Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Chuyển đổi số cho mọi người dân

Có thể nói ngay rằng, công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam được khởi sự từ mấy năm trước cho tới nay đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập và xoay trở nặng nề. Trong khi nhiều nước vẫn còn coi chuyển đổi số là chuyện của doanh nghiệp, của tư nhân, Việt Nam có một ưu thế vượt trội là sự quyết tâm và gắn kết của Chính phủ ngay từ đầu. Chính phủ rõ ràng không chỉ quyết liệt chỉ đạo và thực thi vai trò tổng công trinh sư, mà thật sự đang sốt ruột với tiến trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia. Thời hạn để đạt được các mục tiêu cơ bản theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng hồi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt vào ngày 3-6-2020 đang ngày càng gần kề.

Thể hiện ý chí chính trị của Chính phủ về công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do mình là Chủ tịch Ủy ban, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ dụng hơn. (Nguồn: VISA).

Trong một bài phát biểu hồi tháng 7-2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi phân tích về sự khác nhau giữa công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đã nói rõ: “Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý. Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.”

Tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 8-8-2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã điểm lại tình hình chuyển đổi số tại Việt Nam với một số ý:

Thứ nhất, chuyển đổi số thì tiền hô, hậu ủng. Ủy ban chuyển đổi số các cấp, từ Trung ương đến địa phương, là người hô. Hậu ủng thì phải đến cấp thấp nhất, tức là cấp gần người dân nhất. Đó là các tổ cộng nghệ số cộng đồng, được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đây là cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số của Việt Nam.

Thứ hai, chuyển đổi số thì phải dọc, ngang thông suốt. Dọc thông suốt là chuyển đổi số ngành. Các bộ ngành phải chuyển đổi số ngành mình thì mới tạo ra chuyển đổi số quốc gia. Ngang thông suốt là kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu.

Thứ ba, chuyển đổi số thì phải toàn diện. Chuyển đổi số là chuyển từ cách làm từng phần của thời triển khai CNTT sang làm toàn diện. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số.

Thứ tư, chuyển đổi số thì nên có một công thức chung. Đó là chuyển đổi số thì bằng CNTT + Số hóa toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số. Chuyển đổi số thì vẫn phải kế thừa quá khứ là CNTT, nhưng mở ra tương lai là số hóa toàn diện.

Thứ năm, chuyển đổi số nay đã nhà nhà làm, mọi ngành, mọi cấp đều làm, do vậy phải tránh cho được các tai nạn. Nhất là các tai nạn về đầu tư, mua sắm.

Thứ sáu, chuyển đổi số muốn thúc đẩy được thì phải đo lường được. Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đã đặc biệt quan tâm đến việc ban hành các tiêu chí và thực hiện đo lường. Đo lường thời chuyển đổi số phải là đo lường tự động, đo lường online.

Thật sự, Ngày Chuyển đổi số quốc gia đầu tiên năm nay không chỉ gói gọn trong ngày 10-10. Nguyên tháng 10 được coi là tháng tiêu dùng số với mục đích nâng cao kỹ năng số cho toàn dân. Trong tháng này, các đơn vị, tổ chức tập trung khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, được hưởng thụ lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh trong cuộc họp báo phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia hôm 29-9-2022 tại Hà Nội rằng: các cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Đây không phải là các chương trình ưu đãi, giảm giá đơn thuần. Mục đích lớn nhất của các chương trình này là nâng cao khả năng kỹ năng số cho người dân. Các nhóm kỹ năng số này bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ trước nguy cơ trực tuyến trên không gian mạng; Thúc đẩy học tập từ xa, khám chữa bệnh từ xa.

Rõ ràng, muốn tiến hành chuyển đổi số quốc gia toàn diện có hiệu quả, người dân (đối với cơ quan nhà nước) và khách hàng (đối với doanh nghiệp) phải là đối tượng trọng tâm để phục vụ. Các nỗ lực chuyển đổi số không phải chỉ đem lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức giúp hoạt động của chúng hữu hiệu hơn mà còn phải đem lại lợi ích thiết thực cho những đối tượng mà các cơ quan, tổ chức phục vụ. Và chuyển đổi số muốn thật sự toàn diện thì phải là công việc đồng bộ đồng thời của cả nhà nước lẫn tư nhân/doanh nghiệp.

Rảo qua các mạng xã hội, người ta dễ dàng đọc được những bức xúc, phàn nàn của không ít người dân khi phải thực hiện những thủ tục, dịch vụ số. Anh N.V.D. ở Quận 5 (TP.HCM) cho biết, sau khi đổi căn cước công dân có gắn chíp, anh tiến hành cập nhật thay số CCCD, cũng là mã định danh cá nhân, cho số CMND của Bảo hiểm Xã hội. Sau khi truy cập vào website và điền đầy đủ thông tin, anh vẫn bị yêu cầu phải trực tiếp mang giấy tờ chứng minh tới cơ quan BHXH để xác nhận mới có thể hoàn tất việc thay đổi. Trong khi đó, chị P.T.A. (cũng ở TP.HCM) muốn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia để có thể dễ dàng làm các thủ tục trực tuyến và thanh toán online cho các dịch vụ công mức độ 4 (như làm hộ chiếu online). Sau khi điền các thông tin theo yêu cầu, chị không thể được Cổng này xác thực qua số điện thoại đang dùng chỉ vì trong hồ sơ thuê bao, chị dùng CMND chứ không phải CCCD mới được cấp. Vì thế, chị buộc phải trực tiếp đến một cửa hàng của nhà mạng để làm thủ tục đổi số CMND trong dữ liệu thuê bao thành số CCCD.

Tất nhiên, các cơ quan, tổ chức này vẫn làm đúng quy định hiện hành để xác thực nhân thân người sử dụng. Nhưng phải chi mọi sự chuyển đổi số được đồng bộ và toàn diện thì người dân và khách hàng sẽ không phải chịu tình cảnh kết hợp giữa 4.0 và 2.0. Nói như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là “chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không” và “tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người”.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 8-10-2022 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC