Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thượng thơ hơ hớ…

 

Thượng thơ bộ Kế – Đầu (không biết có quan hệ chi với sao Kế Đô không) sáng 6.6.2018 tâm tình với báo giới ở hành lang Quốc hội rằng toàn bộ dự luật Đặc khu “không có một chữ nào về Trung Quốc”. Cái rồi ông quy chụp thiên hạ là “cố tình hiểu theo huớng đó, đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta và Trung Quốc”.

Khác với nhiều bạn, tôi đồng ý ngay với ông này là đốt đuốc dừa, đuốc mù u cũng không thấy có chữ “Trung Quốc” nào trong dự luật. Con dân Việt thiệt pậy pạ nà. Toàn đầu óc Việt New và có vấn đề về đọc hiểu, chữ ngộ thành chữ quá.

Khoản 4 của điều 54 trong dự luật chỉ ghi: “nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh” thôi nà. Vậy mà cũng bị suy diễn thành Trung Quốc là sao! Giáp Quảng Ninh có thể là “nước biển”. Cùng lắm thì cũng là “nước lạ” thôi mà.

Thiệt ra, không ai dám nói rằng dự luật đó phục vụ cho các ý đồ lâu dài của nhà cầm quyền TQ đâu. Nhưng nếu ta không nhìn xa trông rộng (mà nghĩ cũng chẳng cần mỏi mắt chi, chỉ cần liên hệ với nhiều hiện tượng chung quanh, kế cả những trường hợp cụ thể) để mà chặt chẽ ngay từ đầu, các con cháu và các nhiệm kỳ kế tiếp của những người soạn thảo và bấm nút thông qua chắc chắn sẽ phải trả giá đắt bằng cả giang sơn. Không phải vô duyên cớ mà người ta lo luật này có thể bị Beijing lợi dụng.

Có một thượng thơ khác khẳng định chưa có chuyện người TQ mua đất ở VN. Có lẽ ông trăm công ngàn chuyện nên không có thời gian đọc báo lề phải. Bởi lâu nay báo chí đã khui ra và báo động về tình trạng người TQ dùng kế “kim thiền thoát xác” trong bộ tam thập lục kế (36 kế) binh pháp Trung Hoa xưa để thu gom đất béo bở ở Nha Trang, Đà Nẵng,… Có khi chuyện này đã xảy ra đầy ở cả 3 nơi sắp thành đặc khu bởi vị thế địa chính trị của 3 đặc khu này quá hiểm với ta mà quá đắc địa với sách lược bành trướng đường lưỡi bò của “nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam” ở một đặc khu. Chỉ cần nhìn bản đồ ắt thấy ngay vị thế 3 đặc khu này.

Dân thấy hết nên dân lo chuyện lẽ ra các quan ở vị thế ngồi trên ngồi trước ắt thấy rõ thấy xa hơn dân.

Như tôi đã thưa trình trước giờ, không phải con dân phản đối việc lập đặc khu khi mà nhà nước quyết chí thành lập cho bằng được. (Có tài liệu nói rằng có tới 50% đặc khu trên thế giới đã thất bại). Trong tình thế chẳng thể nào khác đi, người dân chỉ muốn góp ý để luật đã ra thì phải thiệt chặt chẽ, lường trước hết mọi nguy cơ, kịch bản. Không giống hầu hết luật khác, luật này có nguy cơ cao về chủ quyền lãnh thổ trong bối cảnh Lý Thông nhan nhản bủa vây khắp hình hài chữ S mà tổ tiên ta hình thành, bảo vệ suốt 4.000 năm để trao lại cho chúng ta thụ hưởng. Một đồng nghiệp nổi tiếng của tôi có nói rằng: người dân chỉ “có thể” góp ý trước giờ H. Bởi sau khi luật đã ra đời, ai phản đối là vi phạm pháp luật, thậm chí bị quy vào tội chết là chống phá nhà nước. Tôi đóng ngoặc chữ “có thể” vì lẽ ra tốt cho tất cả đó phải là “có quyền”. Có thể nói rằng là “hồng phúc của cả dân tộc” khi mà người dân vẫn còn muốn góp ý chung tâm trí với nhà nước về việc dân chuyện nước. Sau khi con dân đã nỗ lực góp ý chung tay với nhà cầm quyền để luật được hoàn hảo và an toàn mà nếu luật cứ được thông qua “bằng bất cứ giá nào” thì chỉ biết gọi là… định mệnh.

PHẠM HỒNG PHƯỚC