Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Hàng công nghệ có công nghệ tiết kiệm điện

 

Tiết kiệm điện quả là lợi đa lớp, đa chiều. Nó không chỉ giúp bạn bảo vệ được cái ví tiền của mình mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Trong thời công nghệ cao này, nhìn đâu bạn cũng thấy những thiết bị, máy móc chạy bằng điện. Có nghĩa là càng máu mê, càng lậm công nghệ, càng hao tốn nhiều điện. Vì thế, tiết kiệm điện đã trở thành một trong những tiêu chí để bạn làm người tiêu dùng thông minh.

Chính những thiết bị điện máy gia dụng mà bạn đang thích thú hưởng thụ chúng trong cuộc sống hàng ngày lại là những cục nợ tiền điện của bạn. Có lẽ đệ nhất ngốn điện là máy lạnh, rồi tới tủ lạnh, bếp điện, lò nướng, lò vi sóng, bàn ủi, máy sấy, máy tắm nước nóng, quạt, máy giặt,… Có thể nói là rớ tới đâu là tốn điện tới đó.

Trong khoản làm việc và giải trí, bạn phải trả tiền điện không hề ít cho máy tính, TV, dàn âm thanh theo công thức càng lớn, càng mạnh thì càng tốn điện.

Bạn cứ thử mở máy tính để bàn của mình rồi làm biếng tắt mà cho chạy suốt đi sẽ thấy đồng hồ điện nhảy lambada ra sao. Mức tiêu thụ điện ít nhiều tùy nhiều yếu tố, nhưng ở đây ta cứ căn cứ vào bộ nguồn cung cấp điện PSU cho máy tính để tính. Máy tính cà mèng cũng có PSU 400 watt hay 450 watt. Máy tính mạnh thì phải từ 650 watt trở lên, có khi hơn 1.000 watt (máy tính chơi game hay làm đồ họa nặng). Theo công cụ tính toán của hãng Cooler Master, một chiếc máy tính để bàn chạy CPU Intel Core i5 thế hệ thứ 7 tầm trung với 8GB RAM có thể ngốn gần 300w điện mỗi giờ (chưa tính màn hình và các thiết bị phụ trợ như loa, máy in, modem,…).  Như vậy, chỉ cần chạy hơn 3 giờ là đã tốn hết 1kw điện rồi.

Còn TV thì tùy công nghệ và kích thước màn hình mà có mức tiêu thụ điện nhiều ít. Một chiếc TV 32 inch Full HD nếu dùng màn hình công nghệ cũ LCD có mức tiêu thụ điện 180 watt, trong khi với công nghệ LED mới thì tối đa chỉ dùng tới 55 watt điện. Với dàn âm thanh thì công suất càng cao, càng hao tốn điện.

Bảng so sánh mức tiêu thụ điện của những thiết bị điện gia dụng.

Đó là lý do mà các hãng công nghệ không ngừng đầu tư nghiên cứu những giải pháp tiết kiệm điện cho các sản phẩm của mình, dùng cả phần cứng lẫn phần mềm.

Như đã nói ở trên, việc tiết kiệm điện không chỉ giúp bạn giảm mạnh chi phí sinh hoạt mà còn giúp bảo vệ môi trường, làm giảm gánh nặng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không chỉ có nhà máy điện mà ngay cả các thiết bị điện cũng góp phần thải vào không khí những chất khí độc hại cho môi trường. Theo trang web về năng lượng Energuide.be, trung bình một chiếc máy tính để bàn có mức tiêu thụ điện 200w mỗi giờ, chạy 8 giờ/ngày, có thể thải ra mỗi năm tới 175kg khí CO2 độc hại cho môi trường. Mức thải này là 44 tới 88kg với máy laptop.

Ngay cả ở Mỹ, nơi vốn được coi là có các nguồn điện thừa thãi, người ta cũng phải tiết kiệm điện. Một người bạn tôi định cư ở Mỹ cho biết cơ quan cung cấp điện sẽ gửi thư thông báo nhắc nhở nếu gia đình có xài những thiết bị điện như máy lạnh, tủ lạnh,… đã quá cũ, hao tốn nhiều điện và kém an toàn. Nhà chức trách đề nghị chủ nhân đổi thiết bị mới và nếu xài nhiều điện quá sẽ bị phạt nặng. Vậy là, việc tiết kiệm điện bao gồm từ ý thức của người dùng lẫn các biện pháp chế tài của nhà chức trách.

Lâu nay, chúng ta quen hô hào nhau tiết kiệm điện chủ yếu là… ít xài điện. Cụ thể là không xài quá nhiều thiết bị điện và chỉ bật thiết bị nào lên khi cần tới và có thói quen sử dụng điện một cách tiết kiệm. Đó là một giải pháp cơ bản và truyền thống. Nhưng việc tiết kiệm điện sẽ càng có hiệu quả hơn nếu như kết hợp với việc chọn dùng những thiết bị có tích hợp công nghệ và tính năng tiết kiệm điện.

Từ rất lâu rồi, các cơ quan chức năng quốc tế đã xây dựng những chuẩn mực quản lý bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện năng như các chuẩn ISO 14001 (quản lý môi trường), ISO 50001 (quản lý năng lượng),… Nhiều cơ quan, châu lục,… cũng đề ra những tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng. Quen thuộc nhất là dấu chứng chỉ Energy Star do Cục Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Năng lượng của Mỹ đưa ra năm 1992 và sau đó được áp dụng ở nhiều nước khác như Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Liên minh châu Âu (EU), lãnh thổ Đài Loan,… Các thiết bị được cấp dấu này có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn 20-30% so với tiêu chuẩn Liên bang.

Dấu chứng chỉ Energy Star

Ở Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra 2 loại tem nhãn tiết kiệm năng lượng là tem xác nhận (hình ngôi sao) và tem so sánh (hình chữ nhật) để các nhà sản xuất thiết bị có đăng ký dán lên sản phẩm công bố cho người tiêu dùng biết mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm. Với nhãn so sánh, có 5 cấp độ từ 1 sao tới 5 sao, và càng nhiều sao có nghĩa càng tiết kiệm điện ngon hơn.

Tem năng lượng (so sánh)

Với các sản phẩm tiêu thụ nhiều điện năng như máy lạnh, tủ lạnh,… các nhà sản xuất lớn trên thế giới đã trang bị những công nghệ giảm mức tiêu thụ điện. Nếu như từ lâu rồi có chiêu hẹn giờ tắt thiết bị cho đỡ hao điện, bây giờ, người ta có những tính năng thông minh để thiết bị nhận biết khi nào cần phải giảm công suất. Có máy lạnh được trang bị chế độ sử dụng 1 người để giảm công suất cho vừa đủ xài. Nhưng giải pháp được tin dùng phổ biến nhất hiện nay là dùng công nghệ biến tần inverter để quản lý nguồn điện tiêu thụ. Đây là giải pháp mà người tiêu dùng rất khoái vì có thể tiết kiệm điện một cách ấn tượng, mà không phải giảm công suất phục vụ. Từ inverter thường, hiện nay người ta đã phát triển lên digital inverter thông minh và hiệu suất cao hơn. Nhiều hãng mạnh dạn công bố rằng sản phẩm có inverter của mình có thể tiết kiệm được 40% hay 50% điện năng. Hồi cuối năm 2016, Samsung đưa ra máy lạnh dùng digital interver 8 cực mới và nói rằng chỉ sau 8 tháng là khách hàng có thể thu hồi được vốn mua máy bằng khoản tiền điện tiết kiệm được.

Chính người viết bài này đã phải ngẩn ngơ tiếc nuối vì bao năm nay mình tốn quá nhiều tiền điện. Sau khi thay máy lạnh bình thường bằng máy lạnh có inverter, tiền điện của nhà đã giảm được 1 nửa. Nhờ nhà tiết kiệm được điện như vậy mà đứa cháu làm ở Công ty Điện lực còn được cơ quan xét khen thưởng thành tích thi đua nữa đó.

Việc thay hệ thống đèn huỳnh quang ở nhà bằng đèn LED cũng giúp tiết kiệm điện ít nhất là 50%. Một chiếc bóng dài 1,2 mét dùng công nghệ LED chỉ hao có 20w, trong khi xài huỳnh quang tốn tới 40w. Thậm chí nếu mua bóng LED chất lượng cao, mức tiết kiệm điện càng ấn tượng hơn. Chẳng hạn, bóng LED 6 tấc có nhiệt độ màu 7.000K (gần với ánh sáng tự nhiên hơn) chỉ tiêu thụ có 9w điện (thay vì 20w như bóng huỳnh quang). Đèn LED không dùng chuột và tăng-phô nên càng tiết kiệm thêm.

Tất nhiên, với các thiết bị máy móc có công nghệ tiết kiệm điện, bạn phải chấp nhận đầu tư ban đầu nặng vốn hơn do giá chúng đắt hơn loại thông thường. Nhưng đó lại là thương vụ đầu tư thông minh, vì sau đó bạn giảm mạnh được chi phí điện năng và chỉ cần một thời gian là huề vốn để tiếp tục ngồi rung đùi hưởng lợi tứ bề.

• Với những thiết bị điện gia dụng ngốn điện nặng, giải pháp mà các hãng “tin dùng” nhất hiện nay là trang bị công nghệ biến tần inverter. Đây là công nghệ kiểm soát năng lượng tiên tiến nhất hiện nay, được các kỹ sư Nhật Bản và Hàn Quốc hoàn thiện ngày càng “siêu” hơn. Sứ mạng của inverter là để kiểm soát công suất của thiết bị nhằm tránh hao phí năng lượng không đáng có. Tùy vào thiết kế và tính năng kỹ thuật của từng model và từng hãng, công nghệ inverter thông thường có thể giúp tiết kiệm từ 30-50% mức tiêu thụ điện so với thiết bị không có inverter.

• Từ giữa năm 2015, Samsung đã trang bị công nghệ digital inverter cho những dòng tủ lạnh cao cấp của mình. Họ công bố trong thông cáo báo chí rằng tủ lạnh inverter của họ tiêu thụ điện năng ít hơn 46,9% so với tủ lạnh thường. Hiện nay, thế hệ máy nén digital inverter mới cho mức tiết kiệm điện cao hơn nhiều.

• Khi tung ra dòng máy lạnh trang bị công nghệ digital inverter 8 cực mới (thế hệ trước đó là 4 cực), Samsung cũng đưa ra khái niệm “mua điều hòa được hoàn vốn”. Cụ thể là sau 8 tháng, số tiền điện tiết kiệm được sẽ đủ bù cho tiền đầu tư mua máy. Theo một số nguồn chuyên môn, thế hệ máy nén digital inverter mới nhất này chỉ tiêu thụ mức điện bằng 32% so với máy nén thường, nghĩa là tiết kiệm tới 68% lượng điện tiêu thụ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài intrên báo Pháp Luật TP.HCMChủ nhật 21-5-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online.