Chủ nhật ngày 05 tháng 1 năm 2025

Lại tiếp tục tìm thêm 3 ngày nữa với chuyến bay JT610 rơi trên Biển Java

VỤ TAI NẠN MÁY BAY LION AIR JT610 Ở INDONESIA

Ngày 7-11-2018, Indonesia đã quyết định kéo dài nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân của chuyến bay Lion Air JT610 rơi xuống Biển Java sáng sớm 29-10-2018 thêm 3 ngày nữa. Trước đó, ngày 4-11, khi đã qua 7 ngày tìm kiếm mà chưa thể hoàn tất, Indonesia đã mở rộng thời gian tìm kiếm thêm 3 ngày.

Cho tới nay, có tổng cộng 186 túi đựng thi thể nạn nhân tìm thấy đã được đưa về bệnh viện cảnh sát tại Jakarta để xác định danh tính. Do có một số nạn nhân không toàn vẹn thân xác nên có những túi chứa các bộ phận cơ thể của một số nạn nhân. Muhammad Syaugi, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas), cho biết trong một cuộc họp báo rằng: các chuyên viên pháp y chỉ mới xác minh được danh tính của 44 nạn nhân.

Toàn bộ 189 người trên chuyến bay JT610 gồm 181 hành khách (có 1 trẻ em và 2 bé sơ sinh) và 8 nhân viên đội bay (2 phi công và 6 tiếp viên) đều tử vong.

Chiếc máy bay Boeing B737 MAX 8 cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Jakarta lúc 6g20 và mất liên lạc với đài không lưu lúc 6g33 ngày 29-10-2018 (tức 19g33 tối 28-10 theo giờ ET ở Mỹ). Dự kiến, máy bay sẽ đáp xuống sân bay Depati Amir ở Pangkal Penang (thành phố lớn nhất trên đảo Bangca) khoảng 7g20. Khi mất liên lạc 13 phút sau khi cất cánh, máy bay đang ở độ cao khoảng 3.000 feet (914 mét).

Các đội tìm kiếm đã tìm vớt được các động cơ và các bánh xe của máy bay. Họ cũng đã tìm được chiếc hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và vẫn đang còn phải tìm chiếc hộp đen thứ 2 ghi các cuộc trao đổi giữa các phi công trong buồng lái.

Nhân viên điều tra ngày 4-11-2018 đang kiếm tra một động cơ phản lực tìm vớt được.

Nhân viên điều tra ngày 4-11-2018 đang kiếm tra một động cơ phản lực tìm vớt được. (An Indonesian National Transportation Safety Commission (KNKT) official examines a turbine engine from the Lion Air flight JT610 at Tanjung Priok port in Jakarta, Indonesia, November 4, 2018. Picture taken November 4, 2018. REUTERS/Beawiharta)

Nhân viên điều tra ngày 5-11-2018 đang kiếm tra một bộ bánh xe máy bay tìm vớt được.

 Ngày 6-11-2018, hàng trăm thân nhân và đồng nghiệp của các nạn nhân đã được 2 chiếc tàu hải quân chở ra gần vị trí máy bay rơi để tưởng niệm. Rất nhiều hoa đã được thả xuống Biển Java.

Thân nhân và đồng nghiệp của các nạn nhân ngày 6-11-2018 được tàu hải quân chở tới nơi máy bay rơi trên Biển Java.

Một thân nhân đang ném những cánh hoa xuống biển, nơi máy bay lâm nạn. (A relative sprinkles flowers for the victims of the crashed Lion Air flight 610 from an Indonesia Navy ship in the waters where the airplane is believed to have crashed in Tanjung Karawang, Indonesia, Tuesday, Nov. 6, 2018. (AP Photo/Tatan Syuflana)

Theo dự kiến, báo cáo bước đầu về nguyên nhân tai nạn, phân tích từ dữ liệu thu được chứa trong hộp đen, sẽ có vào cuối tháng 11-2018. Tuy nhiên, hôm 5-11, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho biết các dữ liệu ghi được trong hộp đen (bao gồm dữ liệu của 19 chuyến bay đã thực hiện) cho biết đồng hồ tốc độ bay của chiếc máy bay đó đã không hoạt động tốt trong suốt 4 chuyến bay cuối cùng, bao gồm chuyến bay định mạng. Trong chuyến bay sáng 29-10, chiếc máy bay đã tăng tốc khi nó đột ngột mất độ cao và rồi biến mất khỏi màn hình radar của đài kiểm soát không lưu.

Chắc chắn, vụ tai nạn máy bay rơi ở Indonesia này sẽ ảnh hưởng không ít tới hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ).

Chiếc máy bay lâm nạn thuộc thế hệ Boeing B737 mới – MAX 8 – model này chỉ mới được dùng trong thương mại từ năm 2016. Dòng B737 Max series (gồm 4 model Max 7, Max 8, Max 9 và Max 10) là dòng máy bay bán chạy nhất trong lịch sử hãng Boeing, có ưu điểm về hiệu suất nhiên liệu. Có gần 4.700 đơn đặt hàng trên khắp thế giới. Cho tới nay, hãng đã giao cho khách hàng được 219 chiếc B737 MAX. Chiếc máy bay lâm nạn của hãng Lion Air mới được đóng năm 2018 và vừa được hãng đưa vào hoạt động từ ngày 15-8-2018, chỉ mới bay được khoảng 800 giờ bay.

Hai phi công lái chuyến bay JT610 có nhiều kinh nghiệm. Phi công trưởng Bhavye Suneja, người Ấn Độ, có hơn 6.000 giờ bay, và phi công phó Harvino có hơn 5.000 giờ bay.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.