Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Lý quốc ngữ…

Thôi thì cứ coi “lý quốc ngữ” mà tôi gọi giống như “lý cây đa”, “lý quạ kêu”,… vậy cho nó thiện lành. Tôi không phải là một nhà chuyên môn về ngôn ngữ học hay văn học, nên chẳng dám lạm bàn chi tới những gì thuộc về chuyên môn. Vậy nên thay vì đăng đàn “một vài vấn đề về quốc ngữ”, “một số suy nghĩ về quốc ngữ”, tôi nằm khễnh ra vắt chân lên trán mà ê a hát “lý quốc ngữ” nhớ lại thời ê a đánh vần những con chữ đầu đời trong cái thấu cảm lời ca da diết của nhạc sĩ Phạm Duy trong bài Tình Ca bất hủ.

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”

Theo thiển ý của tôi, cái cốt lõi của mọi sự đụng chạm tới chữ quốc ngữ nó nằm trong cái triết lý và đạo lý ” Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm, thành tiếng lòng tôi”.

Tôi thấy sai từ cơ bản, cả về khoa học lẫn đạo lý, cái luận cứ biện minh rằng một trong những mục tiêu cải cách cách dạy tiếng Việt là để “trẻ em khỏi phải tiếp tục học ở nhà, để người mẹ khỏi bận tâm chuyện dạy đánh vần cho con”. Bởi theo tác giả, chỉ có cô giáo được đào tạo chuyên nghiệp mới có thể dạy cho trẻ đánh vần đúng tiếng Việt thời công nghệ. Vậy thì, đứa trẻ ra đời nếu không đến trường sẽ không thể nào học đánh vần được tiếng mẹ đẻ của mình. Những người mẹ sẽ bị tước đoạt cái quyền thiêng liêng là dạy cho con mình những cách ráp vần đầu đời khi nó chưa tới tuổi đến trường, dạy cho nó đọc những câu chữ mà mình đã à ơi ru con từ trong bụng và thuở còn nằm nôi. Mọi nỗ lực truyền bá tiếng quốc ngữ theo hình thức “bình dân học vụ”, “xóa mù chữ” coi như chỉ còn là quá khứ. Tiếng Việt bị hàn lâm hóa từ đó.

Trẻ em đầu đời và những người mới học tiếng Việt chỉ cần biết đánh vần, ráp chữ sao cho đơn giản, dễ hiểu, có thể nhanh chóng thành chữ, thành câu. Sao lại bắt họ trở thành những nhà ngôn ngữ học phải thấu đáo những lẽ cao siêu của ngôn ngữ mình đang học… vỡ lòng?

Liệu có ai nhìn thấy sự bất cập khi trong cùng một nền giáo dục chính thống lại tồn tại những cách dạy tiếng quốc ngữ, cách đánh vần khác nhau?

Ngay cả các học giả uyên thâm trước nay vẫn khẳng định ngôn ngữ đương thời của bất cứ thứ tiếng nào cũng đều chưa hoàn thiện. Nó là sinh ngữ vẫn cần phát triển, bổ sung theo sự tiến hóa của xã hội và con người. Nhưng phát triển, hoàn thiện chứ không phải là xóa bỏ làm lại như thể từ đầu. Cho dù chưa ưng ý theo ý các nhà chuyên môn, nhưng cái gì đã được toàn dân chấp nhận và sử dụng đã lâu phải được giữ nguyên và coi như một chuẩn mực.

Cũng rất cần các nhà chuyên môn có tâm huyết (phân biệt với những người háo danh, hám lợi hay có những tà ý nào đó) – nói đơn giản là những nhà chuyên môn tử tế hay nói theo trend là những nhà chuyên môn thiện lành dày công có những công trình nghiên cứu hoàn thiện và làm giàu cho tiếng Việt. Nhưng cũng cần phải minh bạch phân biệt giữa nghiên cứu và ứng dụng. Sự phân biệt này cũng phải đến ngay từ cộng đồng để tránh tình trạng lôi chuyện người ta đang nghiên cứu chưa kết luận mà làm như chuyện đã rồi, rối từ hàng hậu vệ tới hàng tiền đạo.

Bất cứ một công trình nghiên cứu nào được giới chuyên môn, và tốt nhất là có cả cộng đồng, đánh giá là có giá trị và khả tín, khả thi đều phải trải qua thí nghiệm cẩn trọng trước khi ứng dụng chính thức. Nhưng đã thí nghiệm thì cần phải có giới hạn thời gian, không thể cứ như kiểu ông bà mình gọi là “chửa trâu” được. Liệu có bất thường không khi một công trình được đưa vào thử nghiệm suốt từ năm 1979 tới nay vẫn tiếp tục là thử nghiệm. Và trải qua thời gian thử nghiệm vắt qua mấy thế hệ như vậy, hơn 800.000 học sinh đã phải học bằng phương pháp thử nghiệm đó. Vậy nên rất cần cơ quan chức năng là Bộ Giáo có quyết định rõ ràng, muộn còn hơn không, trả lại sự công bằng cho cả nhà nghiên cứu lẫn người đang phải thử nghiệm miết mà chẳng biết đi về đâu, ngày mai sẽ ra sao.

Như đã nói, tôi không dám đánh giá về chuyên môn công trình nghiên cứu nào hết. Tôi cũng nghĩ một cách thiện lành là các tác giả rất có tâm huyết. Nhưng rất nhiều thứ trên đời này không chỉ cần có tâm huyết là đủ. Ngay cả tài năng xuất chúng đi nữa cũng phải được dùng đúng chỗ và đúng hướng.

Nhân tiện, tôi cũng xin bảo lưu ý nghĩ từ bao nhiêu năm nay của mình là việc biên soạn sách giáo khoa của ngành giáo dục xứ mình còn bất cập. Một ông thầy dạy trung học của tôi trước 1975 giờ vẫn tiếp tục dạy nói rằng: “Sách giáo khoa hiện nay là do các tác giả muốn chứng tỏ trình hiểu biết của mình, muốn khè những thầy cô đứng lớp chớ không hẳn để dạy học sinh”. Không biết ở các nước khác ra sao, chớ sách giáo khoa ở Việt Nam có đẳng cấp hàn lâm cực cao khi hầu như toàn là các giáo sư, tiến sĩ chịu nhọc công soạn sách cho học trò phổ thông, thậm chí từ lớp 1. Một vấn đề tất nhiên sẽ được giải thích khác nhau giữa những người có trình độ khác nhau.

Tôi nhớ lại thời mình học phổ thông ở Saigon trước năm 1975. Lúc đó, Bộ Giáo dục VNCH chỉ đưa ra khung chương trình, yêu cầu về nội dung chuẩn rồi để cho bất cứ ai muốn cũng có thể soạn ra những bộ sách giáo khoa riêng. Tất nhiên không hề có chuyện muốn dạy gì thì dạy. Chẳng hạn, học về thời đại nào đó hay về một tác phẩm nào đó, mỗi tác giả có cách giảng giải, chiêm nghiệm theo ý mình. Đường nào rồi cũng phải quy về Thành La Mã, trăm sông rồi cũng đổ về biển. Học gì, học ai, học ở đâu không thành vấn đề, cái chính là cuối cùng học sinh phải vượt vũ môn với các chuẩn mực chung cả quốc gia do Bộ Giáo dục quản chặt. Thường thì sách giáo khoa lớp nào, cấp nào do các giáo viên nổi tiếng đang dạy cấp đó biên soạn. Bên cạnh bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục soạn và in ấn, chủ yếu cho các trường công lập và phát cho các học sinh dùng, các trường và mỗi thầy cô còn được quyền chọn bộ sách giáo khoa nào mà mình ưng ý nhất. Tôi nhớ hồi đó học ở Trung học Công lập Kiến Tường, là một “chuyên gia trưởng lớp”, năm nào tôi cũng làm công việc thu tiền của các bạn để gởi thầy về Saigon mua các cuốn sách giáo khoa mà thầy khuyên dùng và chọn dạy. Xin nhắc là không phải nhà trường chọn sách, mà ngay cả từng thầy cô ở ngôi trường tỉnh lẻ sát biên giới chiến sự căng thẳng của tôi cũng được trao quyền tự chọn các bộ sách mà mình dùng để dạy học sinh.

Học giả nổi tiếng Phạm Quỳnh (1892-1945) có câu nói bất hủ: “Tiếng ta còn nước ta còn.” Cải cách giáo dục là cần thiết với mục tiêu làm cho giáo dục tốt hơn lên, nhưng chỉ xin đừng đụng chạm tới cái gốc nền tảng là tiếng quốc ngữ của dân tộc Việt Nam. Chỉ nên làm giàu nó chớ đừng nên thay đổi nó. Liệu có phải là một kịch bản phim khoa học giả tưởng của Hollywood không khi cả một đất nước phải đi học lại từ đầu cách viết chữ quốc ngữ, cách đánh vần chữ quốc ngữ của mình. Tôi sợ và tôi hờn!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.