Bắt đầu thời công dân điện tử
Từ ngày 1-7-2021, Việt Nam chính thức bắt đầu thực hiện công tác quản lý hành chính đối với công dân trên nền tảng điện tử khi Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực. Người dân Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng các loại giấy tùy thân điện tử. Hộ khẩu điện tử, hộ chiếu điện tử, căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp, bảo hiểm y tế điện tử,… Đây chính là nền tảng và điều kiện ắt có và đủ để tiến hành chuyển đổi số toàn diện trên quy mô quốc gia.
Theo nguyên tắc và theo luật định, kể từ ngày 1-7-2021, công dân Việt Nam chỉ cần thẻ CCCD có gắn chíp với số thẻ chính là số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là có thể giao dịch, làm các thủ tục hành chính mà trước đây cần phải có sổ hộ khẩu và hàng loạt giấy tờ chứng thực.
Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân. Cụ thể là từ ngày 1-7-2021, cơ quan công an không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và vì thế nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật Cư trú mới này. Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, công dân chỉ cần mang theo thẻ CCCD có gắn chíp là có thể thực hiện 30 thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu. Việc các cơ quan chức năng khai thác, tra cứu thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư cũng thay thế việc bắt buộc công dân phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay.
Đặc biệt, theo Bộ Công an, khi CSDL quốc gia về dân cư được kết nối thông suốt với các dữ liệu chuyên ngành khác, người dân có thể đăng ký cư trú online thông qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định 37/2021/NĐ-CP cho phép người dân được khai thác thông tin cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư, tất nhiên là các dữ liệu cơ bản. Công dân chỉ cần gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng Dịch vụ Công quốc gia hay Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an.
Việc mở rộng hội nhập quốc tế cũng được nâng lên một tầm mức mới với việc Việt Nam chính thức phát hành hộ chiếu điện tử có gắn chíp. Theo thống kê của Thales, từ năm 2005 tới nay, trên thế giới có hơn 150 nước đã phát hành hộ chiếu điện tử. Riêng ở Khu vực ASEAN, Việt Nam là nước thứ 9/10 phát hành hộ chiếu điện tử (chỉ còn lại Myanmar).
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Việt Nam đã bắt đầu phát hành hộ chiếu điện tử. Nhưng tiến trình bị chậm lại do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc cấp hộ chiến điện tử giờ đây đã trở thành chính thức với Thông tư 73/2021/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 29-6-2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14-8-2021 quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2022 phải thực hiện thống nhất theo mẫu hộ chiếu mới.
Hộ chiếu điện tử hay hộ chiếu sinh trắc học theo đúng chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vừa có khả năng chống làm giả cao hơn, vừa hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống xuất nhập cảnh thế giới. Chẳng hạn, du khách dễ dàng áp dụng phương thức xuất nhập cảnh tự động tại các cửa khẩu quốc tế. Tất nhiên là giá trị của hộ chiếu được nâng lên cao hơn.
Từ lâu rồi, thay vì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi nhập viện, đặc biệt là cấp cứu, người có bảo hiểm chỉ cần cung cáp mã số bảo hiểm xã hội/thẻ BHYT là cơ quan y tế có thể tra cứu online các thông tin về thẻ BHYT, trong đó quan trọng nhất là thời hạn sử dụng. Mới đây, ngày 31-5-2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng di động VssID để khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc từ ngày 1-6-2021. Cụ thể, từ nay, người bệnh có BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Cơ sở KCB sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc). Ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID của BHXH Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động hiên có trên kho ứng dụng Google Play (Android) và App Store (iOS).
Rõ ràng, việc sử dụng các loại giấy tờ tùy thân điện tử và áp dụng biện pháp quản lý hành chính công dân điện tử đem lại nhiều lợi ích cho cả công dân lẫn cơ quan nhà nước hữu trách. Vấn đề còn lại và quan trọng nhất là triển khai hoạt động này như thế nào cho thật sự hiệu quả.
Tất nhiên, điều mà người dân quan tâm và mong mỏi nhất là không để xảy ra tình trạng bình mới rượu cũ. Nhân dịp này, các cơ quan chức năng Nhà nước cần rà soát lại các thủ tục hành chính đã lạc hậu và bất cập, nhất là các hình thức giấy phép con, để tháo gỡ các vòng kim cô, gánh nặng thủ tục cho cả người dân lẫn cơ quan có liên quan. Chẳng hạn, Luật Cư trú 2020 đã bỏ hàng loạt thủ tục, có nhiều cải tiến rất đáng khích lệ.
Đặc biệt, trong thực tế ở Việt Nam, nhất là khi cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, việc liên thông sâu rộng và hoạt động thông suốt của Cổng Dịch vụ Công quốc gia và CSDL quốc gia về dân cư mang yếu tố quyết định cho phương thức quản lý hành chính mới đối với công dân. Dĩ nhiên, người ta phải chấp nhận những lúng túng, trục trặc ban đầu; nhưng các cơ quan chức năng cần xử lý càng nhanh càng tốt. Chẳng hạn, như luật định mới cho phép tiến hành một loạt thủ tục online về cư trú, nhưng chức năng này vẫn chưa sẵn sàng trên các cổng dịch vụ công.
Bản in trên báo Người Lao Động thứ Năm 8-7-2021 và trên báo NLĐ Online.
PHẠM HỒNG PHƯỚC