Thứ Ba ngày 24 tháng 12 năm 2024

Năm Tuất tám chuyện chó

Năm Dậu qua, năm Tuất đến. Thông lệ, chúng ta ngả mũ chào năm cũ it nhiều buồn vui để đón mừng năm mới: năm Mậu Tuât. Ai cũng vậy, cuối năm dọn dẹp mọi bộn bề, sấp ngửa, đón chào năm mới, hy vọng ngập tràn. Mùa xuân, tiết trời ôn hòa, muôn hoa khoe sắc, người cũng hân hoan. Tui cũng háo hức chào xuân, hòa niềm vui cùng các bạn.

Năm mới là năm Chó. Tây gọi là “chien”, Mỹ gọi là “dog”, (đừng lầm với hotdog là món ăn giống như bánh mì kẹp xúc-xich), Tàu thì gọi là cẩu. Có bạn ắt thốt: “Dài dòng! Có gì lạ mà nói, nhiều chiện!”. Ậy! từ từ…

Hồi tui sắp “quy Mã” (nói lái theo cái style của thầy Ngô Vàng), thằng bạn thân cảnh báo: “Qua bển, nhất đàn bà, nhì chó… lạng quạng pô- lit hốt đó nghen!”. Vậy sao! Thiệt tình ở xứ người, chó được quý trọng lắm, như là người bạn thân thiết của gia đình (hình như sai sai nếu kể luôn China và Korea). Hành hạ súc vật nói chung là vô bot như chơi, nói chi hành hạ chó là cục cưng. Ở bên Tây, có nhà thương cho chó mèo, bác sĩ…chó, nha sĩ…chó. Chó được khám bệnh định kỳ, clean răng, nhổ răng hẳn hòi nha bạn. Thấy chưa! Chó đã có thứ hạng rồi đó. Chó cũng tham gia quân đội (quân khuyển), cảnh sát (cảnh khuyển), có cấp bậc, được gắn huy chương đình huỳnh chứ lị. Quân, cảnh khuyển hy sinh thì cũng tang lễ hẳn hòi… đâu ai rủa “đồ chó chết “ đâu nà! Chó được xem như hình tượng của may mắn, thinh vượng – “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang!” Phải vậy hông ta? Hoặc đâu đây trong ca dao như sự thật…trần trụi: “Chó đâu chó sủa lỗ không, bậu không ai dám giở mùng chun vô”, “tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị” hay “sống ở thế gian không ăn thịt chó, thác xuống âm phủ đâu có mà ăn” nghe nham nhở quá…

Hồi xưa, học cổ văn lớp 6, cô giáo bắt học thuộc lòng truyện “Lục súc tranh công”, bạn mình chắc còn nhớ:
….
Trâu than thở:
Trâu mỏi mệt trâu bèn năn nỉ,
Một mình trâu gánh nỗi gian nan
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.
….
Chó rên rỉ thế này:
Khắn khắn cũng một lòng phò chủ.
Kẻ đầu kia, người việc nọ,
Đứa coi ngoài, có đứa giữ trong.
Đêm năm canh con mắt như chong:
Đứa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh.
Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh,
Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.
Bao quản chui gai, lướt góc,
Chi này múa mỏ, lòn hang.
Anh trâu sao chẳng biết thương,
Nỡ lại tra lời sanh nạnh.
Ăn thì cơm thừa, canh cặn,
Ăn thì môn sượng, khoai sùng
Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều,
Có cũng rằng, không cũng chớ.
…..

Chó cũng công trạng dữ lắm nghen! Thế cho nên con người thường phong là “nghĩa khuyển” hoặc ví von “đền ơn khuyển mã” đó đa!
Nói đi thì cũng nói lại (…cho toại lòng nhau?), có thương thì cũng có ghét, người đời thường “chửi trâu, mắng chó”, xem chó như là vật xấu xa. Người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng, thuật ngữ, có nhắc đến con chó như: đồ chó, đồ con chó, đồ chó má, đồ chó đẻ, đồ chó săn, thằng chó, chó chết, thằng chó chết, đồ chó cái chó ghẻ, ngu như chó, cẩu nô tài (ám chỉ những kẻ tay sai), tuồng chó lợn, đồ chó vô chủ, đám chó hoang, chó chui gầm chạn…. thấy chưa! Khổ thân chó vô cùng.

Chó trong văn hóa ư? Có đấy. Bạn ghiền kiếm hiệp có nghe đến “đả cẩu bổng” chưa? Hay hồi đó chúng ta mê con Hạo Thiên khuyển của Dương Tiển trong Tây Du ký hoặc con chó vàng trong Lão Hạc? Đời thường hơn, tiếu lâm hơn, võ công “cẩu xực xí quách”… cái này phải hỏi ông Quốc Nguyễn chiêu thức ra sao.

Trong cuộc sống, chó là ví dụ để giáo dục. Ví dụ bài học về giữ gìn (nhất là con gái): “chó treo, mèo đậy”; về cư xử con người: “chó dại có mùa, người dại quanh năm”; về ý chí: “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”; chuyện chẳng đặng đừng: “trâu không có, bắt chó kéo cày”, “không có chó, bắt mèo ăn …kit”; tính thủy chung: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”; chuyện tào lao, nhỏ nhen: “lắt nhắt như chó đái” và sự thật… đau lòng: “chó có chê c…t, thì người mới chê tiền”… nhiều, nhiều lắm bạn ơi.

Hình như ở Korea, thịt chó là món khoái khẩu, ở Trung Quốc có ngày hội ăn thịt chó. Ở Viêt Nam ta, quán thịt chó nhan nhản với menu hấp dẫn vệ đường… chuyện cẩu tặc, chuyện chó ị ngoài đường… như chuyện thường ngày ở huyện. Khổ chưa, “đời đen như mõm chó”!

Chúng ta cũng có một thời vinh nhục, sướng khổ. Thế cho nên trong nhân gian ví von “lên voi, xuống chó”. Ngẫm nghĩ cũng hay, thâm thúy vô cùng. Người ta tôn vinh chó và cũng thóa mạ nó như hai mặt đen trắng cuộc đời. Bạn mình thấy chưa, tui đâu nhiều chuyện, tại có chuyện nhiều để nói mà thôi. Đừng trách tui nghe. Để thủng thỉnh có chuyện gì hay tui kể nữa. Chê khen gì thì bạn mình cũng nở nụ cười nghen. Năm mới đến rồi đó theo dịch chuyển đất trời…

Lại một năm sắp qua, đón chào năm mới. Năm Mậu Tuất. Dọn dẹp cái xô bồ năm cũ, chào đón năm mới chỉn chu. Xin chúc bạn mình vạn sự kiết tường…

NGUYỄN ĐỨC NHUẬN (Seattle, WA)