Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Thế giới mấp mé 16 triệu người bệnh COVID-19

Thần tốc! Thần tốc! Kinh khủng khiếp! Sáng 25-7-2020, trang Worldometer báo rắng thế giới đã có 15.940.381 người nhiễm coronavirus SARS-CoV-2 ở 213 nước và vùng lãnh thổ, và 642.688 người đã chết vì dịch COVID-19 ở 186 nước và vùng lãnh thổ. Nghĩa là vào chiều hay tối nay là thế giới lại vượt mốc 16 triệu bệnh nhân COVID-19, chỉ 4 ngày đã có thêm 1 triệu ca nhiễm.

Mà không thần tốc sao được khi 10 ngày qua, từ 14 tới 24-7, ngày nào thế giới cũng có thêm hơn 200.000 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ngày có mức tăng kỷ lục mới. Ngày 24-7, thế giới tăng kỷ lục tới 289.028 ca nhiễm mới và có thêm 6.199 người chết.

Số ca nhiễm mới trên thế giới tăng nhanh chủ yếu là do tình hình cực nóng ở mấy nước Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Ngày 24-7, Mỹ tăng thêm kỷ lục 78.009 ca nhiễm mới và có thêm 1.149 ca tử vong (tổng là 4.248.327 ca nhiễm và 148.490 người chết). Cùng ngày, Brazil có thêm 58.249 ca nhiễm mới và 1.178 người chết; 3 ngày liên tiếp có hơn 58.000 ca nhiễm mới/ngày (tổng là 2.348.200 ca nhiễm và 85.385 người chết). Ấn Độ ngày 24-7 có thêm kỷ lục 48.892 ca nhiễm mới và 761 người chết; 3 ngày liên tiếp có kỷ lục mới và hơn 45.000 ca nhiễm mới/ngày (tổng là 1.337.022 ca nhiễm và 31.400 người chết). Nam Phi leo hạng nhanh nhất, từ 2 chữ số lên số 5 thế giới, ngày 24-7 có thêm kỷ lục 13.944 ca nhiễm mới và 250 người chết; từ ngày 9-7 tới 24-7 có 9 ngày hơn 13.000 ca nhiễm mới/ngày (tổng là 421.996 ca nhiễm và 6.343 người chết). Mexico đã leo lên số 4 thế giới về ca tử vong, ngày 24-7 có thêm kỷ lục 8.438 ca nhiễm mới và 718 người chết.

Ở Đông Nam Á, Indonesia đã có 95.418 ca nhiễm và 4.665 người chết, suốt 1 tháng nay, ngày nào cũng có thêm hơn 1.000 ca nhiễm mới. Philippines có 76.444 ca nhiễm và 1.879 người chết; từ ngày 3-7 tới nay, chỉ có 2 ngày có dưới 1.000 ca nhiễm mới/ngày và có 9 ngày có hơn 2.000 ca nhiễm mới/ngày. Singapore chỉ có 6 triệu dân mà đã mấp mé 50.000 ca nhiễm (ngày 25-7 có tổng cộng 49.375 ca nhiễm); nhưng rất giỏi trong việc điều trị bệnh, tổng cộng chỉ có 27 người chết.

Còn ở Việt Nam, sáng 25-7, Bộ Y tế công bố có thêm 2 ca nhiễm từ Nga về, nâng tổng số người bệnh COVID-19 ở Việt Nam lên 415 người và có 365 người đã được công bố khỏi bệnh. Trong 99 ngày qua, tính tới ngày 24-7, Việt Nam chỉ có các ca nhiễm từ nước ngoài vào. Cho tới sáng 25-7, Bộ Y tế vẫn chưa công nhận bệnh nhân nam 57 tuổi ở Đà Nẵng là bệnh nhân COVID-19, cho dù đã có tới 3 lần xét nghiệm bằng phương pháp chính xác nhất hiện nay Realtime RT-PCR tại Đà Nẵng (2 lần) và Viện Pasteur Nha Trang (1 lần) đều cho kết quả dương tính. Trong ngày 24-7, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – cơ quan xét nghiệm “chung thẩm” – cũng đã có 2 lần xét nghiệm mà chưa công bố kết quả. Theo quy trình thông thường phổ biến trên toàn cầu, chỉ cần 2 lần xét nghiệm dương tính (1 lần sàng lọc – screening test và 1 lần xác định – confirm test) là đủ để công bố nhiễm virus, và ngay từ khi nghi nhiễm đã phải áp dụng các biện pháp cách ly, xử lý đặc thù. Bệnh nhân này có bệnh nền và hiện đã lâm vào tình trạng nghiêm trọng phải thở máy. Điều khó là chưa tìm được nguồn lây (F0). Tuy nhiên, ngay từ khi phát hiện “nghi nhiễm”, các cơ quan hữu trách ở Đà Nẵng đã tiến hành các biện pháp xử lý theo quy trình đối với người dương tính với SARS-CoV-2 để phòng tránh lây lan rộng hơn trong trường hợp bệnh nhân này được công nhận là mắc COVID-19. Và sáng 25-7, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị ca bệnh 3 lần dương tính COVID-19, trong đó có bác sĩ Trần Thanh Linh – người điều trị cho phi công người Anh BN91 – ca bệnh nặng nhất ở Việt Nam và đã được các thầy thuốc Việt Nam cải tử hoàn sinh.

NGÔ LÊ