Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Zalo được ứng dụng trong chuyển đổi số tại toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước

Theo thông cáo báo chí của Zalo ngày 7-1-2022, tính đến hiện tại, toàn bộ 63/63 tỉnh thành trên cả nước cùng nhiều bộ ngành đã sử dụng Zalo trong công tác truyền thông, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trực tuyến, đem đến sự thuận tiện và nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2021, cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, biến nguy cơ thành cơ hội, tình hình này đã được nhiều địa phương tận dụng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tránh tiếp xúc gần, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Bên cạnh vai trò là nền tảng công nghệ cung cấp giải pháp hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, Zalo còn là kênh thông tin gắn liền với các hoạt động đời sống xã hội của người dân từ an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm đến các tiện ích trong đời sống hằng ngày như cư trú, y tế, giáo dục, điện, nước,…

Hơn 6.000 tài khoản Zalo chính thức của cơ quan nhà nước, tiện ích công

Tính đến cuối tháng 12-2021, trên cả nước đã có hơn 6.000 trang Zalo của các cơ quan cấp bộ, tỉnh thành, địa phương, công an, y tế, giáo dục, điện, nước… được thiết lập, tăng 160% so với năm 2020.

Trong mảng dịch vụ công, tài khoản Zalo chính thức của các tỉnh thành đều liên tục bổ sung các tiện ích mới để phục vụ người dân khi thực hiện các TTHC, dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cách ly xã hội như năm vừa qua.

Hơn 6.000 tài khoản Zalo chính thức của cơ quan nhà nước và tiện ích công.

Đơn cử, tại Vĩnh Phúc, Zalo OA “Cổng DVC tỉnh Vĩnh Phúc” của tỉnh này hiện đã cung cấp nhiều tiện ích thiết thực như: tin nhắn điện tử (có chữ ký số) nhằm thông báo trạng thái hồ sơ, truy cập và quản lý danh mục hồ sơ đã thực hiện, kho dữ liệu cá nhân của người dân, đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính, yêu cầu rút hồ sơ, ủy quyền nhận kết quả, các tính năng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế đất,…

Những tiện ích này đã giúp thay đổi hoàn toàn hình thức làm việc thông qua giấy tờ truyền thống và chuyển sang thực hiện bằng văn bản, giấy tờ điện tử. Người dân không phải lo lắng khi quên, mất hay hư hỏng giấy hẹn. Một số giao dịch trước đây đòi hỏi người dân phải trực tiếp đến các cơ quan nhà nước để thực hiện, thì nay hoàn toàn thực hiện được trên môi trường điện tử. Lịch sử giao dịch cũng được lưu trữ trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, thuận tiện cho cán bộ trong việc tra cứu, xử lý hồ sơ.

Ông Nguyễn Tiến Việt, Quản trị Cổng DVC tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai, người dân đã vô cùng bất ngờ và thích thú với những thay đổi này. Đến nay, hầu hết người dân đã quen thuộc và thành thạo trong việc sử dụng các tính năng, tiện ích của Zalo OA “Cổng DVC tỉnh Vĩnh Phúc.”

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực của chuyển đổi số. (Ảnh: Cổng DVC tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh do Zalo cung cấp).

Không dừng lại, nhiều tỉnh còn tận dụng nền tảng Zalo để xây dựng, thiết kế các tiện ích phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, OA Zalo “Chính quyền điện tử Bình Định” là một trong những đơn vị đầu tiên ra mắt loạt tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh như tra cứu điểm thi THPT 2021, tra cứu vi phạm giao thông, xem camera giao thông,… Nhờ đó, kỳ thi THPT 2021 vừa qua có hàng chục nghìn thí sinh, phụ huynh học sinh đã tra cứu điểm thi thuận lợi, mà không cần tập trung xem điểm góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, nói rằng: “Việc triển khai kênh Zalo đã giúp sở đưa thông tin đến với người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, rộng hơn, chính xác và kịp thời. Đồng thời thống kê được hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền. Zalo “Chính quyền điện tử Bình Định” đã trở thành một kênh thông tin được người dân đánh giá cao.”

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực của chuyển đổi số, các nền tảng công nghệ như Zalo đã và đang là những công cụ hữu hiệu được các tỉnh thành sử dụng trong quá trình chuyển đổi số.

Cũng trong năm vừa qua, Zalo còn đóng vai trò là một kênh truyền thông chính thống trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Đã có hơn 14 tỷ tin nhắn thông báo khẩn gửi đến người dân cả nước từ Zalo chính thức của Bộ Y tế, các địa phương. Đặc biệt, sau khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nền tảng Zalo còn được ứng dụng để hỗ trợ giải quyết các vấn đề dân sinh cấp thiết như giúp người tra cứu trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, kết nối việc làm cho người lao động…

Mô hình Zalo an ninh phát huy hiệu quả

Trong năm 2021, việc sử dụng Zalo phục vụ công tác tiếp nhận tin báo an ninh trật tự, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm được ngành công an ứng dụng. Mô hình Zalo an ninh được nhiều đơn vị triển khai mạnh mẽ, tính đến cuối năm 2021 đã có hơn 3.580 trang Zalo an ninh được thiết lập.

So với những mô hình khác, sử dụng Zalo là cách thức đơn giản nhưng hiệu quả. Chẳng hạn, khi phản ánh ANTT, tội phạm, người dân có thể thông tin qua Zalo bằng nhiều hình thức như nhắn tin, gọi hoặc gửi những hình ảnh, video về sự việc để tăng tính xác thực. Zaolo khẳng định rằng những thông tin phản ánh, tố cáo sẽ luôn được bảo đảm bí mật nguồn tin.

Công an quận Tân Phú (TP.HCM) là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động truyền thông tích cực, hiệu quả trên nền tảng Zalo. (Ảnh: Công an quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh do Zalo cung cấp).

Một điểm sáng trong năm 2021 phải kể đến là việc ngành công an của nhiều tỉnh thành sử dụng Zalo để hỗ trợ cho chiến dịch cấp căn cước công dân từ công tác truyền thông đến điện thoại của từng người dân đến hướng dẫn thủ tục, chatbot hỗ trợ, đặt chỗ, hẹn lịch làm việc, tra cứu tiến độ,… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu.

Bên cạnh các OA chính thức của lực lượng công an từng tỉnh thành, quận, phường,… mô hình nhóm Zalo kết nối giữa công an khu vực với người dân cũng được triển khai rộng rãi và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền những thủ đoạn phạm tội; tố giác tội phạm; cũng như các thủ tục hành chính cần thiết như tạm trú, hộ khẩu; CCCD; phòng cháy, chữa cháy,… được lực lượng công an hướng dẫn, tư vấn, giải đáp chi tiết cho người dân qua các nhóm Zalo này.

Từ những hiệu quả mang lại, mô hình Zalo an ninh mở ra cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật linh hoạt, gần dân, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại cơ sở. Qua đó, góp phần gắn kết lực lượng công an và người dân trong việc chung sức phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương mình.

MEDIAONLINE

Nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.