Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Chuyển đổi số trở lại bình thường thay vì bình thường mới

Chuyện nhức đầu về làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hiện nay là một trong những dấu hiệu cho thấy tiến trình chuyển đổi số, cụ thể là hành chính công, ở Việt Nam đang có vẻ chựng lại, không còn giữ được cái động lực tích cực như trong thời gian cao điểm dịch. Phải chăng, chuyển đổi số – và nhiều thứ khác trong cuộc sống xã hội – đã quay trở lại trạng thái bình thương trước đại dịch chứ không phải là bình thường mới sau cao điểm dịch.

Nhiều người tưởng rằng chuyện đùa dai chứ làm sao trong thời đại vạn vật kết nối mạng và Công nghiệp 4.0 này mà người làm CCCD hay nhiều dịch vụ công khác hoàn toàn mù tịt, không biết tiến trình xử lý đang tới chỗ nào, có gặp vướng mắc nào cần giải quyết ngay không?

Công an TP.HCM hiện đang ứng dụng Zalo để đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắn chíp đợt 3 cho người dân. (Ảnh do Zalo cung cấp).

Sắp đến hạn năm 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên phải ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định ở Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế (giai đoạn đầu 2019-2023). Và trong giai đoạn 2 từ 2024 đến 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Vậy mà cho tới giữa năm 2022 này, hầu như các bệnh viện – cho dù cực lớn và có quy mô quốc gia – vẫn còn “kiên trì” với sổ khám bệnh giấy và các kết quả chẩn đoán, xet nghiệm mang tính cục bộ. Vậy là đi khám bệnh ở bệnh viện nào, người bệnh phải có cuốn sổ khám bệnh của bệnh viện đó (nếu làm mất hay chưa có thì phải mua) và phải kè kè ôm theo cả đống kết quả xét nghiệm bằng giấy, bằng phim. Bác sĩ nào cần thì lại cho xét nghiệm lần nữa.

Ở đây chưa nói tới tình trạng cả đống ứng dụng hao tiền tốn của ngân sách được nhà nhà tranh thủ tạo ra trong cao điểm dịch COVID-19 mà chồng chéo, trùng lặp và chập cheng, ngay cả những ứng dụng quốc gia như Sổ Sức khỏe Điện tử, PC-Covid,…cũng vẫn còn nhiều lỗi, đầy bất cập. Điều đáng nói là mặc dù vẫn được cơ quan chủ quản quan tâm cập nhật, sửa lỗi (như ứng dụng Sổ Sức khỏe Điện tử của Văn phòng Bộ Y tế được cập nhật lần mới nhất là 3-6-2022; trong khi ứng dụng PC-Covid của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có phiên bản mới nhất là 4.2.8 cập nhật ngày 12-4-2022), nhưng chúng vẫn chưa thể hiện được tối ưu chức năng mà chúng lẽ ra phải có. Đơn cử như ở phần “tự khai” thông tin, người dùng lúng túng không biết phải làm sao để có thể cập nhật mũi tiêm thứ 4.

Vấn đề của vấn đề vẫn nằm ở chỗ cơ sở dữ liệu và tính liên thông. Sự bất cập và không khả dụng của cả hai vấn đề này gây khó cho cả cơ quan cung cấp dịch vụ lẫn người dân. Chuyện này hoàn toàn là trách nhiệm của phía cơ quan cung cấp dịch vụ. Thiết nghĩ, ngày nay với đường truyền dữ liệu đã phủ toàn quốc; kết nối mạng rộng khắp; công nghệ dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng rộng rãi, các vấn đề của vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được trong tầm tay. Và mấu chốt là các cơ quan chức năng phải luôn quan tâm giữ cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia tiếp tục đạt tốc độ nhanh nhất và hữu hiệu nhất có thể được.

Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 24-7-2022 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC