Thứ Hai ngày 09 tháng 12 năm 2024

Mỹ và Trung Quốc chịu 90 ngày chưa tăng thêm thuế

Cuộc gặp được cả thế giới mong chờ nhất tại Cuộc gặp thượng đỉnh G20 ở Argentina này chính là cuộc “đối đầu” giữa hai tay chơi đang kình nhau dữ dội nhất trên trường quốc tế là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping). Và hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới cũng đang lâm vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lớn và nghiêm trọng nhất hiện nay đã có một buổi ăn tối làm việc (working dinner) bên lề G20 tối 30-11-2018.

Bữa ăn tối làm việc giữa Tổng thống Donald Trump (bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) bên lề Hội nghị G20 ở Argentina tối 30-11-2018.

Kết quả là hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung đã đồng ý tạm ngưng các quyết định tăng thêm thuế quan – như ông Trump đã đe dọa và dự định áp dụng từ ngày 1-1-2019 trong vòng 90 ngày để hai bên có thể tiếp tục thương thảo.

Vài giờ sau buổi ăn tối đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã nói với báo giới tại thủ đô Buenos Aires rằng: “Hai bên tin rằng thỏa thuận nguyên tắc (principled agreement) vừa đạt được giữa hai nhà nguyên thủ ngăn chận một cách hữu hiệu việc mở rộng hơn nữa các bất đồng kinh tế giữa hai nước.”

Trong khi đó Nhà Trắng đánh giá cuộc gặp này là “hết sức thành công (highly successful)”. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói trong một thông cáo rằng: Mỹ sẽ giữ mức thuế hiện nay đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là 10% và tạm không tăng lên 25% từ ngày 1-1-2019 như đã có kế hoạch. Đổi lại, Mỹ muốn bắt đầu ngay lập túc các cuộc thương thảo về những than phiền lớn nhất của Tổng thống Trump đối với các hành vi thương mại của Trung Quốc: ăn cắp sở hữu trí tuệ, các hàng rào phi thuế quan và ăn cắp trên mạng (Trump’s biggest complaints about Chinese trade practices: intellectual property theft, non-tariff barriers and cyber theft). Bà Sanders nhấn mạnh: Sau 90 ngày, nếu không có tiến bộ về cải tổ cơ cấu, Mỹ sẽ tăng các mức thuế đó lên 25%. Bà cho biết thêm, Trung Quốc cũng đã đồng ý tăng cường mua hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ để giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch với Mỹ (năm 2017, cán cân thương mại đã bị lệch tới 375 tỷ USD, nghiêng về phía Trung Quốc). Thậm chí ông Trump từng có lần cáo buộc rằng: “Trung Quốc đã lấy đi 500 tỷ USD mỗi năm ra khỏi quốc gia của chúng ta và đang xây dựng lại Trung Quốc.”

Còn ông chủ Nhà Trắng trong tuyên bố về cuộc gặp Mỹ – Trung bên lề G20 nói: “Đây là một cuộc gặp kỳ thú và có hiệu quả với các khả năng không có giới hạn cho cả Mỹ và Trung Quốc. Tôi rất hân hạnh được làm việc với Chủ tịch Tập.” (This was an amazing and productive meeting with unlimited possibilities for both the United States and China. It is my great honor to be working with President Xi.)

Như vậy, thời điểm để Mỹ tăng thuế quan với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên 25% nếu vẫn phải diễn ra sẽ được lùi lại 60 ngày.

Với kết quả này, trong chừng mực nào đó, người ta có thể gọi là win-win, đem lại sự hài lòng cho cả hai bên. Ngay từ trước đó, không ai kỳ vọng rằng sự căng thẳng tới tầm mức chiến tranh thương mai (thật ra còn có cả chính trị, quân sự) giữa hai nước lớn ở hai bờ Thái Bình Dương lại có thể giải quyết được trong một bữa ăn tối làm việc bên lề G20. Có vẻ hai “đấu sĩ” trpng cuộc gặp nhau này cũng hiểu rõ hơn vị thế và các giới hạn của mình – kể cả cái gọi là sĩ diện. Ai đó cương quá lố thì cũng phải được tạo điều kiện cho giảm nhiệt. Ai đó muốn gồng đánh bài cứng thì cũng cần phải được tạo cơ hội để xả gồng. Bởi trong cuộc chiến này, càng kéo dài, càng tăng cường độ thì cả hai bên cùng thiệt hại, có khác chăng là kẻ ít người nhiều. Và do vị thế của họ trên trường quốc tế, cả thế giới đều bị văng miểng nặng hay nhẹ. Chưa tính tới những hệ lụy khôn lường phái sinh từ đó. Vì thế, người ta chỉ cần hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung đồng ý trên nguyên tắc để có thêm thời gian và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng đôi bên tìm ra giải pháp hòa giải mà cả hai bên có thể chấp nhận được. Miễn là hai nhà lãnh đạo đừng manh động thêm. Và ơn giời, họ đã biết kiềm chế.

Nói có vẻ phi ngoại giao, nhưng có lẽ Bắc Kinh vẫn phải chịu nhường một bước nào đó bởi thực tế, người khôn ngoan ắt hiểu không thể chơi tay đôi một mất một còn với Mỹ. Huống như nước Mỹ giờ đây đang được điều hành bởi “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO” Donald Trump. Không gây căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc ắt phải chịu bớt đi phần nào lợi nhuận, nhưng chắc chắn là chẳng bao giờ thua lỗ.

Nhân tiện, tuy cùng ngó về cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 của Nhóm G20 gồm 19 nước và Liên minh Châu Âu EU, nhưng thật ra, thế giới chủ yếu quan tâm tới 2 cuộc gặp song phương Mỹ – Trung và Mỹ – Nga. Đó mới thật sự là những sự kiện thực chất có ảnh hưởng thực tế tới cả thế giới. Tiếc là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bỏ lỡ một cơ hội khi không lâu trước khi đi phó hội đã để xảy ra căng thẳng giữa Nga với nước láng giềng Ukraine sau khi cảnh sát biển Nga hôm 25-11-2018 đã nổ súng bắt giữ 3 tàu chiến cùng 24 thủy thủ Ukraine khi họ đang tìm cách băng qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov. Eo biển này là một con đường hẹp mà trước đây 2 nước sử dụng chung. Hậu quả của vụ căng thẳng này là Tổng thống Mỹ đã hủy bỏ cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga bên lề G20. Thêm một cơ hội để giảm van căng thẳng Mỹ – Nga đã bị vuột mất.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.