Thứ Bảy ngày 28 tháng 12 năm 2024

Google nhận định: ngành du lịch Đông Nam Á trên đường hồi phục

Khi tình hình đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, mức độ miễn dịch cộng đồng chủ yếu qua việc phủ vaccine đã đạt yêu cầu ở nhiều nơi, bầu trời mở lại cho các hãng hàng không, ngày càng nhiều nước mở cữa lại cho du lịch nước ngoài, hoạt động du lịch inbound và outbound đang hồi sinh. Ngày 26-4-2022, trên trang Blog của Google, bà Hermione Joye, Sector Lead, APAC Travel, Google APAC, đã có một bài viết về sự trở lại của ngành du lịch ở Đông Nam Á. Bài viết cũng cho thấy cách Google điều chỉnh công cụ của mình để hỗ trợ khách du lịch và ngành du lịch.

MediaOnline xin chia sẻ với bạn đọc bài viết do Google cung cấp. Bản dịch Việt ngữ từ đại diện truyền thông của Google ở Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh – Việt Nam. (Nguồn do Google cung cấp).

Trước đại dịch COVID-19, Đông Nam Á là điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới. Chỉ trong vài tháng, đại dịch đã nhanh chóng thay đổi điều này, gây ra hậu quả tàn khốc đối với ngành du lịch trị giá 380 tỷ USD của khu vực. Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, làn sóng du lịch bắt đầu trở lại. Các quốc gia Đông Nam Á đã nới lỏng hạn chế đi lại và chúng ta đang thấy một hiện tượng mới xuất hiện: những “du khách phục thù” (revenge travelers) háo hức xê dịch để bù đắp cho khoảng thời gian vừa qua. Những du khách này cam kết sẽ đi du lịch thường xuyên hơn, sẵn sàng đến các địa điểm mới và quyết tâm tận dụng tối đa những cơ hội đang mở ra.

Để nắm bắt được nhu cầu bị dồn nén sau thời gian dài của đối tượng du khách này và cơ hội nó tạo ra cho các doanh nghiệp khai thác du lịch trong khu vực, chúng tôi đã xem xét kỹ một số xu hướng gần đây trên Google Tìm kiếm (Google Search).

Nhu cầu du lịch bùng nổ

Ở Đông Nam Á, dựa trên lượt tìm kiếm thông tin, nhu cầu du lịch từ khách quốc tế (inbound) chứng kiến sự hồi phục nhanh nhất tại Philippines và Indonesia. Trong tháng 3-2022, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch tại Philippines đã vượt qua con số trước đại dịch (đạt 104% so với lượng tìm kiếm trước đại dịch) và Indonesia đang tiến gần đến mức phục hồi hoàn toàn (94%). Hai quốc gia này cũng đã chứng kiến ​​sự hồi sinh nhanh nhất của nhu cầu du lịch nước ngoài (outbound)với lượng tìm kiếm đã tăng trở lại 70% mức trước đại dịch. Singapore đứng vị trí thứ ba về nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế. Việt Nam cùng Thái Lan và Malaysia nằm trong nhóm nước có sự phục hồi tương đối.   

Biểu đồ thể hiện nhu cầu đi lại trong và ngoài nước của từng quốc gia Đông Nam Á vào tháng 3-2022.

(Nguồn: Google Internal Data, Air & Accommodation  related searches in March 2022 vs. 2019).

Khách du lịch có xu hướng tìm kiếm dịch vụ hạng sang và quan tâm đến yếu tố bền vững

Mặc dù nhu cầu tăng vọt là tín hiệu tích cực, nhưng điều quan trọng là ngành du lịch phải nắm bắt và đáp ứng nhu cầu cũng như sở thích đang thay đổi của khách du lịch. Xu hướng tìm kiếm của du khách cho thấy rằng nhu cầu du lịch hiện nay đa dạng hơn so với trước đại dịch.

  • Mọi người đang dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, lập kế hoạch và cân nhắc các lựa chọn để được yên tâm và bảo đảm rằng họ luôn sẵn sàng đối phó với những thay đổi bất ngờ. 
  • Đối tượng “du khách phục thù” nói riêng sẵn sàng trả tiền cho các lựa chọn du lịch cao cấp. Điển hình, lượt tìm kiếm “khách sạn tốt nhất” tăng 71% tại Việt Nam, cho thấy người Việt Nam sẵn sàng chi tiền cho những dịch vụ cao cấp.
  • Khách du lịch muốn lưu trú lại lâu hơn khi họ đi du lịch: sở thích thuê địa điểm lưu trú dài ngày của du khách Đông Nam Á tăng hơn 1.010% so với cùng kỳ năm ngoái.  Du khách Việt Nam tìm kiếm nơi lưu trú dài ngày khi du lịch nước ngoài nhiều hơn 8 lần vì họ thấy đó là sự lựa chọn tiện lợi.
  • Nhận thức về sự phát triển bền vững trong khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Singapore và Philippines. Các tìm kiếm liên quan đến sự phát triển bền vững tăng 45% kể từ năm 2019, trong khi các tìm kiếm về khí thải nhà kính (greenhouse gas emissions) đã tăng hơn 163% tại Singapore và hơn 156% tại Philippines.

Du khách Việt có xu hướng ưu tiên lựa chọn các thành phố lớn làm điểm đến khi du lịch nước ngoài

Ngày 15-3 vừa qua, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn (không cần cách ly) cho khách du lịch quốc tế sau gần hai năm tạm đóng cửa hay hạn chế vì đại dịch. Chính sách này dự kiến ​​sẽ kích thích nhu cầu mạnh mẽ từ khách du lịch nước ngoài trong quý 2-2022.

Nhu cầu du lịch trong nước từ khách quốc tế đã cải thiện đáng kể trong Q1-2022. Tính đến tháng 3-2022, 2/3 nhu cầu du lịch nội địa từ khách quốc tế có sự hồi phục. Các du khách đến từ Mỹ, Úc, Pháp, Singapore, Nhật Bản có nhu cầu du lịch tại Việt Nam cao, trong đó, TP.HCM và Hà Nội là những điểm đến hàng đầu; Mỹ Tho (Tiền Giang) và Bắc Ninh là hai địa danh có sự tăng trưởng đáng kể về kết quả tìm kiếm (tăng 75% lượt tìm kiếm). Tuy nhiên, vì du khách đến từ Trung Quốc thường đóng góp một phần đáng kể vào du lịch Việt Nam, nên việc phục hồi hoàn toàn sẽ vẫn là một thách thức.

Người Việt Nam đang dần thoải mái hơn với việc đi du lịch nước ngoài. Vào tháng 1-2022, ý định đi du lịch nước ngoài của người Việt chỉ bằng 25% so với mức năm 2019; con số này đã tăng gấp đôi lên 50% vào tháng 3-2022. Theo thống kê, các thành phố lớn như Singapore, Bangkok, Dubai, Paris, Osaka, New Delhi dẫn đầu xu hướng tìm kiếm của du khách Việt khi lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài. Khi có nhiều chuyến bay hơn và việc sắp xếp đi lại diễn ra suôn sẻ, sự phục hồi du lịch dự kiến sẽ diễn ra nhanh chóng – đặc biệt là khi mùa hè bắt đầu. Theo đó, lượt tìm kiếm “đi đâu vào mùa hè” nhiều hơn 12 lần so với năm trước.

Nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức cao cho đến hết quý 1-2022. Nhu cầu thuê xe hơi và dịch vụ xe buýt trung chuyển tăng trưởng đều đặn trong quý này, cho thấy người Việt Nam có nhu cầu di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, liên quan đến việc tìm kiếm địa điểm du lịch nội địa, chúng tôi nhận thấy bãi biển và đảo là các địa điểm được ưa chuộng (Phú Quốc, Nha Trang, Phú Quý, Quy Nhơn, Vũng Tàu). Các địa điểm như Đà Lạt và các thành phố như Đà Nẵng, Vũng Tàu cũng nằm trong nhóm được tìm kiếm phổ biến.

Cách chúng tôi điều chỉnh công cụ của Google để hỗ trợ khách du lịch

Chúng tôi cam kết giúp khách du lịch tìm kiếm được trải nghiệm mà họ mong đợi cũng như đang tìm kiếm trong bối cảnh đa dạng sự lựa chọn như hiện nay. Trên Google Travel, các mục Chuyến bay (Flights), Khách sạn (Hotels) và Việc cần làm (Things to Do) hiện cung cấp thêm thông tin về dịch COVID – và cung cấp cho du khách tùy chọn để tìm kiếm các suất đặt phòng hoặc vé máy bay linh hoạt. Trang web Trợ giúp Du lịch của Google (Google Travel Help) chỉ dẫn du khách các chính sách du lịch, hạn chế và các yêu cầu đặc biệt dễ dàng hơn.

Đối với những du khách đang tìm kiếm trải nghiệm mới, chúng tôi đã bổ sung nhiều điểm đến hơn vào thẻ Khám phá (Explore tab) – bao gồm các thành phố nhỏ hơn và các công viên – vườn quốc gia (national parks) – cùng các tùy chọn được lọc theo sở thích cá nhân như hoạt động ngoài trời, bãi biển hoặc trượt tuyết.

Chúng tôi cũng hỗ trợ khách du lịch đưa ra lựa chọn bền vững hơn khi tìm kiếm và đặt phòng, bao gồm việc cung cấp cho các khách sạn quyền hiển thị huy hiệu thân thiện với môi trường (eco-certified badge) bên cạnh tên của mình và chia sẻ thông tin về các hoạt động cụ thể liên quan đến du lịch bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp thêm ước tính lượng khí thải carbon (carbon emission estimates) cho mỗi chuyến bay.

Hỗ trợ phục hồi ngành du lịch

Ngoài việc phát triển những công cụ dành cho khách du lịch, chúng tôi đang thực hiện rất nhiều dự án phát triển sản phẩm hỗ trợ các đối tác ngành du lịch lên kế hoạch cho tương lai. Sử dụng Travel Insights with Google, các doanh nghiệp, chính phủ và cơ quan du lịch có thể đưa ra quyết định dựa trên thông tin mới nhất và thực hiện nhanh chóng khi có cơ hội.

Để giúp những doanh nghiệp du lịch nhỏ hơn tiếp cận khách hàng tiềm năng trên quy mô lớn, chúng tôi đã tạo điều kiện cho tất cả các khách sạn và công ty khai thác du lịch hiển thị miễn phí liên kết đặt phòng trực tiếp trong trang hồ sơ của họ – và xem có bao nhiêu người đã nhấp vào các liên kết đó bằng cách tạo báo cáo về Trung tâm Khách sạn (Hotel Center).

Đây là thời điểm quan trọng của ngành du lịch. Du khách đã lên kế hoạch đặt các chuyến du lịch, đã mơ về nó (và tiết kiệm cho nó) trong thời gian dài. Do đó, họ có kỳ vọng cao hơn, bao gồm cả trải nghiệm kỹ thuật số trong suốt hành trình của họ, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chi nhiều tiền và thời gian cho việc đi du lịch hơn so với trước đây. Nhu cầu du lịch bùng nổ ở Đông Nam Á mới chỉ là giai đoạn khởi đầu khi các điểm đến chính như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa trở lại.

Một cơ hội lớn trong tương lai cho các doanh nghiệp khai thác du lịch, những người nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm phù hợp và được cá nhân hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp đỡ và đóng góp vào sự phục hồi du lịch bền vững, mạnh mẽ trên toàn khu vực.

Tham khảo: Southeast Asian travelers are back

HERMIONE JOYE, Sector Lead, APAC Travel, Google APAC

Nguồn do Google cung cấp.