Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Lời chúc Lương Sư… lương gì cũng tốt

Xin chúc mừng quý Thầy, quý Cô, các bạn đang làm trong ngành Giáo dục trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2018. Chỉ xin được chúc quý Nhà Giáo tìm thấy được ít nhiều niềm vui trong ngày của mình để thêm ấm lòng và vững lòng trên con đường truyền trao tri thức cho các thế hệ đàn em.   

Cho dù vẫn là cái cố tật khó bỏ nặng về hình thức mà nhẹ hẫng về thực chất, vồn vã tri ân các cấp lãnh đạo mà quấy quá chăm lo cho người của mình, sự kiện Ngày Nhà giáo luôn là một dịp để nhắc nhớ đa chiều: bổn phận của người thầy, tấm lòng của học trò, và trách nhiệm của phụ huynh (xã hội) cùng chung một đích đến là dạy và học ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Giống như các thầy thuốc, nhà giáo không chỉ là một nghề nghiệp mà hơn thế nữa còn (phải) là một thiên chức, thậm chí có thể nói là một cái duyên hay một cái nghiệp. Người ta có thể dạy học, nhưng để được gọi là người thầy thì phải có những điều kiện ắt có và đủ. Nếu chỉ chọn nghề giáo như một phương tiện mưu sinh, cho dù nhất thời, thì không thể trách được nỗi buồn bán chữ.

Nhưng nhà giáo vẫn là con người, cần phải sống, và ông bà ta đã xác tín: “có thực mới vực được đạo”. Không hề là thực dụng khi nói rằng: chỉ bao giờ nhà giáo được giải phóng khỏi nỗi lo tới ám ảnh mang tên cơm áo gạo tiền thì thầy cô mới có thể tập trung được nhiều tâm trí lo cho học trò. Thầy nghèo, gia đình nheo nhóc hay bấn bíu, ăn bữa nay lo cho ngày mai, thì dù có nặng lòng với học trò cũng chỉ là hãn hữu và không thể lâu dài.

Có vẻ như môi trường giáo dục là một trong ít nơi đang diễn ra sự phân hóa nghiệt ngã nhất. Cùng làm nghề dạy học, nhưng thầy cô ở thành thị khác biệt một trời thương nhớ với thầy cô ở vùng quê, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Ngay cả nội trong một ngôi trường cũng có sự khác biệt giữa thầy cô dạy các bộ môn hót hòn họt có thể dạy thêm, với những thầy cô dạy môn phụ. Có thể nói rằng, phần lớn thầy cô mà giàu có hiện nay không phải là nhờ ở cái nghề của mình được đãi ngộ xứng đáng, nhưng chính là nhờ giỏi làm giáo dục. Kinh nghiệm từ thế giới và từ ngàn xưa, xã hội luôn được hưởng lợi đủ thứ một khi thầy thuốc và thầy giáo được đãi ngộ xứng đáng và có thể an tâm sống tốt với nghề của mình. Chỉ có các chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng cho ngành giáo dục mới có thể đem lại sự giàu đều cho các người anh chị em nhà giáo thiện lành.         

Người xưa có câu “Lương sư hưng quốc” – nôm na có ý thầy giáo tài đức sẽ giúp quốc gia hưng thịnh. Một người bạn là giảng viên đại học đã cám cảnh thực tế mà suy rộng ra rằng: “nhà giáo có lương tốt thì quốc gia mới thịnh vượng được”. Tôi sực nhớ, dịp 20-11-2006, Bộ trưởng Gíao dục – Đào tạo hồi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân có công bố rộng rãi việc bộ này sẽ xây dựng đề án lương và phụ cấp cho giáo viên theo lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 để trình Chính phủ, sao cho từ năm 2010 trở đi, các thầy cô giáo sống được bằng lương của mình. Tới nay cái thời hạn đó đã trôi qua 8 năm mà mọi sự cứ vũ như cẩn vẫn như cũ. Vậy nên, tôi xin giải thích cái câu “Lương sư hưng quốc” theo nghĩa mà nhà giáo nào cũng tâm tư, đó là “Nhà giáo sống được bằng lương thì quốc gia mới giàu mạnh”.

Chúc mừng quý Thầy, quý Cô và các bạn làm trong ngành Giáo dục.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc: Internet. Thanks.