Thứ Năm ngày 09 tháng 1 năm 2025

Huawei cam kết thúc đẩy mục tiêu phát triển xanh của ASEAN

Nhà cung cấp các công nghệ ICT thế giới Huawei vừa tổ chức Diễn đàn trực tuyến Phát triển và Hợp tác Kinh tế Số ASEAN – Trung Quốc 2021 trong 2 ngày 15 và 16-7-2021 tại Vũ Hán (Wuhan, Trung Quốc). Ông Jeffery Liu, Chủ tịch Huawei Châu Á – Thái Bình Dương, đã chia sẻ tại Diễn đàn rằng Huawei sẽ tận dụng các đổi mới sáng tạo về năng lượng số (digital power) của mình để thúc đẩy hợp tác trong khu vực ASEAN về biến đổi khí hậu và phát triển xanh.

Biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu. Cho dù lượng khí thải carbon đã giảm trong năm qua do suy thoái kinh tế và tình trạng đóng cửa trên toàn thế giới, nhưng rồi lượng khí thải này đang nhanh chóng tăng trở lại khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Vì thế, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) và đạt được mục tiêu phát triển bền vững hiện là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia.

Theo nhận định của Huawei, biến đổi khí hậu tiềm ẩn có tác động đáng kể đến khu vực với 6 trong số 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới là các quốc gia Đông Nam Á thành viên ASEAN. ASEAN đã thực hiện các hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động môi trường, kinh tế và xã hội khác nhau trong những năm qua. Điển hình như Thái Lan đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và sau đó đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065.

Ông Jeffery Liu nói rằng: “Trên toàn cầu, chúng ta cần có một cuộc cách mạng công nghiệp xanh với mục tiêu trung hòa carbon (carbon neutrality). Khi nền kinh tế số phát triển, việc tăng tốc giảm phát thải cũng có thể giúp các quốc gia quản lý rủi ro về các rào cản thương mại và bảo đảm các hiệp định thương mại tự do hơn.”

Các công nghệ ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) là những động lực quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong các ngành khác. Ước tính rằng lượng phát thải carbon trong các ngành công nghiệp khác được hỗ trợ bởi công nghệ ICT sẽ giảm gấp 10 lần lượng carbon do chính ngành công nghiệp ICT thải ra.

Chủ tịch Huawei Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Huawei đã và đang tận dụng kinh nghiệm sâu rộng của mình trong lĩnh vực năng lượng số và lưu trữ năng lượng cũng như chuyên môn kỹ thuật về 5G, đám mây và các công nghệ đổi mới khác, để phát triển hoạt động kinh doanh năng lượng số và cung cấp các giải pháp năng lượng số cho các ngành khác nhau.”

Để thúc đẩy năng lượng tái tạo (renewable energy), Huawei tới nay đã triển khai các giải pháp năng lượng số tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ 1/3 dân số thế giới. Tính đến tháng 12-2020, các giải pháp này đã tạo ra 325 tỷ kWh điện từ các nguồn tái tạo, và tiết kiệm tổng cộng 10 tỷ kWh điện. Những nỗ lực này đã giúp giảm 160 triệu tấn khí thải CO2.

Nhà máy năng lượng mặt trời rộng 5 hecta trên biển ở Singapore.

Thí dụ, tại Singapore, Huawei FusionSolar Solution đã hỗ trợ Tập đoàn Sunseap, nhà cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời, xây dựng một trong những trang trại mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới. Với 13.312 tấm pin mặt trời, 40 biến tần và hơn 30.000 phao nổi, nhà máy năng lượng mặt trời rộng 5 hecta trên biển này ước tính sản xuất tới 6.022.500kWh năng lượng mỗi năm, cung cấp đủ năng lượng cho 1.250 căn hộ nhà ở công cộng 4 phòng trên đảo quốc và bù đắp ước tính khoảng 4.258 tấn carbon dioxide.

Ông Jeffery Liu cho biết: “Huawei cam kết thúc đẩy các giải pháp ICT tích hợp xanh để giúp các ngành công nghiệp khác tiết kiệm năng lượng và cắt giảm khí thải. Chúng tôi sẽ hợp tác với ASEAN để giảm thiểu lượng khí thải carbon bằng cách tận dụng sản xuất điện sạch, giao thông vận tải điện và lưu trữ năng lượng thông minh, vì một xã hội carbon thấp tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.”

MEDIAONLINE

+ Nguồn do Huawei cung cấp.