Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Công nghệ trong cuộc chiến COVID-19 bất cập và rối loạn

Có lẽ tới nay đã có hơn 20 ứng dụng các loại có liên quan tới cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được triển khai. Trung ương có, địa phương có và ngành chức năng có . Và đó không phải là lạm dụng công nghệ, mà phải chỉ đích danh là lạm phát, khủng hoảng ứng dụng.

Không còn ai tranh cãi gì nữa về vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19. Thế nhưng, không thể phủ nhận được tình trạng ứng dụng công nghệ đó đang có quá nhiều vấn đề, vừa bất cập, vừa rối loạn. Tới mức Thủ tướng Chính phủ cũng phải sốt ruột và phải trực tiếp vào cuộc. Làm thế nào để việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch cho có hiệu quả thiết thực thật ra không hề khó. Vấn đề là ta phải làm ra sao?

Lủ khủ app có liên quan tới COVID-19. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Đoạn trường giấy đi đường

Mỗi nơi một phách, phép vua thua lệ làng, công nghệ chỉ có trên giấy, cơ sở hạ tầng (thiết bị, phần mềm) bất cập,… là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương áp dụng hình thức giấy đi đường để kiểm soát việc đi lại của người dân trong thời gian giãn cách xã hội siết chặt. Không có gì phải bàn cãi nữa về mục tiêu của việc cấp giấy đi đường là để giảm lưu lượng người đi lại trong cộng đồng. Vấn đề ở đây là cách thực hiện (cả khâu cấp phép lẫn khâu kiểm tra) chưa chuyên nghiệp dẫn tới hành cả dân lẫn nhân viên hữu trách.

Cả hai thành phố lớn nhất và đông cư dân nhất nước là Hà Nội và TP.HCM cũng chính là 2 địa phương lâm vào cơn khủng hoảng giấy đi đường.

Mới nhất là tại thủ đô Hà Nội, nơi từ ngày 6-9-2021 bắt đầu vào thời gian phân vùng và siết chặt giãn cách toàn thành phố kéo dài tới ngày 20-9-2021. Và lần này, Hà Nội cũng đổi sang mẫu giấy đi đường mới, có in mã QR, và áp dụng quy trình cấp giấy phép mới. Từ tối 5-6-2021, một số phường đã phải xuyên đêm tiếp nhận hồ sơ cấp phép vì nhu cầu quá lớn và người dân lo sợ không có giấy thì sẽ bị phạt nặng và ảnh hưởng tới công ăn việc làm.

Đơn cử như tại phường Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm). Trên địa bàn phường có hơn 400 doanh nghiệp, có những doanh nghiệp có cả ngàn người lao động. Cộng với nhu cầu của cư dân địa phương thì số lượng giấy đi đường cực lớn. Vậy là công an phường, cơ quan cấp giấy đi đường quá tải. Rồi phần mềm cũng bị lỗi.

Theo quy trình của TP, doanh nghiệp thuộc các nhóm do phường cấp giấy phải cử người tới gặp công an phường để cung cấp địa chỉ email và xác thực email đó. Người dân xin cấp cũng phải gặp trực tiếp như thế để nộp hồ sơ. Sau đó, người đứng đầu doanh nghiệp gửi danh sách người xin cấp qua email cho UBND  phường. Nơi đây sẽ xét duyệt hồ sơ, sẽ chuyển cho công an phường cấp giấy. Ở cấp Phòng Cảnh sát Giao thông cũng áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ và gửi trả giấy đi đường qua emaul đối với các nhóm do mình phụ trách.

Nhưng rồi do thủ tục bị cho là rối rắm, chồng chéo  hướng dẫn khó hiểu, nên có nhiều hồ sơ bị sai sót. Cơ quan cấp giấy không đủ sức mà gọi điện hay gửi email trả lời, xác minh, bổ túc. Cuối cùng, người dân vẫn phải trực tiếp lên phường. Công nghệ giờ nằm ở khúc cuối, giúp người dân không phải quay lại nhận mà có thể nhận giấy qua email hay Zalo.

Trung tá Nguyễn Quang Chung, Trưởng Công an phường Mễ Trì cho biết cơ quan phải xử lý bằng 2 biện pháp. Một là hẹn người dân khi nào vắng sẽ gọi điện tới nhận giấy. Hai là tương tác với doanh nghiệp qua email hay điện thoại để hoàn tất hồ sơ.

Ngay cả cấp UBND TP cũng phải chữa cháy bằng cách chỉ đạo các chốt kiểm soát trong 2 ngày đầu chưa xử lý đối với giấy đi đường mẫu mới. Sau đó, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư. Việc này sẽ được điều chỉnh trên cơ sở hiệu quả thực tiễn, sau đó nhập hai loại giấy thành một.

Như vậy từ 6h ngày 8/9, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc sử dụng mẫu giấy đi đường cả mới và cũ; người dân chưa có giấy đi đường mẫu mới thì tiếp tục sử dụng giấy trước đây (đơn vị tự cấp) khi tham gia giao thông.

Trước đó, khi bắt đầu đợt siết chặt giãn cách từ ngày 23-8-2021, TP.HCM đã gặp lúng túng trong mấy ngày đầu. Trong vòng 3 ngày mà phải thay đổi quy trình cấp giấy 3 lần và thay đổi 2 mẫu giấy đi đường dù đã cấp xong. Công nghệ vẫn là trên giấy là chính.

Rối nhất cho người dân các địa phương là việc xác định ngành nghề nào thuộc nhóm nào và có thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường hay không. Mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau.

Trong bối cảnh đó, TP Đà Nẵng nổi lên với cách cấp giấy đi đường đơn giản và có tính công nghệ. Từ ngày 5-9-2021, các doanh nghiệp, cơ quan ở vùng xanh và vùng vàng chỉ được ra đường theo quy định và phải có giấy đi đường có mã QR. Quy trình cấp giấy  gọn hơn nhiều địa phương. Các đơn vị thuộc đối tượng được cấp chỉ cần truy cập vào một website chung để đăng ký. Các cơ quan được phân công cấp phép cũng vào một website chung để tiếp nhận hồ sơ và xử lý. Khi được cấp giấy, đơn vị xin cấp chỉ cần dùng tài khoản đã đăng ký của mình vào lại website để tự in giấy đi đường mà sử dụng.

Trong bộ hồ sơ xin cấp giấy đi đường ở Đà Nẵng, doanh nghiệp phải upload 3 file mềm: danh sách lao động xin cấp (chiếm 30% tổng số lao động), đơn xin xác nhận và cam kết, kịch bản phòng, chống dịch của đơn vị.

Trên website này còn có tùy chọn xin cấp thẻ đi chợ, nhưng tới tối 14-9 vẫn chưa hoạt động, mà chỉ tập trung vào việc cấp giấy đi đường.

Việc in giấy đi đường ra giấy, nhất là giấy mỏng, được cho là khó bảo quản. Đặc biệt bất tiện để xịt sát khuẩn sau khi trình báo. Vì thế, việc chụp lại màn hình và dùng mã QR được cấp là khả thi hơn cả.

Thống nhất một ứng dụng

Qua vụ việc cấp giấy đi đường mới phát lộ ra rằng các báo cáo thành tích ứng dụng công nghệ tại nhiều địa phương, đơn vị thực tế có khoảng cách với thực tế. Chuyện liên thông dữ liệu cũng chưa có được. Lẽ ra, các ứng dụng phần mềm cấp giấy cần được liên thông với cơ sở dữ liệu quản lý dân cư và doanh nghiệp để thống nhất và xác thực. Chẳng hạn chỉ cần nhập số căn cước công dân, số điện thoại, mã đăng ký kinh doanh,… là có ngay dữ liệu cần thiết.

Thay vì mỗi tỉnh, thành tự làm phần mềm và trang bị cơ sở hạ tầng riêng rẽ, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia phát triển ứng dụng chung, tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia có phân vùng tới từng tỉnh, thành cụ thể. Nó tương tự như ta đang làm với thủ tục xin cấp đổi hộ chiếu, CCCD.

Nhận ra tình trạng loại ứng dụng công nghệ như vậy, Chính phủ đã phải chỉ đạo cụ thể. Sáng 11-9-2021, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Phó Thủ tướng Võ Đức Đam cũng đã yêu cầu là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống COVID – PcCovid). Thông báo 242/TB-VPCP ngày 13-9-2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, nêu rõ: Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 11-9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc được sử dụng trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Mã QR mới là phiên bản 1.1. Ba bộ TT-TT, Công an và Y tế sẽ dùng chug một mẫu tờ khai báo và cho ra một mã QR thống nhất được dùng chung.

Trong khi đó, TP.HCM cũng đã phát triển thêm một ứng dụng mới có liên quan tới COVID-19. Có khác chăng là lần này, ứng dụng “Y tế HCM” nhằm tạo ra một mã QR thống nhất hỗ trợ người dân tham gia hoạt động sản xuất, lưu thông thay thế các giấy đi đường, thủ tục rắc rối và nhiều loại trước đó, ứng dụng này hiện được Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM triển khai thí điểm tại quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao chuẩn bị cho thời kỳ “bình thường mới” sau giãn cách siết chặt.

Cuối cùng, liệu pháp để trị căn bệnh loạn ứng dụng công nghệ là cần có một tổng tư lệnh chỉ đạo và một đầu mối đủ thẩm quyền để phối hợp các ngành và địa phương cùng thực hiện.

PHẠM HỒNG PHƯỚC