Ngày đầu năm mới 2019, mời bạn nghe lại ca khúc bất hủ Happy New Year
Happy New Year
Ngày đầu năm mới Dương lịch, người Việt mình khó thiếu vắng ca khúc Happy New Year của ban nhạc Thụy Điển ABBA. Đây là một bản nhạc năm mới có vẻ khác thường.
ABBA thành lập năm 1972 và tan rã năm 1982 với cái tên ghép từ mẫu tự đầu tiên của 4 thành viên gồm 2 nam (Björn Ulvaeus, Benny Andersson) và 2 nữ (Agnetha Fältskog, Anni-Frid Lyngstad). ABBA là một ban nhạc nổi tiếng thế giới, là một trong số ít nghệ sĩ âm nhạc có số đĩa bán được nhiều nhất thế giới trong mọi thời đại (ít nhất là 400 triệu bản ghi âm). Nhưng Happy New Year không phải là một ca khúc nổi tiếng thế giới mà chỉ tại quê hương Thụy Điển và một số nước không nói tiếng Anh, trong đó có Việt Nam.
Thực tế đây là một bản nhạc có lời lẽ buồn nhưng lại có một giai điệu “bắt hồn vía” người nghe, tạo ra một cảm xúc lạ trong khi chờ đón Giao thừa sang Năm mới. Cụm từ “Happy New Year” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Và cả 3 câu “May we all have our hopes, our will to try. If we don’t we might as well lay down and die. You and I.” có ý nghĩa là tất cả chúng ta đều có những hy vọng của minh và mong muốn cố gắng đạt được chúng, vì nếu không thì chúng ta có thể nằm xuống mà chết.
Ban đầu, bài hát tiếng Anh này ra đời với cái tên có vẻ hài hước “Daddy Don’t Get Drunk on Christmas Day” (Cha ơi đừng say rượu vào ngày Giáng sinh) và sau đó nó mới được đổi tên thành Happy New Year. Năm 1980, bài hát Happy New Year này được ghi âm và phát hành trong album Super Trouper gồm 10 ca khúc của ABBA. Mãi tới năm 1999, Happy New Year mới được ABBA phát hành với hình thức đĩa đơn (single) ở Châu Âu. Từ điển bách khoa Wikipedia cho biết, Felicidad, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của bài hát này đã được phát hành ở Mỹ dưới hình thức đĩa CD vào năm 1994.
Từ năm 2008, ca khúc Happy New Year được phát hành trở lại tại nhiều nước trên thế giới và được đón nhận tốt hơn.
Xin mời các bạn cùng thưởng thức lại ca khúc Happy New Year qua sự trình bày của chính ban ABBA. Nó được đưa lên kênh ABBA trên mạng YouTube ngày 8-10-2009 và tới nay đã có gần 47 triệu lượt xem.
Auld Lang Syne
Trong khi đó, bản nhạc năm mới nổi tiếng nhất thế giới lại là Auld Lang Syne, một bài thơ tiếng Scotland do nhà thơ Robert Burns nổi tiếng của Scotland viết năm 1788 và được phổ nhạc dưới dạng một dân ca. Ông đã gửi một bản gốc của bài hát này tới Viện Bảo tàng Âm nhạc Scotland với lời ghi chú: “Bài hát này, một bài hát cổ, của thời xa xưa, và chưa bao giờ được in, thậm chí chưa bao giờ được viết ra cho tới khi tôi ghi lại nó từ một ông già.”
Cũng giống như Happy New Year, Auld Lang Syne là một bài hát buồn, nói về sự chia tay, được dùng để chia tay năm cũ sang năm mới.
Trước năm 1975 ở miền Nam, ca khúc Auld Lang Syne được phong trào hướng đạo Việt Nam dùng bản tiếng Việt để hát mỗi khi tan trại: “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau.”
Các đoàn hát cải lương, kịch trỗi nhạc bài này mỗi khi hạ màn một vở diễn. Còn trẻ em thì thường hát vui với lời chế: “Ò e, Rô-be đánh đu, Tạc-răng nhảy dù, Zo-ro bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi.”
Vào giây phút giao thừa trong sự kiện đếm lùi đón Năm mới nổi tiếng thế giới trên Quảng trường Times Square hàng năm ở thành phố New York (Mỹ), bài hát Auld Lang Syne lại cất lên.
Xin mời các bạn cùng thưởng thức lại ca khúc Auld Lang Syne qua sự trình bày của nữ ca sĩ Mỹ Mariah Carey. Nó được đưa lên kênh Mariah Carey trên mạng YouTube ngày 12-12-2010 và tới nay đã có hơn 5,7 triệu lượt xem.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.