Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho mạng 6G

Vào dịp cuối năm 2022 đầu năm 2023 mà nói chuyện mạng di động 6G ắt bị không ít người cười cười kiểu mạng 5G còn chưa được xài nói chi đến mạng 6G. Nhưng trong công nghệ, sự phát triển là liên tục, và người thức thời luôn phải chuẩn bị cho mình tư thế sẵn sàng tối ưu nhất để hễ đoàn tàu đến là có thể lên ngay, không bị bỏ lại phía sau.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Mạng 6G tất nhiên là thế hệ tiếp theo của mạng 5G vốn được giới thiệu từ tháng 7-2016 và bắt đầu được các công ty viễn thông triển khai trên thế giới trong năm 2019. Năm 2020 được coi là năm của 5G. Theo dự báo của tổ chức GSM Association và hãng thống kê Statista, mạng 5G sẽ đạt được hơn 1,7 tỷ thuê bao và chiếm 25% tổng thị trường công nghệ di động toàn cầu vào năm 2025.

Theo chu kỳ 10 năm, kể từ mạng 1G vào năm 1980, thế hệ mạng di động tiếp theo 5G là 6G sẽ chính thức có mặt trên thị trường thế giới vào năm 2030.

Từ khi ra đời đến nay, mỗi thế hệ công nghệ mạng di động đều có mục tiêu đáp ứng nhu cầu kết nối di động thực tế của thời kỳ đó với những đặc trưng cải tiến về công nghệ và tốc độ, băng thông. Với tốc độ lý thuyết tới 20Gbps (gấp 20 lần 4G) và băng thông cao hon 4G, tối ưu hóa cho nhiều thiết bị cùng kết nối với độ ổn định cao và gần như không có độ trễ, mạng 5G lý tưởng cho các nền tảng, hệ sinh thái Internet vạn vật (IoT), xe tự hành, thiết bị điều khiển từ xa, nhà máy thông minh,…

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Mạng 6G sẽ có tốc độ kết nối không còn ở múc “gigabit/giây” (Gbps) mà tăng vọt tới “terabit/giây” (Tbps), tức nhanh gấp 1.000 lần. 6G sử dụng phổ tần số cực cao (Extreme High Frequency) mang lại tốc độ cực cao và dung lượng lớn trong khoảng cách ngắn. Mạng 6G sẽ phục vụ cho nhu cầu kết nối di động vào thời kỳ đó với độ phủ cực rộng và ứng dụng trí thông minh nhân tạo.  

Hiện nay trên thế giới đang có rất nhiều dự án nghiên cứu phát triển 6G (với nguồn kinh phí do tư nhân hoặc những quỹ đầu tư tài trợ). Chẳng hạn dự án 6Genesis trị giá 251 triệu Euro đã được Viện Hàn lâm Phần Lan công bố ngày 20-4-2018 thực hiện tại Oulu (miền Bắc Phần Lan). Chương trình nghiên cứu kéo dài 8 năm để khái niệm hóa mạng 6G được tiến hành dưới sự giám sát của Trung tâm Truyền thông Không dây của Đại học Oulu. Đang dẫn đầu trong việc phát triển mạng 6G ở Hàn Quốc là hãng Samsung, ở Châu Âu là hãng Nokia, ở Trung Quốc có hãng Huawei,… Nước Anh cũng có dự án phát triển 6G mới tại 6G Innovation Centre (6GIC) ở Đại học Surrey.

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu 6G từ năm 2018 và đã phóng vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên lên quỹ đạo hồi thượng tuần tháng 11-2020. Nước này dự kiến sẽ đưa mạng 6G ra công chúng vào năm 2029.

Sớm hơn nữa sẽ là Hàn Quốc. Nước này đã lên kế hoạch giới thiệu 6G vào năm 2026 với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ viễn thông LG, Samsung và SK Telecom.

Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu 6G từ năm 2022 với sự tham gia của Sony, NTT và Intel. Nước này dự định triển khai 6G vào năm 2030.

Ở Mỹ, Cục Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã có một trang chuyên về mạng 56/6G, trên đó viết: “Mạng truyền thông không dây 6G sẽ là mạng kế nhiệm của 5G và dự kiến sẽ bắt đầu ra mắt vào năm 2030. Các điểm khác biệt đáng chú ý của 6G so với 5G bao gồm khả năng mở rộng được nâng cao, sử dụng phổ vô tuyến nhiều hơn và khả năng truy cập động (dynamic access) vào các dạng kết nối khác nhau. Điều này sẽ mang lại độ tin cậy cao hơn và hạn chế tình trạng rớt kết nối, điều rất quan trọng để hỗ trợ các công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái và rô-bốt. Quyền truy cập động này sẽ cho phép các thiết bị được kết nối sử dụng đồng thời nhiều kết nối (ví dụ: Wi-Fi và mạng di động) để duy trì kết nối ngay cả khi một nguồn bị gián đoạn”.

Theo trang 6G World, Mỹ đang tăng tốc nghiên cứu về 6G. Năm 2018, Mỹ bắt đầu triển khai nghiên cứu 6G. Vào năm 2020, Liên minh cho Các Giải pháp Công nghiệp Viễn thông (ATIS) đã thúc giục nhà chức trách Mỹ tập hợp các hãng viễn thông lại với nhau để giành được vị trí dẫn đầu về nghiên cứu 6G. Nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… lúc đó đã khởi động các chương trình “vượt qua 5G” (Beyond 5G) chuẩn bị cho 6G. Liên minh nghiên cứu công nghệ không dây tại Bắc Mỹ Next G đã được thành lập vào năm 2020 với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ và viễn thông như Apple, Google và AT&T. Hai năm sau, vào năm 2022, Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) đã cấp giấy phép Spectrum Horizons License (có giá trị 10 năm) đầu tiên cho việc thử nghiệm các tần số từ 95GHz tới 3THz, cũng như thành lập một nhóm chuyên gia để tư vấn về việc cung cấp các phổ tần cho 6G. Quốc hội Mỹ thì xem xét các dự luật về phân bổ ngân sách cho việc thiết kế và triển khai công nghệ 5G. Chính phủ của Tổng thống Joe Biden cũng đã ký bản ghi nhớ với các nước như Nhật Bản về việc Mỹ sẽ đầu tư 4,5 tỷ USD cho việc triển khai 6G.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Việt Nam đang tiếp tục những nỗ lực để có thể ứng dụng 6G thật sớm. Quyết tâm này được thể hiện ngay từ cấp Chính phủ. Tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Khối Viễn thông, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là nằm “trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới”. Để làm được điều này, ngay từ 2022, Việt Nam phải khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. Cục Viễn thông hồi đầu năm 2022 cho biết Ban chỉ đạo 6G cũng đã được thành lập. Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có ban chỉ đạo này.

Công ty Samsung, nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới, ước tính rằng các dịch vụ 6G (đã được thương mại hóa) có thể sẽ xuất hiện sớm nhất vào năm 2028 hoặc 2030. Và dĩ nhiên là thời gian để mạng 6G có thể đến với rộng rãi người dùng như 4G hiện nay sẽ còn lâu hơn.

Trong khi đó, người dùng di động vào thời điểm bước sang năm 2023 vẫn nên “đặt quyết tâm” là có thể sử dụng được mạng 5G trong năm mới này. Các dòng smartphone hỗ trợ 5G giờ đã phong phú với giá nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vấn đề chủ yếu chỉ là khi nào nhà mạng di động mới phủ sóng 5G cho đông đảo người dùng. Mà đó lại phụ thuộc vào bài toán kinh doanh của từng nhà mạng khi việc đầu tư cho phủ sóng 5G chẳng rẻ chút nào lại giữa bối cảnh thị trường nhiều thách thức.

Bản đăng trên báo Người Lao Động Online ngày 29-12-2022.

NGÔ LÊ