Thứ Năm ngày 31 tháng 10 năm 2024

Ông Táo về Trời

 

Hôm nay các ngã đường về Thiên đình kẹt xe dữ lắm, cho dù toàn bộ 88 trạm BOT trên cả nước đã đồng loạt xả trạm. Cứ thử tính coi, Việt Nam hiện có hơn 93 triệu dân với hơn 24 triệu hộ gia đình, mỗi hộ gia đình có 1 ông Táo, vị chi có tới 24 triệu (hay nhân 3 lên thành 72 triệu) con cá chép đang lưu thông trên đường trong ngày 23 tháng Chạp Đinh Dậu (8-2-2018) này. Đó là chưa kể các Táo thuộc các ngành nghề đơn vị từ tổ dân phố tới thượng tầng kiến trúc.

Nghe nói có một số Táo lo xa đã rời bếp từ nửa khuya giờ Tý canh Ba cho thông đường thoáng cầu. Táo là vị thần ở với con người gần gũi nhất nên riết cũng lây nhiễm đủ mọi thói hư tật xấu của con người, trong đó có vụ không chịu đi chung với nhau, chép ai nấy cỡi. Đáng tiếc là Thiên đình mấy năm nay lậm vào cái hội chứng rần rần dựng tượng các ông bà thần và xây cổng chào khắp các ngõ ngách, nhiều cái ngàn tỷ như lá khô rơi, nên cạn kiệt ngân sách không có tiền tậu chép 52 chỗ đưa đón các Táo chung cho đỡ kẹt xe. Nhưng mà có xe đưa đón cũng chưa chắc có bao nhiêu Táo chịu đi chung xe.  

Tôi băn khoăn không biết nên gọi là “ông Táo về Trời” hay “ông Táo chầu Trời”. Đành rằng về mục đích, ông Táo lên Trời để chầu ông Trời, nhưng giựt tít câu view “ông Táo chầu Trời” dễ bị suy diễn là trù ông Táo… chết thui lần nữa.

Nhưng cái băn khoăn lớn nhất của tôi là liệu chỉ có một Táo đại diện lên chầu Trời hay toàn bộ cả ba vị Táo cùng đi. Mà nếu đi thì ai trong 3 Táo: Thổ Công (Phạm Lang) coi bếp núc, Thổ Địa (Trọng Cao) coi nhà cửa, và Thổ Kỳ (Thị Nhi) coi chợ búa được cử đi. Cho tới nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng theo nhiều sách ghi là cả 3 vị Táo cùng về Trời (nên đồ cúng có 3 cái mũ – có 1 không có cánh chuồn cho Táo bà, 3 cái áo – không có quần à nghen, vụ này thiệt là kẹt cho Táo bà, và thả 3 con cá chép).

Mà tôi cũng ưu tư dữ lắm nghen. Việc có mối quan hệ tay ba 2 ông 1 bà trong nhà cho thấy nền tảng gia đình của người Việt ta hoặc là rất thoáng, thoáng nhất nhì thế giới luôn, hoặc là tiềm ẩn chông chênh. Viện Nghiên cứu gia đình và Giới hồi năm 2016 cho biết mỗi năm Việt Nam có 60.000 vụ ly hôn, bình quân cứ mỗi 10 cuộc kết hôn thì có 3 vụ ly hôn (chiếm 30%). Cái mối quan hệ tay ba này cũng bất thường nữa khi theo kết cấu 2 ông 1 bà thay vì lẽ thường là 1 ông 2 hay 3, 4 bà. Thiệt tình, là đàn ông với nhau, tôi không hiểu Phạm Lang và Trọng Cao sao mà giỏi chịu đựng nhau đến như vậy. Mà phải chăng bếp núc nhà Việt luôn tiềm ẩn nguy cơ “Biển Đông dậy sóng” – bếp bất ổn, nhà bất an.

Nếu theo nguyên tắc, sau khi cúng tiễn ông Táo xong là mọi nhà tắt bếp, bắt đầu cơm đường cháo chợ cho tới tận 30 Tết đón ông bà và Táo về. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào truyền thống, theo tôi trong mấy ngày Táo trồng vắng này, ta nên xài bếp điện từ không có 3 cái gù Táo quân mà nấu ăn, chớ đi ăn cơm tiệm miết chịu sao thấu.

Và theo niềm tin truyền thống của người Việt, trong thời gian từ 23 tháng Chạp tới 30 Tết, thế gian lâm vào tình trạng hỗn mang do không có ông Táo làm công việc ghi chép công tội, điều lành cái ác. Vì vậy, đây là khoảng thời gian hồn ai nấy giữ. Chỉ e rằng ông Táo thời Công nghiệp 4.0 với công nghệ Vạn vật kết nối IoT về Trời mà vẫn gắn camera an ninh nối mạng để tiếp tục giám sát gia chủ. Lát phải đi kiểm tra cho chắc ăn.

Bữa nay các thể loại cá tăng giá đột biến. Người ta mua cá để phóng sinh, riêng cá chép thì làm phương tiện chở ông Táo về Trời. Ở chợ thực phẩm An Đông (Chợ Lớn), sáng nay con cá chép nhỏ xíu cũng có giá tới 50.000 đồng.

23 ông Táo về Trời

Bà Táo ở lại làm người trần gian.

Ở trần nên dễ dối gian

30 đón Táo ngỡ ngàng Nàng Xuân.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Tranh chế từ tranh gốc từ Internet. Thanks.