Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Nhà báo… “quốc tế”

Rút kinh nghiệm, từ nay hễ phải tự giới thiệu thì tôi luôn nhớ nhấn trọng âm và nói đủ chữ là “nhà báo MẢNG quốc tế”. Chớ mà háu táu hạ giọng không đúng chỗ hay nuốt vần như nói tiếng Ănglê mất tiêu cái chữ “mảng” thì lại bị coi là đồng bọn của anh này rồi bị cộng đồng xúm lại xâu xé, mắc cỡ thí mồ. Sợ nhứt là mấy đồng nghiệp “nhà báo quốc nội” nổi máu GATO với “nhà báo quốc tế” hoành tá tràng á.

Theo tôi biết, hỗng có danh xưng “nhà báo quốc tế” – ít nhứt là danh chánh ngôn thuận chánh thức. Trước nay có những tổ chức, đơn vị cấp thẻ báo chí quốc tế có thu phí và giá trị 1 hay 2 năm, gọi là “thẻ báo chí quốc tế” (International Press card), chớ hỗng có hề là “nhà báo quốc tế” (International Journalist hay International Reporter). Chẳng hạn như tổ chức International Association of Press Photographers (IAPP) cấp thẻ có giá trị 1 năm cho ai có yêu cầu với mức phí 92 USD (gồm 60 USD lệ phí đăng ký thành viên lần đầu và 32 USD là hội phí thương niên) cho thẻ cấp tiêu chuẩn SIM – Standard International Membership và 108 USD (bao gồm hội phí thường niên 48 USD) cho thẻ cấp chuyên nghiệp PIM – Professional International Membership.

Về lý thuyết thì nhà báo có thể hành nghề từ bất cứ đâu, nước trong hay nước ngoài. Nhưng theo luật định từng nước, nhà báo nước ngoài muốn hành nghề danh chánh ngôn thuận và được bảo vệ ở nước nào đó thì phải đăng ký và được nước sở tại cấp phép. Đặc biệt là với dạng thường trú. Như sang Hoa Kỳ tác nghiệp báo chí phải có thị thực truyền thông (visa) dạng I.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.