Thứ Ba ngày 12 tháng 11 năm 2024

Nhà thờ tạm ngừng hoạt động vì dịch COVID-19

Tòa Tổng giám mục Sài Gòn – TP.HCM đã có ý kiến rằng: Vì tình hình dịch bệnh, nên Giáo xứ Sao Mai (P.7, Q. Tân Bình) tạm ngưng các thánh lễ và mọi sinh hoạt khác trong vòng 14 ngày, kể từ thứ Bảy, ngày 14-3 đến hết thứ Bảy 28 -3-2020. Đó là thời gian cách ly theo quy định.

Nguyên nhân có liên quan tới một thanh niên 25 tuổi là bệnh nhân thứ 45 mắc dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam. Ca nhiễm này đã được Bộ Y tế chính thức công bố ngày 13-3. Đây là bệnh nhân thứ 9 có liên quan tới BN34 là một nữ doanh nhân ở Bình Thuận vừa từ Mỹ về ngày 3-3. Tối cùng ngày, BN45 với làm cho một thương hiệu hàng nội thất nổi tiếng nước ngoài ở Q.1 (TP.HCM) đã cùng 3 người bạn đi xe riêng ra Bình Thuận làm việc và ăn tối cùng vợ chồng BN34.

Nhà BN45 nằm cách nhà thờ Sao Mai khoảng 20 mét. Đây là một gia đình Công giáo sinh hoạt tại giáo xứ này. Cha của BN45 là trưởng một ca đoàn của giáo xứ. Trong thời gian ủ bệnh, BN45 có dạy một lớp giáo lý tại giáo xứ với 6 học viên.

Theo báo VnExpress, Linh mục Đinh Văn Vãng, Chánh xứ Sao Mai, cho biết đã làm việc nhiều lần với chính quyền địa phương về vấn đề cách ly gia đình BN45 sát nhà thờ. Việc này nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của giáo xứ nên ông đã báo cáo với Cha quản Hạt và Đức Tổng giám mục giáo phận Nguyễn Năng. Linh mục Vãng nói: “Tổng giám mục khuyến cáo ngưng sinh hoạt ít nhất 2 tuần rồi tính tiếp. Theo lệnh của Đức Tổng, chúng tôi đã thông báo nhà thờ Sao Mai ngưng cử hành thánh lễ và các sinh hoạt trong hai tuần từ hôm nay, để bảo đảm an toàn. Tùy tình hình, giáo xứ sẽ thông báo đến giáo dân.” Giáo xứ Sao Mai có chính thức khoảng 2.300 giáo dân, ngày thường 300-500 người tham gia thánh lễ, Chúa nhật có 1.000-1.500 người dự các thánh lễ.

Có lẽ đây là nhà thờ Công giáo đầu tiên ở Việt Nam phải tạm “shut down” (đóng cửa) vì dịch COVID-19 (thật ra dùng chữ “tạm ngưng hoạt động” thì chính xác hơn).

Ngày 2-2-2020, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thông báo gửi toàn giáo hội Công giáo Việt Nam để hướng dẫn những biện pháp phòng chống COVID-19. Như các giáo dân sẽ rước lễ trên tay thay vì trực tiếp bằng miệng; giáo dân bị sốt và ho được khuyến cáo ở nhà và rước lễ thiêng liêng; hạn chế tới mức thấp nhất các lễ hội, cuộc hành hương đông người,…

Một số nhà thờ đã có nước rửa tay sát khuẩn tại cửa ra vào nhà thờ để giáo dân sát khuẩn tay trước khi tham dự các hoạt động phụng vụ. Các chậu nước thánh cũng được đóng lại.

Nhà thờ Bắc Hà (Q.10)

Ngày Chủ nhật 8-3, tôi nghe nhà thờ đọc thông báo về lễ Phục sinh sắp tới, sẽ bỏ nghi thức hôn thánh giá mà chỉ bái lạy. Đây là một điều chưa từng có.

Chỉ có điều tôi băn khoăn là lẽ ra nhà thờ nên có thông báo yêu cầu giáo dân đeo khẩu trang khi dự lễ thay vì để tự nhiên tùy ý như hiện nay. Không phải vì cứng lòng tin mà chủ yếu do ngại ngần nên hầu hết giáo dân dự lễ mà không mang khẩu trang. Đó là tôi không dám nói tới những người cảm thấy thất kính với Chúa nếu mang khẩu trang dự lễ, cầu nguyện. Cũng có một thuận lợi là hầu như các nhà thờ ở Việt Nam đều sử dụng quạt gió (không xài máy lạnh) và có không gian thông thoáng. Thêm nữa, mấy tuần gần đây, các nhà thờ thưa người hơn nên có khoảng cách tốt hơn. Có lẽ vụ lây nhiễm hàng loạt kinh khủng tại nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở Hàn Quốc đã khiến cả hàng giáo phẩm lẫn các giáo dân ở Việt Nam cẩn trọng hơn trong việc tụ hội đông người, ngay ở nhà thờ. Còn việc tạm đóng cửa nhà thờ Sao Mai là để bảo vệ an toàn hơn cho giáo dân khi ở gần nhà bệnh nhân và có người nhà bệnh nhân là thành viên cộng đoàn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC