Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Kinh doanh thất bại trên Facebook

 

Trong xu thế toàn cầu kinh doanh trên các mạng truyền thông xã hội, Facebook với nhiều lợi thế luôn là nơi chào mời, mua bán rôm rả nhất. Đây chính là mảnh đất lập nghiệp cho nhiều người khởi nghiệp. Tuy không phải là một chợ online hay một sàn thương mại điện tử, Facebook là một trong những nơi 5 sao để người ta quảng bá, chào mời các sản phẩm và dịch vụ. Ngay cả nhiều công ty bán buôn, bán lẻ cũng khai thác Facebook để mở rộng bán hàng tới cộng đồng mạng lớn nhất hành tinh này.

Hoạt động kinh doanh trên Facebook có 2 dạng chính: quảng cáo trên Facebook (phải trả tiền cho mạng xã hội này) và chào bán hàng.

Không chỉ có lợi thế là đông người dùng thuộc đủ mọi thành phần xã hội, Facebook còn ứng dụng những thuật toán thông minh biết nhận diện sở thích và mối quan tâm của từng người mà đưa ra những quảng cáo phù hợp. Nó cứ như ma xó. Sáng nay mới lên mạng hỏi han ai hay đặt mua món hàng nào đó, từ chiều trở đi là trên trang riêng, trên News Feed của mình đầy những mẩu quảng cáo về loại hàng đó. Vì thế quảng cáo trên Facebook hiệu quả hơn hẳn hầu hết các loại hình quảng cáo truyền thống.

Khi cần bán một món hàng nào đó, người dùng Facebook chỉ cần dùng smartphone chụp hình sản phẩm đó, viết đôi dòng giới thiệu về nó rồi post lên tài khoản của mình hay các nhóm liên quan. Thường thì hàng sẽ “ra đi” thật nhanh. Những người muốn kinh doanh trên Facebook cũng có thể lập trang fanpage để chào hàng. Facebook là một sân chơi lý tưởng nhất cho hình thức mua bán hàng chia sẻ đang được ưa chuộng trên mạng xã hội. Giữa lúc trên mạng tràn ngập những kẻ bán hàng bất lương, lừa bịp người dùng để bán hàng giả, hàng dỏm, người ta có xu hướng chọn cách mua hàng qua lời giới thiệu, chia sẻ của bạn bè, những người mà mình tin cậy.

Nhưng xin lưu ý, kinh doanh trên các mạng xã hội như Facebook là một con dao hai lưỡi. Ai không cẩn trọng và không có khả năng xử lý sự cố, dễ dàng toi mạng. Ai cũng hiểu cộng đồng mạng rất phức tạp, hiểu được chết liền. Chỉ cần không khéo cư xử hay tệ nhất là bị đối thủ cạnh tranh tìm cách chơi xấu, bạn có thể bị hứng những trận mưa lời bình phẩm (comment) tiêu cực. May mắn là bạn gặp những đối thủ cạnh tranh “biết điều”, họ chỉ giựt khách hàng của bạn bằng những ưu đãi tốt hơn, đặc biệt là giá rẻ hơn một chút. Và thế là bạn thất bại.

Ngay cả những ông lớn sừng sỏ trong kinh doanh cũng từng chuốc thất bại khi sử dụng Facebook với ý định đẩy mạnh quảng bá. David Clarke, một chuyên gia tư vấn kinh doanh của Digital Services, Giám đốc Experience Center của Tập đoàn PwC, đã lấy 2 công ty Tesla Motors và Netflix ra làm thí dụ cho những doanh nghiệp nổi tiếng lại bị thất bại khi tiếp thị trên Facebook.

Tesla Motors nổi tiếng với những dòng xe hơi không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là dòng xe hơi chạy điện Model S. Và cũng như các hãng xe khác, Tesla đã lập trang fanpage chính thức của mình trên Facebook. Ngặt nỗi, Tesla lại quá ngây thơ, chỉ biết dựa vào những phản hồi của người chơi Facebook trên trang nhà này mà không chịu dùng nhiều chiêu trò thu hút người dùng đến với trang Fanpace của mình. Hậu quả là vào năm 2012, trang Facebook của Tesla chỉ có gần 66.000 người Like và hơn 1.700 người nói tới; trong khi của Audi là gần 4 triệu người Like và hơn 56.000 người nói tới; còn của BMW được tới gần 6,8 triệu người Like và hơn 70.000 người nói tới.

Cũng vào năm 2012, dịch vụ xem phim online Netflix và CEO Reed Hastings của nó đã nếm mùi bị “ném đá” trên Facebook. Khi Netflix công bố quyết định tăng giá và thay đổi dịch vụ, nhiều khách hàng đã nổi giận. Nghĩ rằng có thể xoa dịu họ, Netflix đã đưa lên trang Facebook của mình lời cảm ơn các khán giả về sự phản hồi của họ. Nhưng giống như được châm ngòi nổ, ngay trong ngày hôm đó, các khách hàng Netflix đã “bắn” lên fanpage của dịch vụ này hơn 11.000 lời comment hừng hực lửa tiến công. Chuyên gia Clarke nói rằng lẽ ra một doanh nghiệp dịch vụ Internet như Netflix phải hiểu rõ đặc thù của cộng đồng mạng, nhất là khi họ cảm thấy bị thiệt hại quyền lợi. Mãi tới hơn 5 tháng sau đó mà Netflix cũng chưa phục hồi nổi. Nó bị nhiều khách hàng thù dai, hận lâu. Khi Netflix hỏi các fan của mình muốn xem bộ phim hay chương trình truyền hình nào vào ngày lễ Tạ ơn, hơn 1.000 người đã gửi lời bình phẩm trên Fanpage và phần nhiều chia sẻ comment của một fan nói rằng: “Tôi nghĩ vào ngày Noel sắp tới, tôi sẽ đi mua một dịch vụ xem phim online khác.”

Nhóm chuyên gia về tiếp thị trên Internet WTC (Mỹ) đã đưa ra 5 điều cần phải tránh để không bị thất bại khi tiếp thị, kinh doanh trên Facebook.

Một là đưa lên những chuyện đùa giỡn, khôi hài tệ hại và nhạy cảm. Đặc biệt phải tránh những chuyện có thể khiến người dùng bị sốc, kinh sợ hay cảm thấy mình bị xúc phạm; cũng như những chuyện có thể bị suy diễn làm xấu đi hình ảnh của doanh nghiệp.

Hai là tiến hành hoạt động quan hệ công chúng (PR) quá tệ. Cộng đồng mạng xã hội rất phức tạp, không thể dễ ngươi được. Bất luận là do họ hiểu lầm, ngộ nhận hay là bởi tính hiểm độc, việc xử lý khủng hoảng chẳng bao giờ dễ dàng và không để lại sẹo. Vì thế đòi hỏi đội ngũ PR của doanh nghiệp phải luôn tỉnh thức.

Ba là lạm dụng nút Like của Facebook cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng đồng nghĩa với quảng bá thương hiệu của mình. Hệ thống cửa hàng Papa John’s Pizza từng đưa lên Facebook một post kêu gọi mọi người chung sức giúp đỡ trẻ em nghèo đói ở Mỹ, cứ mỗi Like, Share, hay Comment ở post này, cửa hàng sẽ quyên góp 1 USD cho tổ chức nhân đạo The Salvation Army, với mục tiêu là 50.000 USD. WTC nói rằng cách làm này giống như bắt người dùng Facebook làm con tin cho hoạt động của doanh nghiệp. Và hậu quả là lợi bất cập hại.

Bốn là đưa lên những nội dung không liên quan gì tới hoạt động của doanh nghiệp mình. Sẽ thật là phản tác dụng nếu như một doanh nghiệp kinh doanh hàng tạp hóa mà cứ liên tục tra tấn người dùng với những tin bài về chính trị. Trong khi, điều mà người ta cần khi vào trang của doanh nghiệp là muốn có được những thông tin mà họ quan tâm hay những điều có lợi về hoạt động của doanh nghiệp đó.

Năm là không đăng bài đủ mức yêu cầu. Bạn sẽ mất dần khách hàng nếu như làm biếng đưa nội dung lên trang Fanpage. Người ta sẽ bỏ đi nếu vào trang của bạn mà không có gì mới. Hơn nữa, nếu bạn đăng nội dung quá ít hay không có liên quan, thuật toán của Facebook sẽ xếp trang của bạn vào danh sách không đáng để coi. Vậy là tiêu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 12-3-2017 hay trên báo Pháp Luật TP Online

cof