giá bitcoin cũng thay đổi liên tục và khác nhau tùy theo các vòng (cycle) riêng (giống như các loại tiền tệ). Năm 2011, một đồng bitcoin có giá khoảng 0,30 USD. Đỉnh điểm là ngày 29-11-2013, bitcoin đạt kỷ lục giá tới 1.242 USD. Vào ngày 4-11-2015, bitcoin trị giá hơn 490 USD.
Có thể nói rằng, chơi bitcoin cũng như chơi chứng khoán, chỉ khác ở chỗ chứng khoán được nhà nước công nhận và bảo vệ. Người ta làm ăn bằng cách tạo ra bitcoin (đào tiền), làm trung gian giao dịch, mua đi bán lại, đầu cơ,… Giá trị thực tế của bitcoin nằm ở chỗ người ta dùng tiền mặt (tiền hợp pháp) để mua bán bitcoin. Thí dụ, bạn có thể bán những đồng bitcoin mình đang sở hữu lấy tiền mặt để sử dụng.
Ở Việt Nam, gần đây các nhà chuyên môn đã báo động và cơ quan chức năng cũng bắt đầu vào cuộc khi tiền bitcoin bị những nhà kinh doanh hàng đa cấp lợi dụng. Trước tình hình hoạt động kinh doanh đa cấp đang bị pháp luật xử lý ngày càng quyết liệt hơn, nhiều nhà kinh doanh đa cấp đang chuyển nhanh sang loại hình đầu tư tiền bitcoin. Họ đề nghị các khách hàng của mình chuyển vốn đầu tư đa cấp sang đầu tư bitcoin. Khách hàng thường không có sự lựa chọn nào khác phải tiếp tục “đu” theo dịch vụ đa cấp của mình. Lâu nay trên Internet đã tràn ngập những dịch vụ chào mời, hướng dẫn người ta đầu tư tiền bitcoin với những mức lãi suất choáng ngợp, có khi hơn 100% một tháng, thậm chí có nơi tuyên bố lãi tới 5% một ngày. Trong thời gian gần đây, các mạng kinh doanh đa cấp đã tổ chức hàng loạt hội thảo đông người dự để lôi kéo người chơi bitcoin hay những loại tiền số khác.
Đầu tư đa cấp vốn đã rắc rối và phức tạp, đầu tư bitcoin càng “khó hiểu và khó lường” hơn bội phần mà cái cán dao luôn nằm trong tay những chủ mạng đầu tư. Giới chuyên môn cảnh báo người đầu tư bitcoin có xác suất 1% thắng và 99% thua. Nguy cơ để những người ít kiến thức nhưng hám lợi nhuận “trên trời rơi xuống” trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo bitcoin là rất lớn.
Chắc chắn nếu giới hữu trách không có những biện pháp ngăn chặn và quản lý kịp thời, hoạt động kinh doanh bitcoin khi trở thành một biến tướng của kinh doanh đa cấp sẽ dẫn tới những hệ lụy kinh tế và xã hội không thể lường được. Những quả bom “vỡ mạng bitcoin” sẽ kinh khủng hơn là “vỡ hụi”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+Chơi bitcoin dễ “toi mạng”. (Tranh: Internet. Thanks).
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 13-11-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online