Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Visa hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Châu Á – Thái Bình Dương phục hồi sau COVID-10

Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Visa (Mỹ) vừa công bố cam kết hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Theo đó, Visa ra mắt hàng loạt chương trình và giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nâng cao hiệu quả kinh doanh và gia tăng doanh số thông qua việc chấp nhận và thực hiện thanh toán kỹ thuật số trên các nền tảng trực tuyến và tại cửa hàng, để có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt đang ngày một gia tăng. Đồng thời, Visa cũng khởi động Chương trình Thúc đẩy Kinh tế (Visa Economic Empowerment Institute, VEEI) tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội, bao gồm các thách thức đặt ra bởi đại dịch mà các doanh nghiệp SME đang gặp phải, cũng như xóa bỏ những rào cản giữa các quốc gia và sự khác biệt về giới tính.

10 triệu doanh nghiệp này là một phần của chương trình mà Visa triển khai toàn cầu, cam kết hỗ trợ 50 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới. Doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các quốc gia phục hồi – chiếm hơn một nửa lực lượng lao động toàn cầu và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch (theo báo cáo Impact of COVID-19 on Small and Medium Businesses của SMB Group 2020). Tại Châu Á – Thái Bình Dương, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 50% vào lực lượng lao động.

Bên cạnh tác động xấu một cách sâu rộng đến kinh tế, dịch COVID-19 còn thúc đẩy sự phát triển của thương mại kỹ thuật số, từ việc người tiêu dùng chuyển sang các phương thức thanh toán không tiếp xúc đến sự bùng nổ thương mại điện tử, trong bối cảnh giao hàng tại nhà và mua sắm trực tuyến gia tăng so với mua tại cửa hàng. Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khảo sát YouGov do Visa tiến hành hồi hạ tuần tháng 5-2020 cho thấy 41% người tiêu dùng đã thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng ba tháng qua. Theo nghiên cứu Kantar COVID-19 Barometer hồi cuối tháng 3-2020 dựa trên dữ liệu người dùng ở 40 thị trường toàn cầu, trong đó có 11 thị trường APAC, ba phần tư người tiêu dùng trong khu vực sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số thay vì tiền mặt, ngay cả khi đại dịch toàn cầu thuyên giảm.

Ông Chris Clark, Chủ tịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Visa, cho biết: “Thương mại khắp Châu Á – Thái Bình Dương đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kỹ thuật số trong giai đoạn dịch COVID-19, từ việc ngày càng có nhiều người đặt nhu yếu phẩm trên nền tảng trực tuyến, cho đến việc người dùng đang tìm kiếm những phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc (secure, touchless ways) để thanh toán trực tiếp tại quầy. Với vai trò là mạng lưới thanh toán hàng đầu, Visa có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng với những phương pháp mới để quản lý và phát triển doanh nghiệp, cũng như bảo đảm rằng những doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương có thể tái phục hồi sau đại dịch.”

Tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ thực hiện thanh toán kỹ thuật số dễ dàng, thuận tiện hơn, Visa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với NextPay để cung cấp giải pháp thanh toán kỹ thuật số thông qua công nghệ đọc thẻ mPOS với mục tiêu phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam đến năm 2023. Hưởng ứng chương trình “Ngày không tiền mặt 2020” (diễn ra ngày 16-6-2020), Visa đã hợp tác cùng NextPay cung cấp miễn phí 100 thiết bị mPOS cho 100 tiểu thương và các doanh nghiệp nhỏ đầu tiên đăng ký tham gia chương trình, giảm giá 50% thiết bị mPOS và tặng kèm một năm sử dụng NextShop – phần mềm quản lý kinh doanh – cho các điểm chấp nhận thanh toán khác đăng ký sau đó. Các điểm chấp nhận thanh toán cũng nhận được giảm giá 70% khi đăng ký mua gói dịch vụ NextShop trong ba năm. Visa cho biết, chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tiểu thương và các doanh nghiệp nhỏ.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, nói rằng: “Bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, loại hình doanh nghiệp chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp khoảng 40% vào tổng GDP cả nước, chúng tôi có thể góp sức vào nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào thời điểm các doanh nghiệp cần sự giúp đỡ nhất.”

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Visa tập trung chủ yếu vào bốn mảng chiến lược để thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế, với những kế hoạch nhằm duy trì sự sáng tạo các loại hình sản phẩm và dịch vụ mới, trong bối cảnh nhu cầu của các doanh nghiệp thay đổi theo thời gian. Những mảng chiến lược này bao gồm:

  • Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiến đến kỹ thuật số: Visa đã phát triển những trung tâm dữ liệu trực tuyến (online resource centres) – hiện có mặt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ – cung cấp công cụ hỗ trợ, các ưu đãi từ đối tác và thông tin để doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu tìm hiểu, vận hành và phát triển trên nền tảng kỹ thuật số. Visa còn phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Shopify và Boutir để giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận nền tảng trực tuyến. Visa cho biết họ sẽ mở rộng quan hệ hợp tác toàn cầu với IFundWomen tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tài trợ và cung cấp các chương trình đào tạo kỹ thuật số cho các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Ấn Độ.
  • Khuyến khích thanh toán kỹ thuật số: Triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc một cách nhanh chóng và với quy mô lớn là bước quan trọng để giúp thương mại vận hành nhanh hơn và bảo mật hơn. Visa cũng tăng cường giới thiệu thanh toán kỹ thuật số với chi phí thấp, bao gồm những giải pháp không cần đến hệ thống thanh toán tại điểm bán hàng và có thể tận dụng điện thoại di động của đơn vị chấp nhận thanh toán để làm thiết bị thanh toán. Visa và các đối tác đã ra mắt giải pháp chạm để thanh toán trên điện thoại di động (tap to phone solutions) ở Malaysia, và sau đó là các thị trường khác ở Châu Á – Thái Bình Dương như Úc, Hong Kong, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam. Visa cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện thanh toán trên nền tảng kỹ thuật số cho các giao dịch giữa các doanh nghiệp (B2B). Thông qua việc số hóa quy trình thanh toán qua Thẻ doanh nghiệp Visa (Visa Business Card), doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tối ưu hóa các công cụ hạch toán và thu nhiều lợi ích khi tính hiệu quả và hiểu biết chuyên sâu về dữ liệu được nâng cao, đồng thời quản lý hiệu quả vốn lưu động của doanh nghiệp. Visa còn đem đến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng thẻ doanh nghiệp những ưu đãi đặc biệt, bao gồm quyền truy cập vào các nền tảng điện toán đám mây, tiếp thị kỹ thuật số và các khóa học chuyên môn.
  • Khuyến khích sự hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương: Các chương trình hợp tác giữa Visa và đối tác khuyến khích người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng địa phương, đồng thời cũng giúp họ hiểu rằng các cửa hàng họ mua sắm đóng vai trò rất quan trọng. Dự án Tái khởi động Doanh nghiệp của Visa – một công cụ trực tuyến kết nối người dân địa phương với các doanh nghiệp đang hoạt động trong thời kỳ đại dịch – hiện đang được triển khai tại Úc, New Zealand và Mỹ, và sẽ được mở rộng trên toàn cầu. Đối với các thị trường Úc và New Zealand, Visa đã triển khai sáng kiến mang tên “Nơi Bạn Mua Sắm Rất Quan Trọng” (Where You Shop Matters) nhằm nâng cao vị thế và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ. Visa cũng sẽ triển khai sáng kiến này tại các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Hong Kong, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.
  • Phát triển các chính sách: Bên cạnh các chương trình đang được triển khai, Visa ngày 23-6-2020 công bố Chương trình Thúc đẩy Kinh tế (Visa Economic Empowerment Institute). Chương trình được nhóm chuyên gia của Visa và các đối tác cùng đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề còn tồn đọng và đưa ra những lời khuyên giá trị cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc và sự khác biệt giới tính. Những dự án chính trong sáu tháng tới sẽ tập trung giải quyết chủ đề liên quan đến kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng, sự dịch chuyển giữa đô thị và nông thôn, xóa bỏ sự bất bình đẳng cũng như đưa ra các hiểu biết chuyên sâu về nền kinh tế tự do (gig economy).

Công bố trên là sự tiếp nối theo cam kết toàn cầu của quỹ Visa Foundation vào tháng 4-2020, dành ra 210 triệu USD cứu trợ khẩn cấp đẩy lùi dịch COVID-19 để giải quyết những nhu cầu dài hạn của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 5 năm tới.

Visa nhấn mạnh: Là một tổ chức thanh toán đáng tin cậy, Visa cam kết tận dụng mạng lưới toàn cầu để giúp thế giới thích ứng, phục hồi và hỗ trợ mọi người tái khởi động doanh nghiệp của họ.

MEDIAONLINE

+ Ảnh do Visa cung cấp.