Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Trị quá tải bằng phương thuốc chuyển đổi số

Một trong những căn bệnh lưu niên của nền hành chính công, quản lý Nhà nước là quá tải. Nhưng đây cũng là một loại bệnh theo mùa, lúc ngồi chơi đuổi ruồi, khi làm bở hơi tai. Và theo truyền thống, cơ quan và cán bộ thích đổ thừa cho tình trạng chậm chạp, trễ nãi hay sai sót của mình là do quá tải. Liệu có phương thuốc Tiên cho căn bệnh quỷ này?

Trong bài viết trên báo Người Lao Động (22-4-2021), tác giả Thông Đạt đã dẫn 2 trường hợp cán bộ Nhà nước bị quá tải. Một cán bộ phụ trách kinh tế ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP.HCM) than mình đang làm 19 đầu việc. Anh bị ám ảnh: “Việc nhiều đến mức nằm mơ cũng thấy đang xử lý”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, Q.12 (TP.HCM) cho biết mỗi ngày phường tiếp nhận 250-300 hồ sơ sao y chứng thực và lãnh đạo phường trực văn phòng phải ký ít nhất là 500-600 chữ ký. Đó là chưa tính hầu hết hồ sơ sao y có hơn 2 bản.

Nếu cứ như vậy, tình trạng quá tải trong bộ máy công quyền cơ sở sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân vừa do dân số tăng lên, vừa phải giảm bớt số lượng cán bộ cơ sở theo yêu cầu tinh giản bộ máy Nhà nước. Tại TP.HCM, thực hiện chủ trương này, từ đầu năm 2021 tới nay đã cắt giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách (từ 6.787 người còn 4.368 người).

(Nguồn ảnh: TTXVN. Thanks)

Trong một bài viết trên Tạp chí Cộng Sản (13-2-2021) về việc xây dựng chính quyền đô thị tại những thành phố lớn ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, đã nêu ra 5 giải pháp để chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả, trong đó có giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Ông dẫn ý kiến của Tiến sĩ Trần Huy Sáng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong thành phố và giữa thành phố với Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”

Rõ ràng là để có thể phục vụ tốt nhất cho người dân và giảm tải cho cán bộ Nhà nước ngay từ chính quyền cơ sở và các ban ngành chuyên môn, đặc biệt là những cơ quan quản lý những dịch vụ công có đông người dân chịu ảnh hưởng, trong thời đại ngày nay, người ta có cây đũa thần kỳ là công nghệ. Không chỉ ở cấp độ số hóa như cách đây nhiều năm mà phải là trong một hệ sinh thái chuyển đổi số. Tất nhiên, cây đũa thần kỳ này sẽ chỉ là một cây đũa bếp nếu như người dùng nó không biết cách vận hành.

Trước đây, việc chuyển từ thông tin, văn bản trên giấy sang kỹ thuật số chỉ để phục vụ cho tin học hóa và mang tính cục bộ từng đơn vị, và vì thế cũng chỉ có giá trị phục vụ cục bộ. Còn bây giờ, trong tiến trình tiến hành chuyển đổi số toàn diện cả quốc gia, các dữ liệu số hóa đó cần phải được liên thông trong cơ sở dữ liệu dùng chung. Dĩ nhiên, để bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin cá nhân từng công dân, ngoài những dữ liệu phổ biến có thể dùng chung rộng rãi, những dữ liệu chuyên biệt chỉ có thể được chia sẽ giữa các bộ phận hữu trách.

Thay vì mỗi lần sao y chứng thực một tài liệu, UBND cấp phường xã phải lưu lại một bản giấy, lâu dần kho lưu trữ bị quá tải, bây giờ, văn phòng chứng thực chỉ cần nhập thông tin vào máy tính và có thể quét hay chụp hình văn bản đó lưu vào cơ sở dữ liệu.

Cho tới lúc này, chỉ cần số chứng minh nhân dân, căn cước công dân là người ta có thể tra cứu nhiều thông tin cần thiết, như mã số thuế cá nhân,…

Với bảo hiểm y tế, người dân chỉ cần nhập Mã số BHXH/thẻ BHYT vào trang web của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là có thể biết rõ các thông tin về BHYT của mình (như ngày hết hạn, nơi đăng ký khám ban đầu,…). Kể từ tháng 7-2019, người dân cũng có thể nhắn tin SMS cho đầu số 8079 theo cú pháp BH<dấu cách>THE<dấu cách>(Mã thẻ BHYT) và chịu cước 1.000 đồng/tin nhắn là có thể nhận được ngay các thông tin về thẻ của mình. Bây giờ, cũng chỉ cần nhập 10 số cuối của mã thẻ BHYT là được.

Người viết bài đã viết nhiều về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia. Cách đây ít ngày đã được trải nghiệm nó qua việc đổi căn cước công dân gắn chíp. Nhờ các thông tin nhân thân công dân đã được lưu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cán bộ làm thẻ chỉ cần dùng số CMND cũ truy cập vào dữ liệu, hỏi công dân để xác nhận các thông tin cơ bản rồi tự động nhập vào tờ khai đổi thẻ và in ra cho công dân kiểm tra lần cuối rồi ký tên là xong. Vừa nhanh chóng, vừa giúp người dân khỏi phải điền vào bất cứ tờ khai nào. Việc lấy dấu vân tay và chụp ảnh công dân cũng được kết nối trực tiếp để lưu ngay vào cơ sở dữ liệu.

Việc làm mới hay đổi hộ chiếu giờ cũng rất tiện. Người dân chỉ cần truy cập website của cơ quan quản lý, điền thông tin vào tờ khai online, chọn nơi và ngày làm thủ tục, đăng ký và sẽ được cấp mã vạch. Sau đó, khi tới cơ quan làm thủ tục, người dân chỉ cần trình mã vạch cho cán bộ làm thủ tục quét vào máy là có đầy đủ thông tin cần thiết.

Theo Nghị định 37/2021 thi hành Luật Căn cước công dân, hiệu lực từ ngày 14-5-2021, người dân được tra cứu thông tin của mình trong Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua dịch vụ nhắn tin hoặc gửi văn bản.

Hồi giữa năm 2019, các lãnh đạo TP.HCM đã nhấn nút triển khai ứng dụng phòng họp không giấy và ứng dụng “Giao việc tức thời – nhắc việc thông minh” áp dụng tại trụ sở UBND TP, dự kiến sẽ giảm 30% giấy tờ, 40% chi phí cho việc họp hành. Lúc đó, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo: Trong tháng 9 -2019 sẽ triển khai ứng dụng đến 31 sở ngành và 24 quận, huyện. Sang năm 2020 sẽ triển khai hai ứng dụng trên đến các xã phường trên toàn địa bàn TP.

Từ phòng họp không giấy, tiến trình chuyển đổi số mở rộng tới văn phòng không giấy, hầu hết dịch vụ có thể được quản lý và thực hiện trên nền tảng online.

Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. (Nguồn: VNPT. Thanks.)

Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã được khai trương đưa vào bận hành ngày 9-12-2019. Sau 1 năm hoạt động, từ 8 dịch vụ công thời điểm khai trương, Cổng DVCQG đã cung cấp 2.700/6.790 thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm được gần 8.000 tỷ đồng/năm. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCGQ trong năm 2021, cung cấp thêm 55 dịch vụ công nữa. Trong số này có 48 dịch vụ mức độ 4. Đây là mức độ cao nhất cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) bằng phương cách trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Ngay từ tháng 3-2020, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến”. Theo Cổng thông tin điện tử Ngành Y tế TP.HCM, đây là một ứng dụng mới của Ngành Y tế TP.HCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức.

Nhưng được nhiều người dân mong đợi nhất là phương thức khám bệnh trực tuyến. Cho tới nay, ngày càng có thêm nhiều cơ sở y tế cả của Nhà nước lẫn tư nhân, mà đi đầu vẫn là tư nhân, ứng dụng công nghệ để triển khai hình thức khám bệnh trực tuyến. Ngay từ cuối tháng 12-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 49/2017 quy định về hoạt động y tế từ xa. Theo định nghị trong Thông tư này, y tế từ xa là việc trao đổi thông tin có liên quan đến sức khỏe của cá nhân giữa người làm chuyên môn y tế với cá nhân đó hoặc giữa những người làm chuyên môn y tế với nhau ở các địa điểm cách xa nhau thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và viễn thông. Hồi hạ tuần tháng 9-2020, Bộ Y tế đã khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Vào hạ tuần tháng 4-2021, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến giúp người bệnh hạn chế phải xếp hàng, chủ động chọn giờ và bác sĩ khám, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, được tạm ứng trước, rút ngắn một nửa thời gian khám bệnh, chữa bệnh so với việc đến khám, chữa bệnh trực tiếp như hiện tại. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối xây dựng Đề án “Đặt lịch Khám, chữa bệnh trực tuyến” với mục tiêu người bệnh và người nhà người bệnh không mất thời gian chờ đợi lâu, tiết kiệm thời gian để làm việc khác, tăng hiệu quả kinh tế xã hội.

Việc học trực tuyến đã chứng minh được lợi ích của mình trong thời đại dịch COVID-19. Nhờ làm tốt phương thức online này mà ngành giáo dục thế giới đã vừa bảo đảm được tiến trình học của học sinh, vừa tuân thủ các quy định phòng chống dịch hiệu quả hơn. Hồi cuối tháng 3-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức có quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến. Ngày 30-3-2021, Bộ đã ban hành Thông tư số 09/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Có thể nói rằng chưa bao giờ cả Việt Nam cùng tích cực tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội như hiện nay. Nó không còn là xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu để tồn tại, phát triển và hội nhập quốc tế. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần có tính đồng bộ, toàn diện trên cơ sở liên thông và tiện dụng. Nếu không, tất cả chỉ là lãng phí và không thể phát huy tác dụng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC