Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Lăn tăn khi giáo sư Mỹ không còn được “mặc quần đùi” ở xứ Việt

 

Thiệt tình là tôi không dám tin lý do chính khiến Giáo sư Tiến sĩ Trương Nguyện Thành rời khỏi chức vụ hiệu phó trường Đại học Hoa Sen và quyết định trở về Mỹ chỉ vì ông không “đạt chuẩn bổ nhiệm làm hiệu trưởng”.

Bởi, theo tôi nghĩ, nếu thật sự muốn đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam, ông vốn là một người được đánh giá là rất giỏi về chuyên môn (ông dạy về hóa lượng tử) và được Đại học công lập danh tiếng Utah phong học hàm Giáo sư cao cấp, ông đâu cần phải đảm nhiệm chức vụ quản lý giáo dục ở xứ Việt chi cho nó lao tâm khổ trí mà tổn thọ.

GS Thành được mời về làm Phó Hiệu trưởng điều hành của Đại học tư thục Hoa Sen từ cuối năm 2016. Vào tháng 4-2018, ông được Hội đồng quản trị trường đại học này đề cử vào vị trí hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022 với số phiếu 16/18 (có 2 phiếu trắng).

Tuy nhiên, Luật Giáo dục Đại học của Việt Nam quy định: hiệu trưởng một trường ĐH phải có đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa/phòng của một cơ sở giáo dục ở Việt Nam nên GS Thành không được cấp hữu trách phê chuẩn. Trong khi đó, theo Đài BBC, tại ĐH Utah, nơi ông làm việc từ năm 1992 cho tới khi về Việt Nam làm cho ĐH Hoa Sen cuối năm 2016, GS Thanh ngoài việc giảng dạy còn tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của trường. Tiếc là, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, “hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương quản lý cấp phòng/khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam”. Vậy nên thời gian làm công tác quản lý của GS Thành ở Việt Nam chỉ được tính từ khi ông về ĐH Hoa Sen, nghĩa là mới hơn 1 năm.

Tôi không có ý kiến gì về quy định phải đạt tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp phòng/khoa mới có thể được xét bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng ĐH. Mục đích của quy định này là để đề phòng những trường hợp “thăng tiến cao tốc” do được “nâng đỡ không trong sáng”. Nhưng tôi nghĩ, cái dở ở đây là luật không có quy định những trường hợp đặc biệt để người có trách nhiệm cao nhất có thể linh hoạt gia giảm một số tiêu chuẩn không phải là cơ bản.

Cũng có những ý kiến nói rằng GS Thành cứ việc đảm nhiệm chức vụ cũ để chờ tới đủ tiêu chuẩn – nghĩa là 4 năm nữa, hay một nhiệm kỳ tới. Nhưng việc bổ nhiệm ông làm hiệu phó điều hành hồi cuối năm 2016 đã là một giải pháp tình thế giữa bối cảnh ĐH Hoa Sen suốt mấy năm qua lâm vào tình trạng tranh chấp quyền lợi giữa các nhóm cổ đông, dẫn tới có tới 2 hội đồng quản trị, trong đó có 1 cái được UBND TP.HCM công nhận “muộn” (ra quyết định công nhận hồi tháng 11-2016 cho nhiệm kỳ 2012-2017). HĐQT đề cử GS Thành làm hiệu trưởng là HĐQT mới được bầu hồi tháng 10-2017 cho nhiệm kỳ 2017-2022. Cái khó ở đây là ĐH Hoa Sen vừa có hiệu trưởng chính thức, vừa có hiệu phó điều hành.

Trên trang Facebook của mình ngày 4-5-2018, GS Thành giải thích lý do mình rời ĐH Hoa Sen: “HĐQT của ĐH Hoa Sen đề cử tôi vào vị trí hiệu trưởng với số phiếu 16/18 (2 phiếu trắng) một phần nói lên sự tín nhiệm vào khả năng của tôi. Còn việc công nhận vị trí hiệu trưởng của một trường đại học tư thục là theo luật Giáo dục Đại học của Việt Nam, tôi không có ý kiến. Có đề xuất là tôi tiếp tục giữ vị trí Phó Hiệu trưởng đến khi hội đủ tiêu chuẩn. Trong năm qua, tôi đã xây dựng được khá nhiều nền tảng cho các chiến lược dài hạn tại ĐH Hoa Sen. Tuy nhiên người hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình và cần những người phó hiệu trưởng có khả năng chia sẻ và triển khai những chiến lược này. Do đó tốt hơn là để người hiệu trưởng mới của Hoa Sen có cơ hội phát triển trường theo hướng riêng của mình dựa trên những nền tảng ấy. Với thông tin trên, tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah.”  

Vậy là theo trần tình của GS Thành, ông rời khỏi ĐH Hoa Sen là để tạo điều kiện cho hiệu trưởng mới của nhiệm kỳ 2017-2022 có thể toàn quyền điều hành nhà trường. Điều này gián tiếp cho thấy ở nhiệm kỳ mới sẽ không còn có cảnh nhà trường được điều hành bởi hiệu trưởng và hiệu phó điều hành.

Nói thiệt, tôi mà lâm vào tình thế này, tôi ắt cảm thấy bị tự ái dữ trời thần luôn á. Cho dù tôi không phải là kẻ ham hố quyền hành chi, nhưng cái mà tôi có thể chết vì tự ái khi lòng tự trọng của mình bị tổn thương.

Trong vụ GS Thành không được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, tôi ngạc nhiên tự hỏi Bộ trưởng GD-ĐT và lãnh đạo TP.HCM cũng đành ngoảnh mặt làm ngơ ư. Đúng là mọi sự phải tuân theo luật định, nhưng luật định cũng bởi chính ta đưa ra. Phải chăng họ cũng đành bó tay vì luật do quốc hội ban hành. Kẻ bị ám ảnh bởi thuyết âm mưu như tôi dễ nghĩ hay là trong đầu óc họ đã có những toan tính khác rồi. Mà có lẽ đâu phải ai cũng biết và có thể chấp nhận cái thực tế “người tài có tật”.

Tóm lại, bất luận thế nào, với việc GS Trương Nguyện Thành phải quay trở lại Mỹ sau hơn một năm làm việc cho ngành giáo dục ở Việt Nam, chúng ta quả thật đã để mất đi một người có tài. Nhưng cái bị mất lớn nhất và quan trọng nhất chính là hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế – chí ít là trong lĩnh vực giáo dục và học thuật. Nó có thể làm chùn chân những người khác.

Và để giúp làm giảm nhẹ nỗi lăn tăn, tôi nghĩ: có lẽ đó cũng là hành xử đầy cá tính của một vị giáo sư Mỹ có cá tính mạnh mẽ khi từ một cậu học trò nhà nghèo tự vươn lên tới chỗ đứng như thế này.

(Xin phép được tiết lộ: tôi cũng có gốc Bình Định đó nè.)

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Giáo sư Trương Nguyện Thành. (Nguồn: Internet. Thanks).