Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Mất tự do thời công nghệ

 

Liệu bạn có cảm thấy mình thật sự thoải mái không với ý nghĩ lúc nào cũng có thể bị ai đó chụp hình, ghi âm dù cố tình hay ngẫu nhiên? Nỗi niềm biết tỏ cùng ai là dù muốn hay không, bạn vẫn phải chấp nhận chung sống với công nghệ trong thời đại công nghệ cao, Internet và di động này. Bạn có thể tùy chọn để trải nghiệm các thứ tốt đẹp mà công nghệ mang tới, nhưng lại phải mặc định chịu đựng một số hệ lụy từ công nghệ. Và dưới góc độ nào đó, bạn không còn tự do thật sự và có nguy cơ cao đang bị xâm phạm quyền riêng tư, cá nhân của mình.

Bây giờ, dù ở trong nhà hay đi ra ngoài đường, bạn đều có thể đang bị ai đó theo dõi bởi hệ thống camera giám sát đang ngày càng được mở rộng và các thiết bị giám sát (quay phim, chụp ảnh, ghi âm) ngày càng tinh vi và phổ cập. Khi kỹ thuật số chưa phát triển, các phóng viên đài truyền hình muốn quay phim phóng sự điều tra phải giấu chiếc máy quay to đùng trong túi xách hay vật dụng nào đó có khoét lỗ với quá nhiều rủi ro và bất tiện. Còn bây giờ, bất cứ chiếc điện thoại nào cũng có chức năng quay video, chụp ảnh, ghi âm chẳng những siêu rõ mà còn có thế kết nối Internet để phát trực tiếp (live stream) hay gửi về địa chỉ nào đó khắp thế giới. Các thiết bị quay phim, ghi âm loại dùng cho các điệp viên thường thấy trong phim Hollywood giờ có thể dễ dàng mua ở chợ, trên mạng. Một cây bút, một chiếc đồng hồ đeo tay, một mặt dây chuyền, một chiếc gọng kính đeo mắt, một con thú nhồi bông,… đều có thể mang trong nó một chiếc máy ghi hình.

Trên Internet và các mạng xã hội như Facebook đầy những quảng cáo bán những loại ống dòm giám sát. Chỉ cần trên dưới 50.000 đồng là bạn có được một chiếc ống dòm ban đêm. Còn với trên dưới 500.000 đồng, bạn có thể được giao tận nhà một chiếc ống dòm được quảng cáo có thể nhìn thấy biển số xe từ xa 1-2 cây số và đặc biệt là có thể chụp hình, quay video lại.

Nếu từng xem bộ phim Snowden do Hollywood dựng về câu chuyện của người điệp viên Mỹ có thật Edward Snowden khui ra trước thế giới chuyện cơ quan an ninh Mỹ theo dõi mọi người dân, bạn ắt thấy cảnh nhân vật chính dùng băng keo dán camera của chiếc máy tính laptop lại để đề phòng bị ai đó ghi hình lén qua mạng. Quả thật là các hệ thống camera an ninh mà bạn trang bị trong nhà, tại văn phòng để giám sát an toàn đều có thể “phản bội” bạn nếu như có tay tin tặc nào đó xâm nhập điều khiển chúng theo dõi chính bạn.

Chẳng trách mà nhiều nhà máy sản xuất có quy định nghiêm ngặt là nhân viên, công nhân, khách thăm có thể sử dụng smartphone nhưng phải dán kín các camera lại.

Báo New Straits Times (Malaysia) từng kể câu chuyện một đôi vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt vì… cảnh sát giao thông. Số là một hôm CSGT gửi thông báo về nhà yêu cầu người chồng nộp phạt “nguội” lỗi vi phạm giao thông do camera gắn trên xa lộ ghi được, và người vợ đã nhận thư đó. Bi kịch ở chỗ ảnh chụp rõ ràng chiếc xe vi phạm kèm theo thông báo cho thấy lúc ấy anh chồng đang lái xe chở bồ nhí đi đâu đó.

Nước Anh được coi là một trong những nước giám sát người dân chặt chẽ nhất. Hồi cuối tháng 11-2016, Luật Sức mạnh điều tra (The Investigatory Powers Act 2016) đã được thông qua cho phép các cơ quan thực thi pháp luật, an ninh và tình báo có quyền sử dụng các nguồn thông tin từ các công cụ thời kỹ thuật số để phục vụ cho công tác phòng chống khủng bố. Cơ quan hữu trách giờ đây có quyền truy cập vào các nhật ký kết nối Internet để điều tra. Từ lâu rồi, người Anh đã có những chiến dịch phản đối hệ thống camera an ninh CCTV đang được phủ kín khắp nơi, trên các con đường cho tới các nơi công cộng, tạo cho mọi người cảm giác đi tới đâu cũng bị theo dõi, ghi hình. Có người nửa đùa, nửa thật là mọi người nên đeo mặt nạ khi ra khỏi nhà.

Những hình ảnh trong cuộc vận động chống CCTV ở Anh. (Ảnh: Internet. Thanks)

Còn ở Mỹ, ngoài nỗi ám ảnh bởi các camera giao thông, camera an ninh, người dân giờ đây còn lo ngại với những thiết bị bay tự động (drone) có thể dễ dàng xâm nhập mọi nơi – không chỉ dòm qua cửa sổ mà còn có thể chụi qua cửa sổ vào nhà. Bọn drone này ngoài chuyện được gắn camera còn có thể làm được những chuyện khác, như đặt hay lấy những món gì đó. Tình hình tệ hại tới mức có những công ty đã chế ra những thiết bị, thậm chí súng, để hạ những thiết bị drone này. Chẳng hạn như hãng Battelle của Mỹ phát triển được cây súng DroneDefender nặng chưa tới 5kg sử dụng sóng radio để “hạ” những thiết bị drone trên trời ở xa chừng 400 mét. Thiết bị này đã được nhà chức trách Mỹ dùng ở Iraq để bắn hạ những chiếc drone của bọn khủng bố Hồi giáo IS.

Một khẩu súng bắn hạ drone ở Mỹ. (Ảnh: Internet. Thanks)

Nước Mỹ vẫn đang đẩy mạnh chương trình trang bị camera gắn trên người cho cảnh sát khi làm nhiệm vụ, đặc biệt là cảnh sát tuần tra. Tất nhiên, ở một đất nước mà quyền tự do cá nhân của công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật Mỹ quy định rõ ràng và chặt chẽ đối với việc tiếp cận và sử dụng các hình ảnh do các camera an ninh, giám sát ghi được. Nếu không thì xã hội ắt loạn, con người bất an.

Tôi từng đi nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa có nơi đâu lại cảm thấy chờn tay khi chụp ảnh ngoài đường như ở Mỹ. Tôi đã nếm mùi bị người ta phản ứng, thậm chí đòi xóa hình ngay tại chỗ, khi họ nghĩ rằng tôi đang chụp ảnh họ. Có lần tại California, khi thấy tôi chụp ảnh một chiếc xe cảnh sát đậu ở bãi xe, ông thầy tôi sống ở Mỹ từ năm 1975 dặn rằng chớ nên chụp ảnh cảnh sát và những gì thuộc về cảnh sát để tránh rắc rối.

Cách đây ít ngày, một anh bạn công tác trong ngành kiểm sát Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ luật ở Úc sau khi live stream một chiếc xe cảnh sát thành phố Melbourne đậu “không trả tiền” trên một đường phố đã kết rằng: “Việc mình phải làm ngay bây giờ là đi khỏi cho nhanh để khỏi rắc rối vì nãy giờ cứ dùng điện thoại ghi hình xe cảnh sát”.

Có lẽ mọi người – trừ giới báo chí – cảm thấy vui trước tin Chính phủ và Bộ Thông tin – Truyền thông đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có quy định việc đăng, phát ảnh của các cá nhân lên các phương tiện thông tin đại chúng phải xin phép, nếu không sẽ bị phạt từ 2 triệu 
đến 6 triệu đồng. Thật ra, việc này đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Chương 3 Điều 32 xác định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người 
đó đồng ý; cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà có thể làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Điều cần nói ở đây là bạn phải chấp nhận giải pháp “hồn ai nấy giữ” thôi. Bạn không thể nhân danh bí mật cá nhân riêng tư mà bắt nhà chức trách hủy bỏ các hệ thống giám sát an ninh để bảo vệ an ninh trật tự chung. Bạn lại càng không thể cấm mọi người chung quanh sử dụng các thiết bị ghi hình, ghi âm. Nhưng quyền tự do và bí mật cá nhân của bạn vẫn phải được bảo đảm, và thậm chí được ghi cả trong Hiến pháp. Vì thế, vấn đề ở đây là bảo đảm mọi chuyện diễn ra trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Nhà chức trách cũng phải tuân thủ những giới hạn nào đó đã được pháp luật quy định rõ ràng – gọi là những cái ngưỡng. Để bảo vệ người dân nói chung – những người vô tội khi chưa bị tòa kết tội – pháp luật nhiều nước quy định rõ những phương pháp thu thập thông tin, chứng cứ nào không được tòa án chấp nhận. Và tốt nhất cho tất cả là mỗi người phải luôn có ý thức tự bảo vệ chính mình. Khi làm bất cứ điều gì, ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng phải ý thức rằng mình có thể đang bị ai đó theo dõi – tất cả cốt để bạn ý tứ thôi. Nhờ vậy mà người ta ít phóng túng, buông thả, làm nhiều điều xấu xí hơn thôi. Bạn đang sống trong thời đại công nghệ cao thì phải chấp nhận sống chung với mặt phải, mặt trái của công nghệ thôi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bạn có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 30-7-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online