Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Google khai thác công nghệ AR đưa niềm vui khám phá vào cuộc sống

Khủng long T-Rex khổng lồ bất ngờ sừng sững ngay trong phòng khách, hay cá mập trắng bơi chậm rãi trong phòng tắm. Điều này không còn là hoang đường vì công nghệ thực tế tăng cường (Augmented reality, AR) góp phần đem lại những điều không tưởng vào đời thực, đưa trải nghiệm khám phá lên tầm cao mới.

Sau bộ sưu tập động vật hoang dã tạo nhiều bất ngờ được cộng đồng hào hứng ủng hộ, giúp các phụ huynh giải trí cùng con trong giai đoạn cách ly vì dịch bệnh COVID-19, Google vừa bổ sung thêm hàng loạt “khủng long kỷ Jura” vào công cụ tìm kiếm, cho phép người dùng trải nghiệm hình thức giải trí hiện đại và khám phá qua công nghệ AR – với cấp độ cao hơn và siêu hơn là thực tế ảo VR. Nhờ đó, người dùng sẽ “nhìn thấy và tương tác được những gì mình tìm kiếm”.

Công nghệ AR, đưa điều không tưởng vào thực tế

Augmented Reality, thường được gọi tắt AR, là công nghệ thực tế tăng cường. Hiểu cơ bản, AR là sự kết hợp đưa đối tượng ảo vào trong môi trường thực. Theo đó, người dùng có thể tương tác với đối tượng ảo 3-chiều (3D) trong môi trường thực tế như tương tác với chúng, hay bắt lấy vật thể như trò chơi “bom tấn” ứng dụng AR từng tạo ra “cơn số” trên toàn cầu Pokemon Go được tải hơn 1 tỷ lần, tạo ra doanh thu trung bình 200.000 USD/ngày trong tháng 4-2019 và đạt được 800 triệu USD trong năm 2018.

Sự phát triển công nghệ AR ngày càng gần hơn với người dùng cuối, từ tăng cường trải nghiệm thú vị trong trò chơi Pokemon Go trên điện thoại thông minh cho đến tăng cường sự tiện lợi khi lớp nội dung số là thông tin chỉ đường xuất hiện ngay trong môi trường thực của ứng dụng bản đồ số Google Maps. Việc ứng dụng công nghệ AR rất đa dạng. Với sự trợ giúp của AR, bạn không cần tưởng tượng. Chẳng hạn, khi muốn chọn mua đồ nội thất cho ngôi nhà của mình, bạn chỉ việc đưa camera của điện thoại hướng về nơi muốn đặt một chiếc sofa nhưng chưa biết kiểu dáng hay màu sắc gì ưng ý, và AR sẽ đem đến hàng loạt mẫu sofa 3D tạo sẵn với kích cỡ tùy biến để bạn ướm thử.

Xin mời xem video minh họa từ IKEA.

Hệ tuần hoàn hiển thị 3D rất trực quan qua công nghệ AR trên Google Tìm kiếm. (Ảnh minh họa: Google)

Thưởng thức các tác phẩm văn hóa – nghệ thuật được nâng lên tầm cao qua công nghệ AR. Chẳng hạn có thêm lớp thông tin hiển thị kế bên từng tác phẩm đang được camera hướng về, thậm chí là hình ảnh 3D thu nhỏ của một tòa nhà kiến trúc Gaudi mê hoặc du khách tại Barcelona (Tây Ban Nha) hiện ra ngay trên mặt bàn làm việc của bạn, hay những tác phẩm điêu khắc trong bảo tàng Louvre (Pháp). Google Arts & Culture là một minh họa AR “bỏ túi” trên smartphone cho người mê du lịch lẫn văn hóa – nghệ thuật.

Ảnh: digitalbodies.net
AR cung cấp lớp thông tin ảo ngay trên những đối tượng thật trong môi trường thực tế trong thời gian thực cho du khách. (Ảnh: towardsdatascience.com)

Vui chơi, giải trí và giáo dục và ứng dụng AR đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ hay bất động sản, mang lại trải nghiệm thuận tiện cho người tiêu dùng như khi chọn mua một mẫu nhà, hoặc ướm thử quần áo của shop ngay tại nhà mình.

Và trên đây chỉ là một số ứng dụng đã trở thành hiện thực với công nghệ AR, thị trường ứng dụng công nghệ này mang tiềm năng to lớn với ước tính trị giá thị trường là 18 tỷ USD năm 2023 (theo Statista). Và thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh theo năm với dự báo của MarketsandMarkets cho thấy giá trị thị trường có thể đạt đến 72,7 tỷ USD vào năm 2024 với các tên tuổi đầu ngành dẫn dắt thị trường như Google, Microsoft, Apple, Facebook, Infinity Augmented Reality, Inc, Samsung Electronics, Magic Leap, Vuzix, Niantic,…

Dự báo thị trường AR theo năm và khu vực. (Nguồn: MarketsandMarkets)

Một trải nghiệm thế giới thông tin hấp dẫn hơn nhờ AR

AR là một điểm nhấn mới trong công cụ của Google như bản đồ số Google Maps và tìm kiếm Google Search, qua ARCore bao gồm Scene Viewer cho phép người dùng tìm kiếm và hiển thị đối tượng 3D trong môi trường thực tế, cùng chụp ảnh hay quay video với vật thể ảo trong môi trường thực. Đối với Google Tìm kiếm, việc ứng dụng công nghệ AR không chỉ mang lại tiện lợi về thông tin hình ảnh trực quan cho người dùng mà còn thúc đẩy họ nghiên cứu khám phá thêm về những nội dung đó. Minh chứng cho điều này là các nội dung AR trên Google Tìm kiếm về cơ thể người, hiển thị những bộ phận cơ thể rất trực quan để người dùng tương tác, từ bộ phận tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ thần kinh, hệ xương, hệ cơ cho đến hệ sinh sản nữ…hay thậm chí là mặt cắt của tế bào động vật hoặc bộ đồ chuyên dụng của phi hành gia Neil Armstrong hay khoang điều khiển phi thuyền Apollo 11 giúp các sinh viên hay nhà nghiên cứu nắm rõ ngay tức thì trên chiếc smartphone của mình.

Mặt cắt lớp tế bào động vật được hiển thị 3D qua công nghệ AR trên Google Tìm kiếm. (Ảnh minh họa: Google)

Bộ sưu tập “khủng long kỷ Jura” là một điểm nhấn tuyệt vời dành cho trẻ em và người đam mê tìm hiểu về các loài khủng long đã tuyệt chủng từ cách đây hàng chục đến trăm triệu năm. Khủng long là loài động vật kích thích trí tò mò của bao thế hệ trẻ em về hình dáng, kích cỡ, thông tin cũng như đặc tính của chúng, nay được tái hiện và tương tác dễ dàng tương tự bộ sưu tập động vật gồm các loài thú hoang dã trên cạn lẫn dưới nước và thú cưng trong nhà.

Bên cạnh AR trong công cụ tìm kiếm giúp người dùng tương tác với các vật thể số hóa trong thế giới thật, một ứng dụng thực tiễn khác khá phổ biến từ Google là Google Lens sử dụng công nghệ AR để cung cấp nhanh kết quả tìm kiếm ngay trong thời gian thực. Ngoài chức năng nhận diện và định nghĩa các vật thể như động thực vật, Google Lens có nhiều tính năng rất hữu ích như dịch ngay tức thời nội dung từ camera của smartphone hay sao chép và dán nội dung văn bản, hoặc tiếp nhận nhanh nội dung quét từ một mã QR hay danh thiếp.

Google Lens cung cấp thông tin về vật thể ngay trong thời gian thực.

Với những nghiên cứu về công nghệ AR đưa vào ứng dụng những nội dung thực tiễn, Google không chỉ thúc đẩy ngành giải trí – nghệ thuật, nghiên cứu và giáo dục tiến lên tầm cao mới hiện đại hơn mà còn mở ra cánh cửa cho các nhà quảng cáo sáng tạo nội dung chất lượng cao, các nhà bán lẻ và các ngành công nghiệp khác như xe hơi có thể ứng dụng khai thác tiềm năng to lớn từ đó. Không còn là những điều viễn tưởng trên phim của Hollywood, các ứng dụng công nghệ AR sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai gần để phục vụ con người, nâng tầm trải nghiệm từ những điều nhỏ nhất cho đến điều vĩ đại.

Sự khác nhau giữa AR và VR

(Ảnh: Internet. Thanks.)

  • VR (Virtual Reality) – thực tế ảo là công nghệ sẽ đưa bạn vào một thế giới hoàn toàn ảo do máy tính tạo ra. Bạn cần phải có một chiếc kính đặc biệt VR đeo vào để có thể thấy được môi trường do máy tính tạo ra chung quanh mình, giống như bạn đang sống trong đó. Với sự hỗ trợ của những thiết bị chuyên dụng, như tay cầm chơi game, bạn có thể hoạt động trong môi trường ảo đó.
  • AR (Augmented Reality) – thực tế tăng cường là công nghệ được phát triển từ VR. Với AR, các hình ảnh thực tế trước mắt bạn được “tăng cường” hoặc bổ sung thêm các thông tin ảo (khác với VR với môi trường hoàn toàn do máy tính tạo ra). Bạn không cần thiết bị hỗ trợ (như kính chuyên dụng) mà vẫn hoàn toàn có thể xem các hiệu ứng AR trên màn hình hiển thị của thiết bị mình. Chẳng hạn với sự hỗ trợ của camera quay môi trường thực tế, bạn có thể nhìn thấy một chú khủng long cử động như thật xuất hiện ngay trong phòng ngủ của mình (tất nhiên là trên màn hình thiết bị). Tuy nhiên, nếu muốn đắm chìm (immersing) hay hòa nhập vào môi trường AR, bạn cần phải có chiếc kính chuyên dùng gọi là kính AR (như kính Google Glass Enterprise Edition hay Microsoft HoloLens,…), và khi ấy bạn có thể trải nghiệm thực tế ảo ở cấp độ cao hơn với công nghệ MR (Mixed Reality) – thực tế hỗn hợp.

MEDIAONLINE – GOOGLE

+ Ảnh do Google cung cấp.