Thứ Ba ngày 24 tháng 12 năm 2024

VIDEO: Khám phá nhà máy trà Cầu Đất Farm (Dalat)

 

Cầu Đất Farm (Đà Lạt) là nhà máy sản xuất trà cổ nhất tại Đông Nam Á vẫn còn hoạt động. Những chiếc máy được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu từ cách đây gần 100 năm như những chứng nhân lịch sử.

Nhà máy trà Cầu Đất Farm tháng 1-2018. (Ảnh: PHP)

Tư liệu của Cầu Đất Farm cho biết: Vào năm 1896, bác sĩ Alexandre Jean Emile Yersin được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương đã thám hiểm và khai phá vùng Suối Dầu để lập trại chăn nuôi, trồng trọt, du nhập những giống cây công nghiệp vào Việt Nam.

Đến năm 1915, bác sĩ Yersin khám phá ra đỉnh Hòn Bà (Cầu Đất hiện nay), xây một trạm thực nghiệm trên đỉnh núi, ươm trồng các giống cây trong đó có canhkina (trị bệnh sốt rét) và cây trà.

Từ vườn ươm thực nghiệm ấy, người Pháp đã tìm ra vùng thổ nhưỡng thích hợp cho cây trà ở độ cao tương ứng với đỉnh Hòn Bà (1650 mét so với mực nước biển).

Sở trà Cầu Đất năm 1927. (Ảnh tư liệu)

Và nơi đây Cầu Đất Farm được chính thức thành lập năm 1927. Diện tích trồng và khai thác trà trên 600 hecta. Trong thời gian này, nhà máy chủ yếu sản xuất trà đen được đưa về Pháp tiêu thụ và xuất khẩu sang các nước khác ở châu Âu.

Đến năm 1960, chiến tranh Việt Nam ngày càng căng thẳng buộc người Pháp phải tạm dừng các hoạt động kinh tế tại Đà Lạt, sở trà Cầu Đất rơi vào tay các thương gia người Hoa.

Năm 1975, sau khi đất nước hòa bình, Sở trà Cầu Đất chính thức trực thuộc quyền quản lý của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2005, Sở trà Cầu Đất được cổ phần hóa chuyển thành Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất – Đà Lạt. Nhiều diện tích chè được trồng lại. Trong đó có 30 hecta được chuyển đổi sang trà Oolong giống Đài Loan.

Năm 2015, Seedcom chính thức mua lại Sở trà Cầu Đất và đổi tên thành Cầu Đất Farm hoạt động cho tới nay với ấp ủ mang một luồng gió mới đến cho thương hiệu trà Việt Nam có hơn 90 năm tuổi.

Video này được chúng tôi thực hiện hồi hạ tuần tháng 1-2018. Xin giới thiệu cùng các bạn.

(Xem trực tiếp trên YouTube có chất lượng cao hơn. Thanks)