Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Nở rộ mua sắm chia sẻ

Trong quá trình hoạt động và phát triển, mua bán trực tuyến ngày càng trở nên linh hoạt hơn xuất phát từ thực tế thị trường, cũng như nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Để có thể bán được hàng, người bán phải tìm mọi hình thức giúp mình tiếp cận và đưa hàng tới tận tay người dùng. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ online và sự phổ cập ngày càng rộng của loại hình mua bán online, sự thành công chỉ dành cho người bán hàng nào có thể đem đến cho khách hàng sự tiện dụng và an toàn khi mua sắm online. Hình thức mua sắm chia sẻ cũng xuất phát từ nhu cầu đó. Một đặc trưng của hình thức này là người bán hàng tập trung chào mời từng món hàng một và khai thác tính năng kết nối bạn bè của các tài khoản trên các mạng truyền thông xã hội để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Mạng lưới khách hàng được hình thành theo dạng tổ ong, tạo thành những vòng khách hàng từ các vòng bạn bè của từng tài khoản để rồi kết nối lại với nhau. Cái lợi là người bán hàng có thể bán hàng cho đúng đối tượng người dùng; còn người mua hàng sẽ an tâm vì có thể mua hàng trong vòng nội bộ bạn bè dựa trên niềm tin vào sự chia sẻ, đề xuất của bạn bè.

 

 Trong mùa Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, giữa cao điểm của nỗi ám ảnh hàng giả, hàng kém chất lượng và nhất là hàng kém vệ sinh an toàn tới hẹn lại tăng cao trong dịp lễ tết, trên các mạng truyền thông xã hội nở rộ những hoạt động mua bán online dưới hình thức chia sẻ lẫn nhau. Ai cũng tin rằng mua hàng online dưới hình thức chia sẻ này đáng tin cậy hơn.

Theo xu thế toàn cầu, thương mại điện tử (TMĐT) – chủ yếu là mua bán online, ở Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh. Báo cáo chính thức của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết trong năm 2015, tổng giá trị mua hàng qua mạng ở Việt Nam đạt tới 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Xu hướng tăng trưởng TMĐT này sẽ còn tiếp tục khi kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu trong 4 năm tới, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng) đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Vào năm 2020 sẽ có 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT và khoảng 30% dân số Việt Nam mua hàng qua online.

Tất nhiên, mua bán online là nền tảng, còn các hình thức mua bán trực tuyến đa dạng và không ngừng thay đổi cho thích ứng với nhu cầu thực tế của cả người bán lẫn người mua. Việc mua bán trực tiếp trên các website theo hình thức truyền thống: khách hàng truy cập vào website, chọn hàng và tiến hành đặt hàng giờ đây chỉ còn được sử dụng với các hệ thống bán hàng online lớn và các nhà sản xuất có tên tuổi. Sau quá nhiều bài học xương máu vì bị hố hàng, bị hớ giá là nạn nhân của những chiêu trò treo đầu dê, bán thịt chó, lừa gạt nhau khi mua bán online trực tiếp, ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng chọn những hình thức mua hàng online vẫn tiện dụng, nhưng an toàn hơn. Cho tới nay, khi các hệ thống mạng Internet được phủ rộng khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi không thể kéo cáp thì có sóng di động 3G/4G, kết hợp với việc phổ thông hóa các thiết bị có kết nối Internet (giá smartphone có khả năng kết nối Internet giờ cực rẻ), TMĐT đang được chắp thêm những đôi cánh. Không ai có thể phủ nhận được những tiện lợi của việc mua bán online. Có thể nói mua hàng trên mạng giờ đã thành một thú vui, thậm chí là một kiểu ghiền, của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ và giới công sở. Chỉ cần tranh thủ thời gian trống nhảy vào mạng tìm kiếm và đặt hàng, vài ba ngày sau – thậm chí vài giờ sau – là có món hàng về tới tận cửa nhà hay văn phòng. Cái rào cản thanh toán trước đây là thanh toán qua các thẻ ngân hàng giờ đã được vượt qua bằng những loại hình thanh toán linh hoạt, mà được ưa chuộng nhất là hình thức thanh toán khi nhận hàng COD (Cash on Delivery), vừa tiện dụng, vừa an toàn, lại vừa phù hợp với tập quán mua hàng xưa nay của người Việt là “tiền trao, cháo múc”. Tất nhiên, hình thức thanh toán COD tuy giúp bán được nhiều hàng hơn, nhưng đẩy bất trắc về phía người bán, thường bị nhất là tình trạng người ta đặt mua mà cuối cùng không chịu nhận hàng, phải hoàn trả lại.

Để có thể mua sắm trên mạng mà có độ an toàn cao hơn, người ta đang chuộng hình thức mua hàng theo gợi ý, theo giới thiệu từ những chia sẻ (sharing) của bạn bè hay những người đáng tin cậy. Thật ra, hình thức mua hàng online chia sẻ này không mới. Nó khai thác sự phổ dụng của các mạng truyền thông xã hội, đặc biệt hiện nay là mạng Facebook. Vào năm 2012, một nghiên cứu với hơn 1.000 người mua hàng online được Sociable Labs công bố cho thấy có tới 62% trong tổng số người mua hàng online được thăm dò đã đọc các chia sẻ có liên quan tới sản phẩm đó từ bạn bè trên Facebook, để rồi có tới 75% số người đó đã click chuột vào thăm trang sản phẩm của website bán lẻ được giới thiệu. Kết quả làm người bán hàng cười toe toét khi có tới 53% số người mua hàng online đã mua sản phẩm được bạn bè chia sẻ. Xin lưu ý, đây là số liệu cách đây 5 năm. Hiện nay các con số này chắc chắn cao hơn khi bản thân Facebook đã tăng được số người dùng thực tế hàng tháng lên tới 1,86 tỷ người (ghi nhận vào ngày 31-12-2016, so với 900 triệu người dùng vào tháng 3-2012) và điều kiện cũng như thói quen vào Internet của người sử dụng di động được cải thiện tốt hơn bội lần.

Các mạng truyền thông xã hội, dẫn đầu là Facebook, đang ngày càng củng cố sức mạnh thông tin lan tỏa sâu rộng của mình. Ngày nay, người ta biết nhiều thông tin hơn, biết thông tin nhanh hơn, và cũng tin tưởng cao hơn thông qua Facebook. Hệ quả là các nhà sản xuất kinh doanh thức thời đang chuyển mạnh quảng cáo hàng hóa, dịch vụ từ các loại hình truyền thông truyền thống như báo in, truyền hình và thậm chí cả báo online sang Facebook vừa rẻ, vừa hiệu quả hơn nhiều. Hôm 5-2-2017, trong buổi cà phê đầu năm, một anh bạn của tôi là giám đốc một công ty dược phẩm cho biết quảng cáo trên Facebook đem lại nhiều lợi ích cho công ty của anh hơn gấp nhiều lần quảng cáo trên báo chí.

Tuy nhiên, mặc dù tiện dụng, có ngay trước mắt với thuật toán thông minh của Facebook nhận biết các sở thích mua sắm của từng người dùng, nhưng quảng cáo trên Facbook vẫn vướng phải cái sự khủng hoảng lòng tin của người mua hàng online. Nó cũng chịu chung số phận với những trang chào bán hàng được mở ngay trên những tài khoản Facebook. Chớ có dại mà tin vào những comment phản hồi ca ngợi hay đặt hàng tới tấp trên đó, vì ảo nhiều hơn thật. Có những nhóm, những công ty chuyên làm cái dịch vụ “Like vay, comment mướn”.

Vì thế, hình thức mua hàng theo chia sẻ của bạn bè trên Facebook vẫn là lựa chọn của nhiều người hơn cả. Bởi sau khi đọc được chia sẻ về một món hàng mình thích, người ta có thể inbox hay gọi điện hỏi thêm những thông tin thực tế về món hàng đó. Việc kiểm chứng lại bằng những phương tiện khác này rất cần thiết, nhất là khi có những kẻ bán hàng xấu xí dùng đòn hack tài khoản của ai đó có uy tín mà chào bán hàng. Có thể nói rằng người mua hàng online chia sẻ chỉ có thể là nạn nhân nếu như bạn mình có máu xấu lỡ mua nhằm hàng “đểu” lại muốn có thêm nhiều người cùng bị “văng miểng” cho… vơi bớt nỗi đau.

Chắc chắn những nhà sản xuất, kinh doanh đã nhận ra sự lợi hại của hình thức mua hàng online chia sẻ này. Họ sẽ nhờ những người có uy tín, những người của công chúng xài thử sản phẩm của mình để sau đó chia sẻ trên Facebook. Và tới lúc này, những Facebooker đó nếu không cẩn trọng cũng dễ dính đòn, tiêu tan Friend và Follower bởi tiếp tay quảng bá cho những sản phẩm dỏm.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bạn có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động 15-2-2017 và trên báo Người Lao Động Online