Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Tembin, chẳng dám hẹn tái ngộ đâu…

 

Bây giờ mới thiệt sự là xong nè. Hồi 9 giờ sáng thứ Ba 26-12-2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi bản tin có tiêu đề “cực cool” là:

TIN CUỐI CÙNG VỀ CƠN BÃO SỐ 16 (Cơn bão Tembin)

Do ảnh hưởng của bão số 16, trong tối và đêm 24/12 ở quần đảo Trường Sa đã có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 14-15; trong đó tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14.

Sáng sớm nay (26/12), sau khi đi vào vùng biển phía Nam Cà Mau, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 16) đã tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 07 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 16 (bão Tembin).”

Bản đồ do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát lúc 9 giờ ngày 26-12-2017.

Vậy là sau bản tin lúc 5 giờ sáng khẳng định bão số 16 Tembin đã suy yếu thành một áp thấp nhiệt đới mà “hồi 04 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.”, bản tin kế tiếp lúc 9 giờ chính thức đóng lại một trận bão rơi rớt mà hung dữ.

Tembin là tên quốc tế do Nhật Bản đề nghị và nằm ở vị trí thứ 5 (sau bão Kai-Tak do Hong Kong đặt tên đổ bộ Philippines hôm 16-12) trong bản danh sách số 1 (có 5 danh sách, mỗi cái chứa 28 cái tên do các nước và lãnh thổ trong khu vực “Western North Pacific and South China Sea” đề nghị và được sử dụng lần lượt). Như vậy về lý thuyết, phải 139 trận bão nhiệt đới nữa trong khu vực này, người ta mới nghe lại cái tên Tembin. Trận bão kế tiếp sẽ có tên Bolaven (do Lào đề nghị).

Thiệt là ông Trời khó mà chiều lòng hết thảy mọi người. Từ sáng 26-12, cùng với tin bão số 16 Tembin suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trên mạng truyền thông xã hội bắt đầu xuất hiện những post phê phán, càm ràm những cơ quan hữu trách khi cho là dự báo sai. Giàng ơi, nhớ nhà thơ Nguyễn Bính thời Tiền chiến viết bài thơ Tương Tư có câu “Gió mưa là bệnh của giời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Mưa bão xưa nay là chuyện của thiên nhiên. Còn chuyện dự báo thời tiết là của các nhà chuyên môn mà trên cả thế giới xưa nay vẫn phải chấp nhận vâng lời các nhà dự báo thời tiết trước đã, trúng sai là chuyện hạ hồi phân giải. Dự báo vẫn chỉ là dự báo, nào ai dám khẳng định chuyện “thiên cơ bất khả lậu” kia chớ. Mà bao đời nay, người ta vẫn cam lòng chịu rằng thà thiên tai đừng có xảy ra đúng y chang dự báo.

Một số phụ huynh hôm nay phải tiếp tục ở nhà coi con vì nhà trường vẫn tiếp tục nghỉ đã lên mạng càm ràm Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vì “quan liêu, mệnh lệnh, máy móc, thiếu chuyên nghiệp” khi cho nghỉ luôn cả ngày 26-12 mà không “thông minh” hơn để chỉ cho nghỉ chiều 25-12 và để mở ngày 26-12 thông báo sau. Oan cho sở này, bởi họ phải thi hành theo Công điện hỏa tốc số 7924 ngày 24-12-2017 của UBND TP.HCM về việc cho học sinh nghỉ học trước diễn biến của bão số 16. Mà UBND TP.HCM cũng làm vậy để thực hiện Công điện hỏa tốc số 1985 ngày 23-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động đối phó với bão số 16. Vào chiều 24-12, trong cuộc họp có mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo: “bão số 16 hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa. Dự đoán, đến chiều ngày 25-12, bão 16 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; từ tối 25-12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau, gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau – Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11”.

Mặc dù bộ máy chính quyền xứ Việt mình vẫn theo chế độ trách nhiệm tập thể, coi như có cũng như không, nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải chọn tùy chọn nào an toàn cao nhất cho tất cả. Có khi chỉ là để tránh rắc rối sau này. Mà thực tế, trước diễn biến của bão phức tạp và cơ quan chuyên môn và hữu quan đã dự báo, ai dám mạo hiểm kia chớ.

May mắn cho đồng bào ta là ngày 25-12, sau khi càn quét qua quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bão số 16 Tembin đã đột ngột bẻ ngoặt về hướng Nam và bắt đầu suy yếu dần, không trực tiếp đánh vào đất liền Việt Nam theo lộ trình dự báo trước đó. Thoát được bão dữ là hồng phúc, là ơn Trời đó thôi. Làm khó nhau chi à.

Tôi thích cách nghĩ của một số bạn coi như đây là một cuộc tổng diễn tập phòng tránh bão.

Tôi trộm nghĩ, nếu như bão 16 Tembin cứ theo quy trình đã được quy hoạch đánh vào đất liền Việt Nam theo dự báo để làm “hài lòng” những người hôm nay cảm thấy khổ sở vì “con em nghỉ học đột xuất ngoài kế hoạch” thì tình hình sẽ như thế nào. Biết bao nhiêu người sẽ lâm vào tình cảnh khốn khổ, chắc chắn còn đông hơn cả số phụ huynh đang quạu quọ vì phải coi con em trong “một ngày nắng đẹp” sau cơn mưa, trời lại sáng.

Thôi thì

Bắc thang lên hỏi ông Trời

Bão không vô nữa bị người kêu ca.

Trời rằng ta cũng giận ta

Nhưng thà không bão hơn là thiên tai.

Reply: Kính thưa ông Trời, xin Ngài cứ nhìn những người mém là nạn nhân trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 16 đang sung sướng ra sao sau khi thoát cái kiếp nạn cầm chắc, ắt Ngài sẽ hạnh phúc lắm đa khi mình đã “quyết định đúng đắn” vào phút thứ 89.

PHẠM HỒNG PHƯỚC